Tiếng nói từ lịch sử: Đừng chống lại đà tăng của tỷ giá EUR/USD! Quan điểm của chiến lược gia Bloomberg với gần 20 năm "ăn ngủ" với đồng Euro!
Nam Anh
Senior Economic Analyst
Các nhà giao dịch dài hạn đừng nên quá bận tâm đến những lo ngại rằng cặp tiền tệ thanh khoản nhất trên thị trường ngoại hối - EURUSD đang tăng quá nóng - Quan điểm của Mark Cudmore, chiến lược gia tại Bloomberg
Trên thị trường ngoại hối - EUR/USD đang tăng quá nóng?
Mức tăng 10% kể từ giữa tháng 5 rõ ràng là 1 tốc độ chưa từng được thấy trong thời gian gần đây. Chỉ số RSI liên tục đưa ra cảnh báo về tình trạng quá mua trên cả đồ thị tuần và tháng. Do đó, cũng không phải không có lý do để mong chờ vào 1 con sóng điều chỉnh hoặc ít nhất là 1 giai đoạn tích lũy trong thời gian tới.
Tuy nhiên, những lo ngại này chỉ đáng chú ý với các nhà giao dịch ngắn hạn, bởi lẽ đằng sau đà tăng của EUR là 1 bức tranh vĩ mô hoàn toàn rõ nét.
Trong những năm giao dịch ngoại hối đầu tiên của tôi, tỷ giá EUR/USD đã tăng từ dưới 0.86 trong năm 2002 lên trên 1.36 vào tháng 12 năm 2004. Sau đó, Đạo luật Homeland Investment của Hoa Kỳ được thông qua, khuyến khích các doanh nghiệp Hoa Kỳ rút lợi nhuận từ nước ngoài về nước, dẫn đến tỷ giá EUR/USD trở lại mức 1.16 vào cuối năm 2005. Sau đó, con sóng tăng của đồng tiền chung châu Âu nhanh chóng xuất hiện, đưa EURUSD về trên mức 1.60 vào năm 2008.
Sau đó năm 2009, 2010 và 2017 đều chứng kiến những bước tiến vững mạnh của EUR nhưng với quy mô nhỏ hơn những con sóng trước đó. Ý của tôi ở đây là khi các yếu tố cơ bản đang hỗ trợ mạnh mẽ, đừng để bản thân bị phân tâm bởi những dấu hiệu điều chỉnh kỹ thuật.
Hiện nay những yếu tố cơ bản đều đang hỗ trợ mạnh mẽ cho đà tăng của EURUSD:
- Liên minh Châu Âu vừa đạt được bước tiến khổng lồ khi gói cứu trợ với quy mô chưa từng có được thông qua với sự đồng thuận lớn, trong khi đó chính trường Mỹ lại đang chứng kiến những xung đột và chia rẽ nghiêm trọng hướng tới cuộc bầu cử tổng thống, trong bối cảnh nước Mỹ đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất kể từ cuộc đại suy thoái.
- Cuộc khủng hoảng y tế tại Mỹ đang ngày càng trầm trọng, trì hoãn sự trở lại trạng thái bình thường của hoạt động tiêu dùng, trong khi sự phục hồi của Châu Âu tiếp tục diễn ra sau những biện pháp mạnh mẽ hơn của lục địa già trước đại dịch Covid-19.
- Sự chênh lệch giữa lợi suất tài sản có giá tại châu Âu và Mỹ (yếu tố thúc đẩy nghiệp vụ carry trade) đã biến mất khi lợi suất thực tại Mỹ và khu vực đồng tiền chung châu Âu đã ở mức tương đương.
- Sự sụt giảm lợi suất thực ở Mỹ sẽ vô cùng quan trọng khi những gánh nặng nợ của Mỹ ngày càng chồng chất trong bối cảnh cán cân vãng lai tiếp tục thâm hụt so với mức thặng dư của châu Âu.
- Ngoài ra, đang xuất hiện những bằng chứng cho thấy cấu trúc thị trường lao động của châu Âu sẽ dễ dàng đối phó với những cú sốc đối với nền kinh tế hơn tại Hoa Kỳ, tạo điều kiện cho 1 sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ hơn.
- Cũng cần lưu ý rằng mặc cho những yếu tố hỗ trợ cho sự tăng giá của đồng EUR, thế giới bản chất vẫn đang “Long” USD, bởi lẽ đồng bạc xanh chiếm tới 60% dự trữ ngoại hối toàn cầu so với 20% của EUR. Tuy nhiên, trong thời gian qua các vấn đề về thanh khoản đã được Fed giải quyết triệt để, do đó cũng không cần quá lo lắng về 1 sự thiếu hụt thanh khoản trầm trọng như những gì đã diễn ra vào thời điểm tháng 3.
Tôi không rõ 1 đợt sóng tăng 2% tiếp theo khi nào sẽ diễn ra, tuy nhiên vẫn vững tin rằng EURUSD sẽ vượt qua mức 1.30 trong năm 2021.