Tại sao đồng Euro sẽ khó hồi phục trong giai đoạn hiện nay?
Đạt Nguyễn
Currency Analyst
Kể từ đợt phục hồi vào cuối tháng Hai, sau đó là các đợt bán tháo rất mạnh, liệu đồng Euro đã tìm thấy đáy chưa? Tôi cho rằng chưa đến lúc. Hãy điểm qua 3 lý do trong bài viết này về sức mạnh đồng Euro trong thời gian tới.
Trước khi bắt đầu vào bài phân tích, hãy cùng với tôi điểm qua một chút về một quỹ ETF chuyên đầu tư vào đồng Euro mang tên FXE (tên tiếng anh đầy đủ: The Invesco CurrencyShares Euro Trust ETF). Đây là quỹ ETF có trụ sở tại Mỹ và hoạt động của quỹ này sẽ bám vào giá của đồng Euro so với Dollar. Quỹ được tái cân bằng (rebalance) hàng quý.
Mở đầu vấn đề
Cách đây 7 năm, hàng loạt các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế được công bố bởi thủ tướng của Nhật Bản Abe, theo sau đó là các gói nới lỏng định lượng và định tính (Quantitative and Qualitative Monetary Easing – QQME) được công bố bởi ngân hàng TW Nhật BoJ vào tháng 4 năm 2013 đã khiến đồng JPY biến động rất mạnh với tất cả các cặp tỷ giá. Các trader lúc bấy giờ thận trọng theo dõi hành động giá của cặp USD/JPY khi mà nó liên tục phá vỡ các mốc kháng cự trên đà tăng giá cho tới khi sự hưng phấn bắt đầu ‘hạ nhiệt’. Đỉnh điểm là khi cặp USD/JPY thiết lập mức giá 126 vào đầu tháng 6 năm 2015, từ đó trở đi đồng tiền trú ẩn châu Á mới không ngừng mạnh trở lại.
Thời điểm hiện tại, biểu đồ tỷ giá EUR/USD được giới chuyên gia theo dõi đầu tiên trong danh sách các đồng tiền trong nhóm G-10. Cùng nhìn vào biểu đồ 1 dưới đây để thấy tỷ giá EUR/USD biến động mạnh mẽ ra sao kể từ năm 1975 (trước năm 1999 tôi sử dụng một đồng tiền đại diện cho Euro lúc đó).
Từ biểu đồ 1, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy EUR/USD đang từ từ tiến đến đường xu hướng hỗ trợ quan trọng. Mặc dù trong quá khứ, cặp tiền này thường bật tăng ngay khi chạm đường xu hướng này, nhưng ở thời điểm hiện tại, tôi không tìm được bất kể lý do gì để đồng Euro hồi phục mạnh mẽ trở lại.
Nền kinh tế của Khu vực Euro đang kém hơn so với nước Mỹ.
Mặc dù nền kinh tế Mỹ sẽ mở cửa trở lại muộn hơn so với hầu hết các quốc gia trong khu vực đồng tiền chung châu Âu, bởi Mỹ vẫn đang trong giai đoạn đầu của đường cong Corona, nhưng tôi cho rằng nền kinh tế các nước châu Âu sẽ tốn nhiều thời gian hơn để khôi phục trở lại.
Lý do chủ yếu là bởi châu Âu hiện đang phụ thuộc quá nhiều vào mảng du lịch. Một vài ví dụ, ngành du lịch chiếm hơn 20% GDP của Hy Lạp và đảo Síp, tỷ lệ này là 19% ở Bồ Đào Nha (biểu đồ 2). Khi mà các nền kinh tế này áp dụng chính sách nghiêm ngặt ngay từ đầu đại dịch Covid-19, hầu hết các ngành dịch vụ phân khúc bình dân trở xuống (như quán bar và nhà hàng) buộc phải đóng cửa trong vài tháng đầu tiên để hạn chế sự lây lan của virus, các quốc gia mắc nợ khổng lồ sẽ phải vật lộn để phục hồi, sẽ dẫn đến tăng trưởng kém trong vài quý tới.
Hãy nhìn vào FXE
Như chúng ta đã biết, chênh lệch trong tốc độ tăng trưởng thực là một trong những nhân tố quan trọng tác động tới tỷ giá hối đoái theo thời gian. Do đó, rất khó để đồng Euro tăng so với đồng đô la Mỹ nếu khu vực châu Âu vẫn giữ mức tăng trưởng kém hơn nước Mỹ bên kia Đại Tây Dương trong trung hạn. Hình 3 (bên trái) cho thấy tăng trưởng GDP thực tế ở khu vực EU đã thấp hơn Mỹ trong vài năm và tôi dự đoán xu hướng sẽ còn tiếp tục trong trung hạn, đẩy mức chênh lệch lên tới -2%, điều này sẽ ảnh hưởng đến đồng Euro. Sẽ rất khó để chứng kiến xu hướng tăng giá mạnh mẽ trên cặp EUR/USD mà không có sự phục hồi trong tương quan tăng trưởng kinh tế giữa châu Âu và Mỹ (EA Growth).
Động lực quan trọng thứ hai đó là chênh lệch lãi suất thực. Hình 3 (bên phải) miêu tả mối tương quan giữa EUR/USD và chênh lệch lãi suất thực kỳ hạn 2 năm (Interest Rate Differential) trong 15 năm qua. Biểu đồ cho thấy đồng Euro đặc biệt nhạy với mức giảm chênh lệch lãi suất kể từ 2017. Tuy rằng chênh lệch lệch lãi suất thực có sự gia tăng đáng chú ý trong khoảng thời gian 2019-2020 do lãi suất của Mỹ giảm mạnh, nhưng đồng Euro vẫn thể hiện bộ mặt bạc nhược.
Bản thân hai hình của biểu đồ 3 khá đủ để thuyết phục rằng đồng Euro không thể chứng kiến đợt tăng giá quan trọng nào nữa từ mức hiện tại và FXE đã sẵn sàng để chứng kiến các mức thấp kỷ lục trong các tháng tới.
Ảnh hưởng từ gói kích cầu khổng lồ từ Fed và sự gia tăng tài khoản dự trữ.
Một số nhà đầu tư cho rằng chương trình kích thích từ Fed sẽ đủ để đưa đồng Dollar vào thị trường giá xuống. Đúng là so với chương trình giải cứu 'nhỏ' của ECB, Fed đã 'tất tay' bằng những thông báo đầu tiên về việc mua 625 tỷ USD chứng khoán mỗi tuần (32.5 nghìn tỷ USD mỗi năm) và gần đây là gói 2.3 nghìn tỷ USD chưa từng có tiền lệ để giải cứu nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tôi có theo dõi hệ số bảng cân đối giữa ECB và Fed về mặt tổng tài sản, nhưng việc hệ số đó đang tăng lên (suy ra rằng tài sản của ECB đang tăng nhanh hơn so với Fed) không hẳn là lý do khiến đồng Euro yếu đi.
Trên thực tế, hình 4 (bên trái) cho thấy từ tháng 6/2008 đến tháng 1/2015, hệ số bảng cân đối tài sản ECB/Fed đã giảm mạnh từ 2.5 xuống 0.5 trong bối cảnh hàng loạt các gói nới lỏng định lượng QE khổng lồ được tung ra từ các nhà điều hành chính sách của Mỹ, nhưng giá chứng chỉ quỹ FXE đã liên tục chứng kiến các mốc thấp hơn trong giai đoạn đó.
Thêm vào đó, các nhà đầu tư cũng cho rằng sự gia tăng tài khoản dự trữ gần đây của Fed sẽ làm giảm áp lực trên thị trường tiền tệ và làm suy yếu đồng USD. Hình 4 (bên phải) cho thấy sự thay đổi dự trữ hàng năm là chỉ báo tin cậy trước 3 tháng của chỉ số USD trong vài năm qua. Nhưng tôi không tin rằng mối tương quan này sẽ còn được duy trì trong những tuần tới và tôi kỳ vọng đồng USD sẽ còn giữ vững, bất chấp sự can thiệp của Fed. Chúng tôi sẽ cần phải thấy một loạt thay đổi trên các biểu đồ cho thấy đồng USD yếu đi để thay đổi quan điểm trên, vì hiện tại rất nhiều điều không chắc chắn trong các quý tới đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng chắc chắn sẽ không ủng hộ đồng Euro.