Thị trường toàn cầu khởi sắc, tâm điểm dồn về Nvidia và Fed

Huyền Trần
Junior Analyst
Chứng khoán châu Âu và đồng euro tăng sau bầu cử Đức, trong khi phố Wall kỳ vọng kết quả kinh doanh của Nvidia sẽ củng cố đà tăng của nhóm công nghệ. Nhà đầu tư tập trung vào dữ liệu lạm phát Mỹ và tín hiệu từ Fed về lộ trình cắt giảm lãi suất. Vàng tiếp tục vững giá, còn dầu chịu áp lực giảm do đồn đoán về thỏa thuận hòa bình Ukraine.

Chứng khoán châu Âu và đồng euro đồng loạt tăng trong phiên đầu tuần sau khi có kết quả bầu cử tại Đức, trong khi phố Wall khởi sắc nhờ kỳ vọng báo cáo tài chính sắp công bố của Nvidia sẽ củng cố mức định giá cao ngất ngưởng của nhóm cổ phiếu công nghệ.
Hợp đồng tương lai DAX tăng 1.1%, tỷ giá EUR/USD tăng nhẹ 0.5% lên 1.0516 và có khả năng lập đỉnh tháng 1 tại mức 1.0535 USD. EUROSTOXX 50 tăng 0.4%, còn FTSE tăng nhẹ 0.1%.
Tại Đức, tân Thủ tướng Friedrich Merz vẫn phải thành lập chính phủ liên minh và chưa rõ sẽ cần một hay hai đối tác. Việc đàm phán với hai đảng có thể kéo dài hơn và đòi hỏi nhiều thỏa hiệp hơn. Bối cảnh này càng phức tạp khi lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị tổ chức hội nghị thượng đỉnh bất thường vào ngày 6 tháng 3 để bàn về viện trợ bổ sung cho Ukraine và kế hoạch tài trợ nhu cầu quốc phòng châu Âu.
Tại châu Á, thị trường Tokyo nghỉ lễ khiến thanh khoản giảm sút. Chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm 0.5%, trong khi hợp đồng tương lai Nikkei giao dịch ở mức 38,310 điểm, thấp hơn mức đóng cửa 38,776 điểm của thị trường giao ngay.
Tại Trung Quốc, chỉ số CSI300 giảm nhẹ 0.1%, trong khi Hang Seng (Hồng Kông) tăng 0.2%, tiếp tục đà tăng nhờ cổ phiếu công nghệ. Các nhà phân tích tại Barclays nhận định: “Chính quyền Trung Quốc đang thay đổi lập trường theo hướng tích cực hơn đối với Big Tech và khu vực tư nhân. Động thái này có thể nhằm thúc đẩy định giá cổ phiếu trong nước, thu hút dòng vốn và làm giảm bớt quan điểm thận trọng của chúng tôi đối với thị trường mới nổi và đồng USD.”
Phố Wall cũng giao dịch tích cực với hợp đồng tương lai S&P 500 và Nasdaq đều tăng 0.5%. Tuần trước, Nasdaq giảm 2.5%, ghi nhận tuần tồi tệ nhất trong ba tháng qua, khi nhóm cổ phiếu “Magnificent Seven” dẫn đầu đà giảm. Nhà đầu tư đang đặt kỳ vọng lớn vào kết quả kinh doanh của Nvidia trong tuần này, coi đây là phép thử cho mức định giá cao ngất của nhóm cổ phiếu công nghệ.
Sự điều chỉnh mạnh của Nasdaq tuần trước đã khiến kết quả kinh doanh sắp tới của Nvidia trở thành tâm điểm chú ý. Giới đầu tư kỳ vọng doanh thu quý IV đạt khoảng 38.5 tỷ USD và hướng dẫn doanh thu quý I quanh mức 42.5 tỷ USD. Theo dữ liệu về hợp đồng quyền chọn, cổ phiếu Nvidia có khả năng biến động khoảng 8% theo bất kỳ hướng nào nếu kết quả vượt hoặc không đạt kỳ vọng.
Tâm lý thị trường đã trở nên thận trọng sau khi khảo sát lĩnh vực dịch vụ tại Mỹ công bố cuối tuần qua cho thấy mức sụt giảm bất ngờ, làm dấy lên lo ngại về chi phí gia tăng và nguy cơ áp thuế. Một số nguồn tin còn cho biết Nhà Trắng đang gây áp lực để Mexico áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc như một phần của thỏa thuận thương mại mới.
Áp lực lạm phát tái bùng phát
Chỉ số lạm phát cơ bản được Fed ưa thích sẽ được công bố vào thứ Sáu và dự kiến giảm nhẹ từ 2.8% xuống 2.6%. Tuy nhiên, lo ngại về các chính sách thuế quan có thể làm lu mờ tác động tích cực này.
Đáng chú ý, khảo sát kỳ vọng lạm phát dài hạn tại Mỹ cho thấy mức dự báo trong 5 đến 10 năm tới đã tăng lên 3.5%, chạm đỉnh kể từ năm 1995. Các chuyên gia tại ANZ cảnh báo: “Kỳ vọng lạm phát dài hạn đang đối mặt nguy cơ mất kiểm soát. Các khảo sát kinh tế công bố gần đây gửi tín hiệu rõ ràng rằng Fed cần hành động thận trọng hơn.”
Tuần này, ít nhất 9 quan chức Fed dự kiến sẽ phát biểu, nhiều người trong số đó có thể tiếp tục nhấn mạnh lập trường thận trọng về cắt giảm lãi suất. Thị trường hiện chỉ kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách từ tháng 7, với tối đa hai lần giảm lãi suất trong năm nay.
Biến động mạnh trên thị trường trái phiếu và ngoại hối
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã giảm sau dữ liệu yếu từ lĩnh vực dịch vụ, nhưng nỗi lo lạm phát và áp lực nguồn cung vẫn là rào cản lớn. Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 5 điểm trong phiên đầu tuần.
Đáng chú ý, đồng USD chịu áp lực khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm mạnh, đặc biệt khi so sánh với lợi suất tăng tại Nhật Bản do kỳ vọng BoJ có thể tiếp tục nâng lãi suất. Tỷ giá USD/JPY hiện giao dịch ở mức 149.26, sau khi giảm 2% trong tuần trước và đang tiệm cận vùng hỗ trợ kỹ thuật tại 148.65.
Chỉ số DXY giảm 0.3% xuống 106.210, đồng thời suy yếu so với euro, bảng Anh và franc Thụy Sĩ.
Vàng vững đà tăng, dầu chịu áp lực giảm giá
Trên thị trường hàng hóa, giá vàng tiếp tục được hỗ trợ tốt, giao dịch quanh mức 2,942 USD/ounce, đánh dấu tuần tăng thứ tám liên tiếp.
Ngược lại, giá dầu chịu áp lực giảm giữa những đồn đoán rằng một thỏa thuận hòa bình tiềm năng ở Ukraine có thể dẫn đến việc nới lỏng lệnh trừng phạt với Nga, qua đó gia tăng nguồn cung dầu ra thị trường. Giá Brent giảm nhẹ 0.10 USD xuống 74.33 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ giảm 0.20 USD còn 70.20 USD/thùng, sau khi chạm mức thấp nhất trong hai tháng trước đó.
Reuters