Thế "tiến thoái lưỡng nan" của đồng USD trong thời đại Trump

Thế "tiến thoái lưỡng nan" của đồng USD trong thời đại Trump

Ngọc Lan

Ngọc Lan

Junior Editor

08:08 24/12/2024

Tổng thống đắc cử Donald Trump kỳ vọng một đồng USD suy yếu nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, bảo vệ việc làm của người Mỹ trước làn sóng cạnh tranh từ nước ngoài và thu hẹp thâm hụt thương mại.

Song song với đó, ông cũng mong muốn một đồng USD mạnh và kiên quyết không để bất kỳ thế lực nào thách thức vị thế thống trị của đồng tiền này trong nền tài chính toàn cầu. Nếu những mâu thuẫn trên vẫn chưa đủ, các chính sách của chính quyền mới còn có thể đi ngược lại cả hai mục tiêu này. Những động thái của họ nhiều khả năng sẽ thúc đẩy sức mạnh đồng USD trong ngắn hạn, trong khi vai trò của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ có thể trở nên bấp bênh hơn.

Đối với kinh tế thế giới, tình hình này báo hiệu một giai đoạn bất ổn trong chính sách thương mại của Mỹ, kèm theo những biến động mạnh trong dòng vốn toàn cầu và tỷ giá hối đoái. Sự bất định trong chính sách và thị trường tài chính Mỹ tất yếu sẽ tạo ra những biến động lan tỏa đến nền kinh tế và thị trường các quốc gia khác. Nghịch lý thay, điều này lại thúc đẩy dòng vốn đổ vào tài sản USD, vốn luôn được xem là bến đỗ an toàn nhất. Hệ quả là vị thế thống trị của đồng USD sẽ càng được củng cố, ngay cả khi Trump đang làm suy yếu nền tảng thể chế vốn là trụ cột của đồng tiền này.

Dù Tổng thống đắc cử đã nhiều lần đề cập đến việc phá giá đồng USD, nhưng việc áp đặt thuế quan lên hàng nhập khẩu từ các đối tác thương mại chủ chốt của Mỹ sẽ mang lại kết quả trái ngược. Động thái này sẽ đẩy giá trị đồng USD lên cao, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu Mỹ gặp khó khăn hơn trong việc cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Chính quyền mới nhiều khả năng sẽ làm gia tăng thâm hụt ngân sách Mỹ, bởi các khoản cắt giảm thuế khó có thể được bù đắp bằng việc thắt chặt chi tiêu. Điều này sẽ làm suy giảm mức tiết kiệm quốc gia của Mỹ.

Trong bối cảnh Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản và phần còn lại của thế giới đang chìm trong tình trạng trì trệ kinh tế, Mỹ vẫn được xem là điểm đến hấp dẫn nhất cho các nhà đầu tư. Làn sóng tăng trưởng năng suất gần đây của quốc gia này tạo nên sự tương phản rõ rệt so với đà tăng trưởng yếu ớt tại các nền kinh tế lớn khác. Do đó, chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư - nguyên nhân cốt lõi của thâm hụt thương mại tổng thể của Mỹ - chỉ có thể ngày một mở rộng. Thuế quan đóng vai trò quan trọng, song trừ phi Mỹ tự cô lập mình khỏi phần còn lại của thế giới, chính sự mất cân bằng này mới là yếu tố quyết định mức độ thâm hụt thương mại.

JD Vance, người đồng hành tranh cử của Trump, đã nhấn mạnh vị thế thống trị của đồng USD đang tạo ra những tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ. Vị thế này thúc đẩy nhu cầu về đồng USD, đẩy giá trị của đồng USD lên cao so với các đồng tiền khác. Hệ quả là hàng nhập khẩu vào Mỹ trở nên rẻ hơn trong khi các doanh nghiệp Mỹ gặp khó khăn khi cạnh tranh trên thị trường quốc tế - hai yếu tố này đã gây tổn thương nghiêm trọng cho ngành sản xuất của Mỹ.

Tuy nhiên, bản thân Trump không thể dung túng cho ý tưởng đồng USD bị truất ngôi bởi hành động của các quốc gia khác. Mới đây, ông đã đe dọa trừng phạt nhóm các nền kinh tế BRICS - chắc chắn bằng việc áp thuế quan cao hơn - nếu họ dám manh nha giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Điều trớ trêu là chính những hành động của Trump sẽ làm suy yếu các trụ cột then chốt trong khuôn khổ thể chế của Mỹ.

Với sự ủng hộ từ Quốc hội dành cho Tổng thống đắc cử, hệ thống kiểm soát và cân bằng quyền lực của Washington sẽ suy giảm đáng kể trong những năm sắp tới. Thời đại Trump cũng sẽ định nghĩa lại khái niệm pháp quyền, khi hệ thống tư pháp bị bẻ cong để phục vụ các mục đích chính trị của ông. Dù Jerome Powell vẫn được giữ chức Chủ tịch Fed ở thời điểm hiện tại, nhưng có thể dự đoán tính độc lập của Fed sẽ bị đả kích nếu các chính sách đi ngược lại ý muốn của Trump.

Những yếu tố thể chế này đóng vai trò nền tảng trong việc duy trì niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sự suy yếu sắp tới của các thể chế đáng lẽ phải làm suy giảm sức mạnh đồng USD. Tuy nhiên, bối cảnh và thời điểm lại mang tính quyết định. Một nghịch lý sâu sắc đang ẩn mình trong trái tim của hệ thống tiền tệ quốc tế, và thời đại Trump sẽ càng làm rõ nét điều này. Những chính sách thất thường của ông - cùng làn sóng bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu - sẽ khiến các nhà đầu tư thế giới (và cả các ngân hàng trung ương nước ngoài) đổ xô đi tìm kiếm bến đỗ an toàn. Và họ không còn lựa chọn nào khác ngoài đồng USD.

Bất chấp mọi nỗ lực đa dạng hóa, phần còn lại của thế giới rõ ràng không đủ sức thách thức ngôi vương của đồng USD. Khu vực Eurozone đang chìm sâu trong vũng lầy của suy thoái kinh tế và bất ổn chính trị, trong khi nền kinh tế Trung Quốc đang phải đương đầu với những thách thức nghiêm trọng từ cả biến động ngắn hạn lẫn những bất cập trong cấu trúc nền kinh tế. Trên thị trường tiền tệ toàn cầu hiện nay, không một đồng tiền chủ chốt nào có đủ nền tảng vững chắc từ hệ thống kinh tế và tài chính để sánh vai cùng đồng USD. Mặc dù thời kỳ Trump nắm quyền có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của Bitcoin, nhưng bản chất biến động thất thường của đồng tiền điện tử này khiến các nhà đầu tư e ngại khi xem xét Bitcoin như một kênh trú ẩn an toàn cho dòng vốn của mình.

Do đó, trong một nghịch lý cuối cùng, tình trạng bấp bênh của các quốc gia khác đồng nghĩa với việc các chính sách của Trump (và những cơn thịnh nộ về tiền tệ của ông) có thể củng cố đồng USD cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn, thay vì làm suy yếu giá trị hay vị thế thống trị của đồng bạc xanh. Điều này đúng bất kể người ta có tin vào chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ hay không. Và phần còn lại của thế giới chỉ có thể tự quy trách nhiệm về mình.

Financial Times

Broker listing

Cùng chuyên mục

Châu Âu và nhiệm kỳ thứ hai của Trump - sóng gió hay hy vọng đang chờ đợi lục địa già?
Trần Quốc Khải

Trần Quốc Khải

Junior Editor

Châu Âu và nhiệm kỳ thứ hai của Trump - sóng gió hay hy vọng đang chờ đợi lục địa già?

Sau đại dịch Covid-19 và cuộc xâm lược Ukraine của Nga, liệu châu Âu có phải đối mặt với cú sốc mang tên Donald Trump? Từ thương mại đến quốc phòng và công nghệ, chính sách kinh tế trọng thương kết hợp khẩu hiệu MAGA (Make America Great Again) của Trump sẽ gây tổn thương - nhưng hy vọng cũng có thể đánh thức châu Âu khỏi sự tự mãn thường thấy.
Fed tái định hình kỳ vọng cho năm tới: Những thay đổi đáng chú ý
Nguyễn Tuấn Đạt

Nguyễn Tuấn Đạt

Junior Analyst

Fed tái định hình kỳ vọng cho năm tới: Những thay đổi đáng chú ý

Sau cuộc họp tháng 12, Fed đã làm rõ những điều chỉnh quan trọng đối với chính sách tiền tệ trong năm 2025, làm thay đổi kỳ vọng của thị trường. Với việc cắt giảm lãi suất ít hơn dự báo ban đầu và sự gia tăng lo ngại về lạm phát dai dẳng, triển vọng kinh tế vĩ mô tiếp tục trở nên không chắc chắn.
BoJ cần thật sự phải thận trọng trước bước đi tăng lãi suất
Trà Giang

Trà Giang

Junior Editor

BoJ cần thật sự phải thận trọng trước bước đi tăng lãi suất

Tại cuộc họp vào cuối tháng 10, các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã nhất trí rằng việc tiếp tục tăng lãi suất là cần thiết nếu các diễn biến kinh tế phù hợp với dự báo. Tuy nhiên, một số thành viên nhấn mạnh sự cần thiết phải thận trọng, đặc biệt trước những rủi ro tiềm tàng từ sự bất ổn trong chính sách kinh tế của Mỹ, theo biên bản cuộc họp được công bố hôm thứ Ba.
Fed "đại tu" bài kiểm tra sức chịu đựng hàng năm của các ngân hàng Mỹ
Trà Giang

Trà Giang

Junior Editor

Fed "đại tu" bài kiểm tra sức chịu đựng hàng năm của các ngân hàng Mỹ

Fed vừa công bố kế hoạch cải cách đáng kể các bài kiểm tra sức khỏe tài chính (stress test) hàng năm dành cho các ngân hàng lớn, bao gồm việc lần đầu tiên cho phép các tổ chức tài chính đưa ra ý kiến đóng góp về các mô hình đánh giá mà Fed sử dụng. Đây là một bước ngoặt quan trọng, mang lại lợi thế lớn cho các ngân hàng Phố Wall vốn lâu nay yêu cầu tăng tính minh bạch trong quá trình đánh giá.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ