Thị trường kỳ vọng chính phủ Nhật can thiệp bằng ngôn từ khi JPY tiếp tục giảm
Lê Nhật Thanh
Junior Analyst
Giới giao dịch tại Tokyo đang chờ đợi những bình luận chính thức từ các nhà chức trách Nhật, khi đồng yên giảm xuống ngưỡng mà chính phủ đã can thiệp vào năm ngoái.
Tỷ giá USD/JPY giao dịch trên mức 143.0 vào thứ Sáu, sau khi giảm gần 1% trong phiên trước đó. Đồng JPY cũng thấp kỷ lục so với CHF và giảm xuống mức được thấy lần cuối năm 2008 so với Euro.
Sự phân kỳ ngày càng lớn giữa chính sách tiền tệ nới lỏng của Nhật Bản và xu hướng diều hâu của các ngân hàng trung ương khác tiếp tục đè nặng lên đồng yên. Các quan chức đã cảnh báo rằng họ đang theo dõi chặt chẽ các động thái và sẵn sàng hành động, như họ đã làm vào cuối năm ngoái. Khi đó, tỷ giá USD/JPY tăng lên mức 146, khiến chính phủ Nhật Bản phải can thiệp để hỗ trợ đồng yên lần đầu tiên kể từ năm 1998.
Kristina Clifton, nhà kinh tế tại Commonwealth Bank of Australia cho biết: “Sự tương phản rõ rệt giữa Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và các ngân hàng trung ương lớn khác cho thấy đồng yên có vẻ sẽ còn giảm hơn nữa trong thời gian tới. Đồng yên yếu có thể thúc đẩy chính quyền Nhật Bản can thiệp bằng ngôn từ.”
Sự gia tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc vào thứ Năm sau khi các ngân hàng trung ương lớn cảnh báo về khả năng tiếp tục tăng lãi suất là một trong những nguyên nhân khiến đồng Yên yếu đi. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cho biết Hoa Kỳ có thể cần thêm một hoặc hai lần tăng lãi suất trong năm nay, trong khi Ngân hàng Trung ương Anh cảnh báo rằng họ có thể phải tăng lãi suất một lần nữa sau lần tăng 50bps vừa qua.
Việc thị trường đi gần về giai đoạn cuối quý, và các doanh nghiệp bắt đầu phòng hộ rủi ro cũng góp phần khiến đồng Yên trượt giá. Các nhà giao dịch cho rằng con đường hướng tới mốc 145 của USD/JPY sẽ không gặp nhiều trở ngại.
Chris Weston, trưởng bộ phận nghiên cứu của Pepperstone Group, cho biết: “Sự can thiệp bằng ngôn từ hiện đang thực sự là một khả năng có thể xảy ra. Hoặc BOJ có thể điều chỉnh chính sách kiểm soát đường cong lợi suất, nhưng điều này có vẻ ít có khả năng xảy ra trong lúc này."
Bloomberg