Tại sao nước Anh cần đến một gói ngân sách công đầy táo bạo?
Nguyễn Phan Bảo Giang
FX G7 Director
Tại sao nước Anh cần đến một gói ngân sách công đầy táo bạo?
"Khói" đã bốc lên từ phố Downing, báo hiệu về việc rằng ngân sách công sẽ đến hạn vào ngày 11 tháng Ba này và sẽ chịu rất nhiều sức ép. Virus covid-19 đã che mờ triển vọng tăng trưởng. Tân Bộ trưởng Tài chính, ông Rishi Sunak, cần phải làm quen và bắt nhịp với guồng việc mới; rằng sẽ có nhiều chính sách tài khóa công bố vào cuối năm nay. Chính phủ Anh dường như có kế hoạch xem việc giải ngân ngân sách như là một quy trình kéo dài. Đó có thể là một sai lầm! Chính sách về gói chi ngân sách đầu tiên của một Chính phủ mới là một điều quan trọng và Chính phủ Anh hiện nay có rất nhiều việc phải làm. Đó là giai đoạn cần phải táo bạo và quyết liệt, không phải là lúc để suy tư.
Trong hơn một thập kỷ, chính sách kinh tế xoay quanh việc kiểm soát một loạt các vấn đề lớn. Đầu tiên là cuộc khủng hoảng tài chính, khiến Chính phủ phải trả giá cho việc giải cứu các ngân hàng. Sau đó là đến Brexit, khi mà các công ty đã phải trì hoãn các quyết định đầu tư của mình lại. Bây giờ đến thời kỳ của virus covid-19, thứ chắc chắn sẽ làm trì trệ nền kinh tế hơn nữa.
Hai yếu tố cuối cùng sẽ là luận điểm cho vấn đề nới rộng ngân sách. Nhưng có một lý do sâu xa hơn nữa: trong khi Chính phủ quản lý những hiểm họa tức thời, thì những vấn đề trong dài hạn, đáng chú ý gồm có năng suất và dịch vụ công cộng kém đã không nhận được sự chú ý cần thiết.
Để giải quyết những vấn đề này, ông Sunak sẽ phải chi ngân sách nhiều hơn cho cả hai lĩnh vực. Đầu tiên chính là lĩnh vực đầu tư. Chính phủ có vẻ sẽ tăng gấp đôi ngân sách dành cho nghiên cứu và phát triển, và đẩy mạnh chi tiêu cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cho giao thông thân thiện môi trường. Những điều trên là đủ để hỗ trợ tăng trưởng tốt hơn, nhưng các loại đầu tư khác cũng cần nhận được một sự thúc đẩy phù hợp. Để nâng cao kỹ năng của người lao động, nước Anh nên chi nhiều hơn cho giáo dục khối ngành kỹ thuật cho những người đã ra trường và những người đã đi làm. Và để tăng đầu tư khu vực tư nhân, vốn đã yếu từ năm 2016 và tăng trưởng chậm hơn so với bất kỳ nền kinh tế G7 nào khác, chính phủ nên tăng trợ cấp vốn, cho phép chi tiêu đầu tư được khấu trừ từ hóa đơn thuế, và do đó khuyến khích các công ty đầu tư hơn.
Lĩnh vực thứ hai xứng đáng nhận được sự đầu tư hơn chính là các dịch vụ công cộng. Chính quyền địa phương chỉ nhận được khoảng một phần ba tiền ngân sách để giải ngân so với mức họ đã nhận trong năm 2010, và các kế hoạch hiện tại của Chính phủ ám chỉ mức này sẽ bị cắt giảm thêm. Điều đó thể hiện đường lối chính trị kém và kinh tế trì trệ. Một nhà ga đường sắt mới sáng bóng, được thanh toán từ ngân sách vốn, sẽ chỉ là một niềm an ủi đối với nhiều cử tri, và nó cũng không thể thúc đẩy triển vọng tăng trưởng cho các khu vực dân cư nghèo nếu các dịch vụ địa phương được tài trợ từ chi tiêu hiện tại, tiếp tục tồi tệ hơn.
Làm thế nào để chi trả tiền cho tất cả điều này? Về lâu dài, chi tiêu công tăng sẽ đi kèm với việc đóng thuế cao hơn. Và một số loại thuế nên tăng ngay bây giờ, nhất là để cho cử tri nhìn thấy được xu hướng cải cách. Tăng thuế nhiên liệu, điều vốn đã bị đóng băng trong gần một thập kỷ, sẽ mang lại doanh thu và giúp ngăn nước Anh khỏi việc lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Thuế hội đồng thành phố, là chi phí chính đối với bất động sản của cư dân, cần phải xem xét lại cả để tăng mức đóng và xóa bỏ những biến tướng trong khu vực. Cách thức định giá tài sản vốn được ấn định từ năm 1991, mà kể từ lúc đó giá nhà thực sự đã tăng gấp bốn lần tại thủ đô và tăng gấp đôi ở Yorkshire. Những người đang ngồi trên gia tài trị giá hàng triệu Bảng phải trả thuế tài sản ít hơn so với những người sống trong các căn nhà giá rẻ ở những vùng khác của nước Anh.
Tuy nhiên, hầu hết các khoản chi tiêu thêm hiện được tài trợ bằng tiền đi vay. Điều này dấy lên hồi chuông cảnh động đến nhiều người Anh nhạy cảm với thời cuộc, những người lo lắng rằng Chính phủ đang sa lầy vào nợ nần và đánh mất uy tín bằng cách một lần nữa phá vỡ các quy tắc tài khóa mà họ đã đặt ra. Những quy tắc tài khóa này đã được sửa đổi năm lần trong thập kỷ qua.
Đây là những mối lo chính đáng, nhưng chúng vượt xa tình hình của nước Anh. Số tiền nợ không quan trọng bằng việc chi phí vay vốn hiện rất thấp, trong đó lãi suất ở mức thấp nhất trong lịch sử, đã giảm dần từ 6.5% doanh thu chịu thuế trong năm 2010 xuống còn 4.6%. Nước Anh cũng được bảo vệ khỏi những cú sốc tài chính bởi trái phiếu Chính phủ của nước này, với thời gian đáo hạn trung bình 15 năm, có thời hạn dài hơn bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác. Trong ba quy tắc tài khóa của Anh gồm, (1) cân bằng ngân sách vãng lai trong ba năm, (2) giữ giải ngân vốn dưới 3% GDP, và (3) kiểm soát chi phí vay của Chính phủ. Điều thực sự quan trọng chính là cam kết giữ phần lãi phải trả cho trái phiếu Chính phủ dưới mức 6% nguồn thu từ thuế. Đã đến lúc bỏ qua các quy tắc khác, tuân theo mối ưu tiên hiện nay và bắt đầu chi tiêu.