Thúc đẩy tinh thần làm việc: Chìa khóa cho sự phục hồi và phát triển của châu Âu
Ngọc Lan
Junior Editor
Trong bài luận "Triển vọng kinh tế dành cho thế hệ con cháu", John Maynard Keynes lý thuyết hóa rằng quá trình phát triển kinh tế tự nhiên là các nền kinh tế giàu có sẽ làm việc ít hơn. Nhưng ở châu Âu, nơi tăng trưởng kinh tế trì trệ và triển vọng nhân khẩu học ảm đạm, có thể đã áp dụng lý thuyết này quá vội vàng.
ECB cho biết, trung bình người dân khu vực Eurozone làm việc ít giờ hơn đáng kể so với người lao động Mỹ, đặc biệt sau đại dịch. Đây là một trong những yếu tố khiến các nhà hoạch định chính sách châu Âu lo ngại về sự chênh lệch kinh tế giữa khu vực này và Mỹ. Đức - quốc gia có mức trung bình giờ làm việc thấp nhất trong EU - đang thảo luận các biện pháp khuyến khích người dân làm việc nhiều giờ hơn, các quốc gia khác cũng nên cân nhắc thực hiện những thay đổi tương tự.
Nghiên cứu của IMF chỉ ra rằng ở châu Âu, số giờ làm việc thực tế của mọi người thấp hơn đáng kể so với số giờ làm việc họ mong muốn. Điều này dẫn đến tổng thời gian lao động giảm 2% trên toàn lục địa. Nguyên nhân của sự chênh lệch này chủ yếu đến từ nhóm lao động bán thời gian và phụ nữ, và điều gây ra sự chênh lệch này có thể đến từ các chính sách thuế nhằm khuyến khích tính linh hoạt, nhưng vô tình lại cản trở việc gia nhập thị trường lao động.
Việc tăng thời gian làm việc cho phù hợp với mong muốn của người dân sẽ mang lại lợi ích cho châu Âu. Điều này sẽ thúc đẩy nguồn thu thuế và có thể làm tăng năng suất, miễn là mức lương vẫn được duy trì. Nhiều giờ làm việc hơn cũng có thể khiến châu Âu trở nên hấp dẫn hơn đối với đầu tư nước ngoài. Quan trọng hơn là với xu hướng già hóa dân số ở châu Âu, việc tăng thời gian làm việc sẽ là yếu tố thiết yếu để duy trì sản lượng trong tương lai.
Đức là một ví dụ điển hình. Vào đầu những năm 2000, sự xuất hiện của các "mini job" - những công việc bán thời gian được miễn thuế với mức thu nhập giới hạn - đã giúp các bậc cha mẹ và thanh niên kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, tình trạng tích trữ nhân công sau đại dịch đã khiến thị trường lao động thắt chặt hơn, các công ty duy trì một nhóm nhân viên lớn để phòng ngừa tình trạng thiếu hụt lao động.
Điều này khiến người lao động bán thời gian hoặc làm "mini job" khó khăn hơn trong việc xin tăng giờ hoặc chuyển sang làm toàn thời gian. Thêm vào đó, mức thu nhập tối đa được miễn thuế của "mini job" cũng không được điều chỉnh để phù hợp với tình trạng gia tăng chi phí sinh hoạt. Chế độ "chia sẻ thuế" theo hôn nhân của Đức, khi các cặp vợ chồng nộp thuế chung, vô tình tạo ra lực cản khiến người vợ hoặc chồng có thu nhập thấp hơn mất đi động lực đi làm. Cuối cùng, chính sách thuế cao đánh vào giờ làm thêm càng khiến người lao động ngại làm thêm giờ.
Để khuyến khích người lao động tham gia thị trường việc làm, cần thiết phải xem xét các cải cách thuế nhằm giảm thiểu những rào cản hiện hữu. Một số giải pháp tiềm năng bao gồm việc nâng cao mức thu nhập tối đa cho loại hình "mini job" hoặc áp dụng đề xuất của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức về giảm thuế thu nhập tăng ca. Bên cạnh đó, các chính phủ châu Âu cũng nên hướng tới việc tạo ra động lực mạnh mẽ cho người lao động bằng cách điều chỉnh lại sự cân bằng giữa các khoản trợ cấp xã hội, thuế suất cận biên và mức lương tối thiểu.
Mục tiêu của các cải cách không nên chỉ là đuổi kịp nước Mỹ. Giờ làm việc dài ở Mỹ là hệ quả của chi phí sinh hoạt đắt đỏ và hệ thống an sinh xã hội phức tạp. Cải cách cũng không nên nhằm mục đích giảm thiểu việc làm bán thời gian để kéo dài giờ làm trung bình. Trên thực tế, những chính sách được xây dựng hợp lý cho phép bậc cha mẹ làm việc bán thời gian có thể mang lại lợi ích kinh tế và nhân khẩu học đáng kể. Bất kỳ sự cải cách nào cũng cần đi kèm với đầu tư vào giáo dục, công nghệ và cơ sở hạ tầng để gia tăng năng suất cho mỗi giờ làm việc thêm. Năng suất của châu Âu đã tụt hậu so với Mỹ, và việc cải thiện năng suất này sẽ đóng vai trò quan trọng hơn việc kéo dài giờ làm việc.
Nhà kinh tế học Keynes từng viết rằng ngay cả khi đạt đến đỉnh cao phát triển, con người vẫn sẽ lựa chọn lao động. Điều thúc đẩy họ chính là mong muốn cống hiến cho xã hội. Trí tuệ Nhân tạo (AI) và các công nghệ mới có thể sớm kiến tạo nên trạng thái lý tưởng đó. Tuy nhiên, cho đến lúc ấy, châu Âu cần nỗ lực hơn nữa để tận dụng và tôn vinh tinh thần hăng say làm việc.
Financial Times