Tại sao Trung Quốc có thể hưởng lợi từ sự chao đảo của thị trường chứng khoán?
Đức Nguyễn
FX Strategist
Sự hỗn loạn trên thị trường chứng khoán Trung Quốc tuần qua đã càng thêm trầm trọng khi giới đầu tư nước ngoài bán tháo hàng loạt cổ phiếu Trung Quốc, khiến chức trách nước này tìm mọi cách để lấy lại niềm tin trong khi họ ổn định thị trường. Nhưng nếu dòng tiền nước ngoài đang càng cẩn trọng với việc đầu tư tại đây, Trung Quốc thực chất có thể hưởng lợi.
Trong hai năm gần đây, dòng tiền đổ vào Trung Quốc đã tăng hơn 30 tỷ đô la mỗi tháng nhờ 10 tỷ đô thặng dư thương mại, và 20 tỷ đô dòng tiền tài chính. Xu hướng này được kỳ vọng sẽ tiếp tục. Dù có nguồn tiền dồi dào trong nước, Bắc Kinh vẫn mở cửa thị trường tài chính cho nguồn vốn vô hạn từ nước ngoài. Mục đích cho động thái này có thể là tăng uy tín quốc tế và phổ biến việc sử dụng đồng Nhân dân tệ toàn cầu.
Nhưng điều gì cũng có cái giá của nó. Miễn là Trung Quốc không áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn - điều sẽ làm thị trường nước này tụt lại nhiều năm - họ chỉ có thể điều chỉnh dòng tiền nước ngoài bằng ba cách. Mỗi cách đều sẽ có ảnh hưởng nhất định, và dòng tiền càng tăng, ảnh hưởng càng lớn.
Cách thứ nhất là tăng nhu cầu quốc tế của Nhân dân tệ để đẩy giá trị cho đồng tiền này. Nhưng mảng xuất khẩu sẽ gánh hậu quả và biến thặng dư thương mại thành thâm hụt. Nếu điều này xảy ra, Trung Quốc sẽ phải cắt giảm sản xuất, đồng thời hạ tăng trưởng GDP.
Cách thứ hai là ổn định giá trị đồng Nhân dân tệ. Trong bốn năm gần đây, các ngân hàng trực thuộc nhà nước đã thay Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thực hiện can thiệp tiền tệ. Những ngân hàng này đã tích lũy hơn một nghìn tỷ đô la tài sản ròng tại nước ngoài.
Tuy nhiên, can thiệp tiền tệ triệt để lại không phù hợp với chính sách của Trung Quốc, vì nước này muốn in thêm Nhân dân tệ để mua ngoại tệ. Hậu quả, như Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cảnh báo từ trước, là bong bóng tài sản và tín dụng trong nước.
Đây chính là tam nan kinh tế của ngân hàng trung ương: nếu Trung Quốc muốn thị trường vốn mở, họ phải từ bỏ kiểm soát nội tệ hoặc nguồn cung tiền trong nước. Tuy nhiên, còn một cách nữa để Bắc Kinh phản ứng với dòng tiền, đó là thúc đẩy đầu tư nước ngoài, để dòng tiền vào chịu áp lực từ dòng tiền ra.
Và đây chính là điều giới chức trách nước này cố gắng làm. Từ tháng Mười năm ngoái, họ đã áp dụng nhiều chính sách khuyến khích người Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài, cả các nhà đầu tư nhỏ lẻ lẫn giới đầu tư chuyên nghiệp.
Nhưng kể cả khi những chính sách này thành công (và đến giờ vẫn chưa thành công), vẫn sẽ có những rủi ro riêng. Trong trường hợp này, dòng tiền đổ vào chứng khoán Trung Quốc sẽ bị cân bằng lại bởi dòng tiền Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài.
Trung Quốc sẽ gặp vấn đề cơ bản của một nước đang phát triển: bảng cân đối kế toán quốc tế không đồng khớp. Điều này tăng rủi ro các nhà đầu tư nước ngoài bất ngờ thoái vốn trong khi giới đầu tư Trung Quốc không muốn - hoặc không thể - rút vốn khỏi các khoản đầu tư nước ngoài của mình. Một hệ thống tài chính như vậy sẽ buộc phải điều chỉnh trước dòng tiền vào, nhưng không thể phản ứng nhanh khi dòng tiền này thoát ra.
Miễn là Bắc Kinh muốn giữ thị trường vốn mở, họ chỉ có thể phản ứng với dòng tiền vào bằng ba cách trên: bất ngờ đẩy giá nội tệ, tăng nóng nguồn tiền và tín dụng trong nước, hoặc phương án đầu tư nước ngoài đầy rủi ro. Tuy nhiên, không có lựa chọn nào thực sự tốt.
Nhưng trong cái rủi sẽ có cái may. Khi giới đầu tư nước ngoài càng cẩn trọng, dòng tiền sẽ bớt nóng, và chức trách Trung Quốc bớt đi áp lực phải chọn giữa ba phương án trên.
Đến khi Trung Quốc giải quyết được các vấn đề trong hệ thống tài chính của mình, họ nên lo ngại hơn về việc dòng tiền nước ngoài liên tục mua chứng khoán trong nước.
Financial Times