Sự suy yếu của đồng Yên làm dấy lên mối lo ngại về chiến tranh tiền tệ mới ở châu Á
Tạ Thị Giang
Junior Analyst
Đồng yên tiếp tục suy yếu của được coi là yếu tố tiềm ẩn có thể kích hoạt một cuộc chiến tiền tệ mới ở Châu Á. Cách Trung Quốc quản lý đồng nhân dân tệ sẽ là yếu tố then chốt cho sự ổn định khu vực.
Khi đồng yên giảm xuống mức đáy mới, một số nhà đầu tư đang cân nhắc về một kịch bản gần như không thể tưởng tượng được trong một khu vực đang bận rộn hỗ trợ tỷ giá hối đoái giảm - đó là một loạt các cuộc phá giá cạnh tranh sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến tiền tệ mới ở châu Á.
Những nỗ lực can thiệp nhằm kéo đồng yên thoát khỏi mức thấp nhất trong 34 năm so với đô la Mỹ được cho là khó có tác dụng lâu dài nếu Nhật Bản tiếp tục đơn độc, làm dấy lên lo ngại về một đợt suy yếu khác của đồng tiền này. Điều này có thể đẩy căng thẳng cạnh tranh với các nước láng giềng xuất khẩu của Nhật Bản là Hàn Quốc và Đài Loan lên đỉnh điểm - và gây thêm áp lực cho Trung Quốc, nơi đang có nhiều tranh cãi về khả năng đồng nhân dân tệ mất giá.
Theo lý thuyết, sự lao dốc mất ổn định của đồng yên có thể là nguyên nhân buộc các nước láng giềng của Nhật Bản phải hành động quyết liệt, ngay cả khi những nỗ lực cho đến nay của họ là nhằm hỗ trợ tiền tệ thay vì đầu hàng và để chúng trượt giá. Mặc dù đây là quan điểm của số ít và quan điểm này không cho thấy cuộc khủng hoảng tài chính châu Á sẽ lặp lại, nhưng nó đang vẫn thu hút được một số sự chú ý trong kịch bản đồng USD phục hồi mạnh mẽ và duy trì sức mạnh lâu hơn.
“Chúng tôi đã không nghe thấy cụm từ ‘phá giá cạnh tranh’ trong một thời gian dài,” Henry Quek, Giám đốc Thị trường Toàn cầu, khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại State Street Corp. cho biết. Nhưng "chúng tôi đang ở trong tình huống có khả năng xảy ra một loạt các cuộc phá giá cạnh tranh nếu đồng yên tiếp tục suy yếu hơn nữa."
Mặc dù các ngân hàng trung ương châu Á đã tích cực hỗ trợ đồng tiền của họ so với đồng đô la, nhưng sự sụt giảm của đồng yên là tồi tệ nhất trong khu vực, làm xói mòn khả năng cạnh tranh xuất khẩu của các nước láng giềng gần Nhật Bản. Điều đó chắc chắn sẽ gây khó chịu ngay cả khi nguyên nhân khiến đồng yên giảm giá không hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của Tokyo - khoảng cách lớn về lãi suất giữa Nhật Bản và phần còn lại của thế giới và sự ưa thích của các nhà đầu tư đối với tài sản của Mỹ.
Vào cuối tháng Tư, đồng yên đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1992 so với nhân dân tệ - đồng tiền của đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản. Đồng thời, đồng yên cũng đang ở gần mức yếu nhất so với đồng won kể từ năm 2008 và đang chạm đáy 31 năm so với đồng đô la Đài Loan.
“Điều đó đang xảy ra,” Kisoo Park, quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Manulife Investment Management, cho biết khi được hỏi về phá giá cạnh tranh. “Cho dù đó là sự phá giá cố ý hay vô tình thì nó cũng đang diễn ra và tác động đến các quốc gia khác trong khu vực.”
Tác động của đồng yên
Mặc dù không còn ảnh hưởng mạnh mẽ như trước đây, nhưng theo các nhà quan sát thị trường, sự lao dốc hỗn loạn của đồng yên vẫn có thể tạo ra sức hút đáng kể đối với các đồng tiền khác trong khu vực.
Arjun Vij, nhà quản lý danh mục đầu tư tại JPMorgan Asset Management, cho biết: “Theo chiều hướng trực tiếp nhất, đồng yên giảm giá mạnh sẽ kéo theo các đồng tiền khác trong khu vực châu Á như won Hàn Quốc và đô la Đài Loan.”
Ông Khoon Goh, Giám đốc nghiên cứu châu Á tại ANZ Group Holdings Ltd., cho rằng đồng won Hàn Quốc và đô la Đài Loan khó có thể hưởng lợi từ sự bùng nổ đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) ở các quốc gia này cho đến khi đồng yên Nhật phục hồi.
Chắc chắn rằng có những dấu hiệu cho thấy chính quyền Nhật Bản có thể không cho phép đồng nội tệ của nước này sụt giảm thêm nữa. Sau khi USD/JPY vượt qua ngưỡng tâm lý quan trọng 160 lần đầu tiên trong hơn ba thập kỷ vào tuần trước, hai lần (nghi ngờ) can thiệp của chính phủ đã giúp đồng yên đã ổn định trở lại quanh mức 155.
Mặt khác, nguy cơ về khủng hoảng tài chính trong khu vực là rất thấp vì hầu hết các quốc gia châu Á đều được trang bị tốt để tránh lặp lại những biến động vào cuối những năm 1990. Họ có dự trữ ngoại tệ dồi dào, các cải cách từ việc giám sát lĩnh vực tài chính chặt chẽ hơn và thị trường vốn nội địa sâu hơn.
Tuy nhiên, theo ông Park của Manulife, đồng yên giảm sâu so với đồng đô la Mỹ không chỉ gây ra vấn đề cho châu Á mà còn tác động đến đồng tiền của các thị trường mới nổi. Điều này phần lớn là do vai trò của đồng yên như một đồng tiền huy động vốn cho các nhà giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade), những người vay tiền ở những nơi có lãi suất thấp và đầu tư vào các quốc gia đang phát triển nơi lãi suất cao.
Ông nói: "Nếu các đồng tiền châu Á mất giá do đồng đô la Mỹ mạnh lên, thì các quỹ đầu tư vào thị trường nội địa sẽ phải rút ra. Toàn bộ thị trường mới nổi (EM) sẽ lao dốc và điều đó sẽ gây ra một sự kiện ‘risk-off’, nơi trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ tăng giá và cổ phiếu sẽ giảm mạnh."
Ông cũng nói thêm: "Mặc dù kịch bản như vậy có xác suất xảy ra thấp, nhưng không thể loại trừ."
Biến số khó lường
Một biến số khó lường quan trọng là Trung Quốc sẽ làm gì với đồng nhân dân tệ, đồng tiền này đang có nguy cơ giảm giá theo đồng yên và gây bất ổn cho khu vực. Đồng nhân dân tệ được quản lý bởi Trung Quốc được coi như một mỏ neo cho các đồng tiền khác trong khu vực, nghĩa là ngay cả những biến động nhỏ cũng có thể có tác động rất lớn.
Đã có những đồn đoán thầm lặng nhưng ngày càng gia tăng rằng Bắc Kinh có thể cần phải thực hiện một biện pháp cực đoan để hỗ trợ nền kinh tế đang trì trệ của mình - đó là phá giá đồng nhân dân tệ trong một động thái quyết liệt.
John Woods, Giám đốc đầu tư khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Lombard Odier Hong Kong Ltd., cho biết: “Khi nhìn vào toàn bộ khu vực châu Á và quan sát sự suy yếu không tưởng của đồng yên, chúng tôi bắt đầu lo ngại về mức độ cạnh tranh tương đối, đặc biệt là với Trung Quốc. Vì vậy, đối với tôi, đó là một rủi ro mà tôi đang rất quan tâm trong thị trường châu Á hiện tại.”
Bloomberg