Sức mạnh của đồng USD: Thực hay ảo?
Kiều Hồng Minh
Junior Analyst
Sức mạnh của đồng USD trong năm nay một phần đến từ việc các đồng tiền khác mất giá. Tuy vậy, đồng bạc xanh vẫn suy yếu xuống mức đáy gần đây khi thị trường dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Khi khả năng hạ lãi suất có vẻ như đã chắc chắn, biến động tiềm ẩn của đồng USD có thể sẽ tiếp tục là tâm điểm chú ý của thị trường.
Kể từ đầu năm 2020, USD đã tăng giá so với hầu hết các đồng tiền khác trên thế giới, bất chấp kỳ vọng của thị trường về kinh tế Mỹ, khi nợ quốc gia và cung tiền M2 của quốc gia đều tăng trưởng với tốc độ chưa từng có trong giai đoạn này. Tính đến 2024, nợ quốc gia của Hoa Kỳ đã đạt mốc 35 nghìn tỷ USD, tăng 50% kể từ đầu năm 2020, trong khi cung tiền M2 đã tăng gần 40%. Những con số này đặt ra một câu hỏi quan trọng: Liệu đồng USD có thực sự mạnh mẽ, hay thứ sức mạnh mà chúng ta đang thấy được này chỉ là ảo ảnh?
Những yếu tố nào tác động đến sức mạnh của đồng USD?
Theo lý thuyết tiền tệ cơ bản, sự gia tăng đáng kể về nợ và cung tiền sẽ làm suy yếu đồng tiền của một quốc giá. Khi có nhiều USD hơn lưu thông, về mặt lý thuyết, mỗi USD sẽ có giá trị thấp hơn, đặc biệt là khi nguồn cung hàng hóa không thay đổi - dẫn đến lạm phát. Và trên thực tế, lạm phát đã tăng vọt.
Vấn đề cốt lõi có thể nằm ở cách chúng ta đo lường sức mạnh của đồng USD. Trong thị trường tài chính, sức mạnh của một đồng tiền thường được so sánh với các đồng tiền được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu, một khái niệm quan trọng tác động đến thương mại quốc tế và chính sách lãi suất.
Để đối phó với hậu quả từ đại dịch COVID-19, hầu hết các quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, đã áp dụng các biện pháp để ngăn chặn áp lực giảm phát bao gồm: Cắt giảm lãi suất và tăng chi tiêu thâm hụt nhằm thúc đẩy nhu cầu. Ban đầu, Hoa Kỳ đã hành động cực kỳ quyết liệt với việc giảm lãi suất điều hành xuống gần mức 0% và ban hành các gói kích thích khổng lồ dựa trên nợ công. Kết quả là, đồng USD đã mất giá khoảng 10% so với các đồng tiền chính. Tuy nhiên, câu chuyện đã thay đổi vào tháng 06/2021 khi lạm phát xuất hiện, báo hiệu rằng Fed sẽ sớm bắt đầu tăng lãi suất. Mỗi tháng mà quyết định này bị trì hoãn càng làm tăng kỳ vọng của thị trường về mức độ quyết liệt của Fed. Và bắt đầu từ tháng 02/2022, Fed đã bắt đầu một trong những chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ nhất trong lịch sử, nâng lãi suất điều hành từ 0 lên 5.37% chỉ trong 18 tháng, vượt qua mặt bằng lãi suất ở hầu hết các nước phát triển.
Cho đến gần đây, những bình luận gần đây của Chủ tịch Fed Jerome Powell đã chỉ ra rằng việc cắt giảm lãi suất hiện đã cận kề, và điều này có thể sẽ thay đổi thị trường tài chính toàn cầu một lần nữa.
Cùng với chu kỳ tăng lãi suất của Fed, mức độ biến động của thị trường ngoại hối đã gia tăng đáng kể và khối lượng giao dịch trung bình của hợp đồng tương lai ngoại hối của CME Group đã đạt mức kỷ lục trong quý 3 năm 2022, với hơn một triệu hợp đồng mỗi ngày. Cùng với đó, khối lượng hợp đồng đang được duy trì trên thị trường (Open Interest) tiếp tục tăng, đạt mức kỷ lục hơn 2.8 triệu hợp đồng vào ngày 14 tháng 6.
Chỉ báo mức độ biến động của hợp đồng tương lai ngoại hối
Nghiệp vụ carry trade trên thị trường tiền tệ
Để hiểu cách chênh lệch lãi suất ảnh hưởng đến giá trị đồng tiền, hãy xem xét đồng USD trong mối tương quan với đồng JPY. Sau gần 30 năm chiến đấu với giảm phát, BoJ đã trở nên khoan dung hơn với lạm phát. NHTW này đã giữ lãi suất điều hành ở mức âm cho đến tận năm 2024 nhằm cố gắng vượt qua tình trạng giảm phát. Kết quả là đồng yên đã giảm mạnh, mất 28% giá trị so với đồng USD.
Chênh lệch lãi suất có ý nghĩa quan trọng đối với tiền tệ bởi một hoạt động được gọi là giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade). Về cơ bản, các tổ chức vay một lượng lớn Yên Nhật từ các ngân hàng Nhật Bản với lãi suất thấp (gần bằng 0), sau đó bán đồng tiền này để mua USD và đầu tư lượng USD đó vào các tài sản có lợi suất cao hơn. Theo thời gian, quá trình này khiến đồng tiền có lãi suất thấp mất giá và đồng tiền có lãi suất cao tăng giá.
Tuy nhiên, rủi ro sẽ phát sinh khi giao dịch này trở nên quá phổ biến với khối lượng lớn, khiến thị trường dễ bị tổn thương trước một đợt "tháo chạy" đột ngột khi các vị thế bị thanh lý hàng loạt.
Sự suy yếu của đồng EUR so với đồng USD cũng đến từ nguyên nhân trên , tuy nhiên tình hình lại phức tạp hơn bởi những lo ngại về tác động của các lệnh trừng phạt đối với Nga đến các nền kinh tế trong khu vực.
Phòng vệ trước những biến động khó lường
Vào giữa tháng 8, đồng USD mất giá mạnh mẽ sau những nhận xét của chủ tịch Fed Powell.
Nếu một nhà giao dịch tin rằng giai đoạn mạnh mẽ của đồng USD thực sự sắp kết thúc, họ có thể sử dụng hợp đồng tương lai ngoại hối của CME Group để quản lý rủi ro. Khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày (ADV) trong tháng 7 của các sản phẩm tài chính dựa trên ngoại hối đã tăng 9% so với cùng kỳ khi ngày càng nhiều nhà đầu tư sử dụng hợp đồng tương lai để giảm thiểu rủi ro. Nếu một nhà giao dịch dự báo đồng yên Nhật tiếp tục tăng giá, họ có thể mua hợp đồng tương lai đồng JPY. Ngược lại, nếu họ cho rằng nền kinh tế Châu Âu sẽ đối mặt với nhiều những thách thức, họ có thể bán hợp đồng tương lai đồng EUR.
Khối lượng giao dịch và mức Open Interest của hợp đồng tương lai ngoại hối
Những người lo ngại về xu hướng chính sách tiền tệ nới lỏng trên toàn cầu và tác động của chúng đối với lạm phát, cũng có thể xem xét các biện pháp phòng ngừa rủi ro lạm phát truyền thống như hợp đồng tương lai vàng hoặc các lựa chọn thay thế mới hơn như hợp đồng tương lai Bitcoin.
Khi khả năng cắt giảm lãi suất có vẻ như đã chắc chắn vào tháng 9, những biến động tiềm ẩn của đồng USD có thể sẽ tiếp tục là tâm điểm chú ý của nhiều nhà đầu tư trên thị trường.
Seeking Alpha