Thị trường việc làm tại Hoa Kỳ đang ở mức “tạm ổn"
Nguyễn Phương Anh
Junior Analyst
Dữ liệu về bảng lương tại Hoa Kỳ được công bố vào thứ Sáu vừa qua khác xa với những dự báo. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên vội tin vào những con số được đưa ra.
Dữ liệu về thị trường lao động phản ánh những tín hiệu đầy mâu thuẫn, nhưng tựu trung lại, chúng cho ta thấy toàn cảnh về một nền kinh tế Mỹ đang ở trạng thái tương đối ổn. Đây là điều đáng để ăn mừng, bất kể mọi người có nói rằng “những tin vui là tin buồn về mặt lãi suất".
Ta cùng xem lại một loạt dữ liệu cho Cục Thống kê Lao động công bố và thứ Sáu vừa qua. Về mặt tích cực, cuộc khảo sát tổng thể (establishment survey) cho thấy các nhà tuyển dụng đã bổ sung thêm 272.000 việc làm vào tháng trước, khác xa so với 77 dự báo được Bloomberg tổng hợp. Thu nhập trung bình mỗi giờ tăng 0.4% so với tháng trước, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 1.
Bên cạnh khảo sát tổng thể, chính phủ cũng phỏng vấn một mẫu nhỏ hơn các hộ gia đình về tình trạng việc làm. Cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 4% từ mức 3.9% trước đó, và việc làm (theo thước đo được điều chỉnh để phù hợp với bảng lương) thực tế đã giảm 456.000. Sự mâu thuẫn này giúp giải thích tại sao một số người quan sát lại thấy một nền kinh tế đang phát triển nhanh, trong khi một số người khác lại thấy một nền kinh tế có quá nhiều “vết nứt" tiềm tàng cho một cuộc suy thoái. Cá nhân người viết cho rằng xu hướng sẽ rơi vào đâu đó ở giữa.
Những xu hướng đối nghịch
Những con số từ 2 cuộc khảo sát của chính phủ đưa ra những bức tranh khác nhau về thị trường lao động.
Nguồn: Cục Thống kê Lao động
Cục Thống kê Lao động không giấu sự thật rằng rất khó để theo dõi thị trường lao động một cách chuẩn xác, đặc biệt trong nền kinh tế hiện nay. Tình trạng nhập cư gia tăng trong những năm gần đây đã bổ sung thêm nhận lực trong nguồn cung lao động theo những cách khó có thể đo lường, và sự bùng nổ các startup trong thời kỳ đại dịch cũng khiến việc lấy mẫu đại diện trở nên phức tạp. Trên hết, làn sóng tăng trưởng công nghệ và đầu tư của chính phủ có thể thúc đẩy năng suất theo những cách có thể làm thay đổi cách chúng ta đã và đang nhìn nhận về phương pháp xác định mức độ tăng lương một cách lành mạnh và bền vững.
Nhìn chung, tôi vẫn nghĩ cuộc khảo sát hàng tháng của BLS với khoảng 119.000 doanh nghiệp và cơ quan chính phủ có lẽ là một trong những công cụ tốt nhất mà ta có trên thị trường và cho việc hoạch định chính sách. Ngoài mẫu lớn, khảo sát còn có tính tức thời và cho phép người quan sát tiến hành phân tích chi tiết theo từng lĩnh vực. Dữ liệu từ tháng 5 cho thấy sự tăng trưởng trên diện rộng, với mọi lĩnh vực đều tạo thêm công ăn việc làm ngoại trừ khai thác mỏ và khai thác gỗ. Các ngành có mức lương cao hơn như dịch vụ dành cho doanh nghiệp, dịch vụ chuyên môn, và các hoạt động tài chính, đều chứng kiến mức lương tăng trở lại.
Nhưng trong một tháng bất kỳ, dữ liệu có khoảng tin cậy rộng. Với khoảng tin cậy 90%, ta thấy được các nhà tuyển dụng ở Hoa Kỳ có thể đã thêm từ 137.600 đến 406.400 việc làm vào bảng lương của quốc gia này. Với những tín hiệu mâu thuẫn từ cuộc khảo sát hộ gia đình và các dữ liệu khác (bao gồm Điều tra Dân số hàng quý về việc làm và tiền lương), sẽ không sai nếu ta nghĩ rằng thị trường đang ở ngưỡng thấp hơn phạm vi đó. Tuy nhiên, điều đó có thể sẽ tốt hơn cho những người lao động Hoa Kỳ.
Điều đó có thể “tốt" đến mức nào? Những người lo ngại rằng “thị trường lao động đang quá phát triển" cho rằng nhu cầu lao động mạnh mẽ sẽ buộc các doanh nghiệp phải đưa ra mức tăng lương quá cao, và bù đắp bằng cách tăng giá tiêu dùng, từ đó giữ lạm phát ở mức cao, buộc Cục Dự trữ Liên bang phải giữ lãi suất chính sách ở mức cao. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, có rất ít bằng chứng ủng hộ mối lo ngại về cái gọi là vòng xoáy tiền lương-giá cả.
Trong báo cáo được công bố vào thứ Sáu vừa qua, thu nhập trung bình mỗi giờ của người lao động trong khối phi nông nghiệp tư nhân đã tăng 0.4% so với tháng trước, trên cơ sở điều chỉnh theo mùa (SI), tốc độ “căng" nhất kể từ tháng 1, một con số gây sốc cho thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, mức tăng đó hoàn toàn đến từ quá trình hiệu chỉnh theo mùa (tính đến sự khác biệt theo mùa trong mô hình thị trường lao động) và nền kinh tế hậu đại dịch đã khiến việc tính toán trở nên vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Thu nhập trung bình mỗi giờ chưa được điều chỉnh (unadjusted) đã giảm nhẹ so với tháng trước. Do vậy, con số được đưa ra trong báo cáo chính thức thực ra không “sai", chúng chỉ cần được xử lý một cách cẩn thận hơn nữa.
Tất cả những cảnh báo về số liệu được công bố vào thứ Sáu vừa qua chỉ ra rủi ro khi đánh giá quá cao quan điểm của một người về nền kinh tế đối với dữ liệu bảng lương của một tháng. Đối với chính sách tiền tệ nói riêng, quyết định về thời điểm giảm lãi suất từ mức cao nhất trong hai thập kỷ sẽ dựa hoàn toàn vào diễn biến của số liệu thống kê lạm phát. Nhưng trong lúc chờ đợi, dữ liệu cho thấy thị trường lao động vẫn đang hoạt động tốt. Hiện tại, đó là một tín hiệu khả quan, và ta không cần phải nghĩ quá nhiều về nó.
Bloomberg