Thế giới có quá nhiều tiền, nhưng chỉ Mỹ hưởng lợi
Đức Nguyễn
FX Strategist
“Giới đầu tư toàn cầu đang đổ tiền vào các tài sản tài chính tại Mỹ”, theo Sebastian Pellejero từ Wall Street Journal, “họ đã đổ hơn 900 tỷ đô la vào các quỹ tương hỗ và quỹ ETF Mỹ trong nửa đầu năm nay", mức kỷ lục kể từ khi dữ liệu này được ghi chép từ năm 1992.
Cảm ơn Fed!
Đây chính là kết quả từ việc các ngân hàng trung ương, tiêu biểu là Fed, xả tiền như xả lũ để hỗ trợ kinh tế trước hậu quả của đại dịch Covid.
Fed đang đi đầu trong công cuộc bơm tiền này khi vẫn thiên về việc nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ hồi phục, từ cuộc đại khủng hoảng cho tới suy thoái do Covid.
Chính sự hỗ trợ này đã tiếp sức cho những đỉnh lịch sử trên thị trường chứng khoán, và cả sự mở rộng của các phương tiện tài chính mới như SPAC, hay tiền ảo.
Các ngân hàng trung ương khác trên thế giới cũng đã làm điều tương tự, dẫn tới đà tăng giá cổ phiếu và giá các tài sản khác.
Trong năm 2021, chỉ số S&P 500 đã tăng 17%, còn chỉ số DAX của Đức tăng 14%.
Nhưng rõ ràng là không phải ngân hàng nào cũng làm vậy, và chứng khoán tại một số quốc gia cũng không tăng trưởng tốt, điển hình là chỉ số Nikkei 225 và Shanghai Composite.
Cộng đồng đầu tư toàn cầu tin vào Mỹ
Niềm tin đó đã đưa nhiều vốn vào quốc gia này, bằng việc các nhà đầu tư tin Fed đang hỗ trợ thị trường chứng khoán.
Cựu chủ tịch Fed Ben Bernanke đã xây dựng đường lối này của Fed trong việc tái khởi động nền kinh tế Mỹ sau đại khủng hoảng, và sau đó giúp Mỹ bước vào giai đoạn phát triển lâu nhất trong lịch sử hậu thế chiến II, kéo dài hơn 11 năm.
Trong đại dịch Covid, chủ tịch Fed đương nhiệm Jerome Powell tăng nỗ lực của mình để đảm bảo rằng Fed sẽ có đủ khả năng hạn chế gián đoạn kinh tế. Với việc này, Fed đang rất thành công.
Cộng đồng đầu tư tại Mỹ dần tin rằng nhiệm vụ của Fed là hỗ trợ thị trường chứng khoán, và sau đó, giới đầu tư nước ngoài cũng vậy.
Ngoài ra, theo Goldman Sachs, giới đầu tư nước ngoài được kỳ vọng sẽ đầu tư thêm 200 tỷ đô vào cổ phiếu tại Mỹ.
Ông Pellejero cho biết thêm trong tháng Năm, tỷ lệ trái phiếu nắm giữ bởi nước ngoài tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2020.
Tất cả những thông tin về dòng tiền quốc tế đổ vào Mỹ khiến ông Pellejero kết luận rằng: “Có quá nhiều tiền ở phía ngoài lề.”
Những khoản tiền này chỉ ngồi một chỗ và chờ đợi.
Ý nghĩa với thị trường tài chính Mỹ
Hiện tại, theo góc nhìn của giới đầu tư, Mỹ đang là chính phủ đáng tin nhất.
Cộng đồng đầu tư tin Fed và chính quyền tổng thống Biden sẽ đáp ứng nhu cầu của mình tốt hơn bất cứ chính phủ nào khác.
Và chứng khoán Mỹ vẫn được kỳ vọng tăng. Khi nhìn vào đồ thị dưới đây, nhà đầu tư cần gì phải đặt ra nghi vấn?
Ngoại lệ duy nhất trong đà tăng ổn định này là suy thoái do Covid.
Đúng là đã có những lần giới đầu tư lo rằng Fed sẽ thắt chặt, nhưng ngay sau đó Fed lại nói sẽ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế, và chứng khoán tăng trở lại.
Đây là những điều các nhà đầu tư nước ngoài bị tiêm nhiễm. Và có dấu hiệu cam kết của họ với Fed đang tăng lên.
Tương lai
Có vẻ như niềm tin vào nước Mỹ đang cao hơn các nước phát triển khác trong giai đoạn phục hồi. Và dòng tiền quốc tế cho thấy Mỹ vẫn sẽ dẫn đầu.
Một chỉ báo niềm tin khác là đồng đô la mạnh lên so với các đồng tiền khác trong thời gian gần đây, do niềm tin vào Fed tiếp tục tăng. Có thể thấy điều này trong phiên ngày thứ Hai.
Và nếu quốc tế tin rằng Mỹ vẫn sẽ là đầu tàu kinh tế, thị trường tài chính Mỹ sẽ tiếp tục hưởng lợi.
Seeking Alpha