Tín hiệu mới giúp 'hóa giải' khủng hoảng trần nợ công của Mỹ
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Cuộc tranh luận về trần nợ công trở thành một "bi kịch" lặp đi lặp lại trong nhiều thế hệ tại Mỹ.
Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn dự luật tạm thời nâng mức trần nợ công của chính phủ liên bang, qua đó tránh nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này. Tuy nhiên, các thượng nghị sĩ vẫn để ngỏ quyết định về một giải pháp dài hơi hơn cho tới đầu tháng 12.
Theo bài phân tích trên trang Project Syndicate của Giáo sư Barry Eichengreen thuộc Đại học California (Mỹ), trong năm 2011, trong vai trò là Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bà Janet Yellen đã "trấn an" các đồng nghiệp rằng "kịch tính" xung quanh câu chuyện trần nợ công của Chính phủ Mỹ "thường chỉ là một vở kịch được cường điệu hóa".
Nhưng chỉ một thập kỷ sau đó, cuộc tranh luận về trần nợ công trở thành một "bi kịch" lặp đi lặp lại trong nhiều thế hệ tại Mỹ.
Vấn đề lặp đi lặp lại
Để hiểu được cặn kẽ vướng mắc của "trần nợ", cần phải "đào sâu" trở lại nguồn gốc vấn đề. Quy chế tạo ra ngưỡng "trần nợ" của chính phủ Mỹ đã được thông qua vào tháng 9/1917, cùng với một đạo luật cho phép phát hành trái phiếu hỗ trợ tài chính cho Mỹ tham gia vào Thế Chiến I.
Việc này được cho là nhằm giảm bớt gánh nặng lên quốc hội, nhưng vẫn cho phép cơ quan giám sát tối cao được quyền thiết lập các giới hạn cho phạm vi hành động của Nhà Trắng. Trước đó, các nhà lập pháp sẽ phải thông qua từng loại trái phiếu cụ thể.
Hiến pháp Mỹ đã trao cho quốc hội quyền quản lý chi tiết hoạt động vay tiền của Bộ Tài chính, một điều không thực tế trong thời kỳ chiến tranh. Do đó, các nhà lập pháp quyết định giao quyền lực vào tay tổng thống. Nhưng để xoa dịu những người luôn tìm cách phản đối sự mở rộng quyền hành, quốc hội Mỹ đã được trao quyền đặt ngưỡng trần cho các khoản vay của chính phủ.
Cách thức hóa giải vấn đề đó, vốn đã bị lãng quên từ hơn một thế kỷ trước, hiện đang tạo ra sự tiến thoái lưỡng nan mà nền kinh tế lớn nhất thế giới phải đối mặt.
Trong quá khứ, quốc hội Mỹ luôn thành công trong việc ngăn chặn những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra. Năm 2013, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đã đồng ý "treo" trần nợ công, chỉ một tuần trước khi Bộ Tài chính Mỹ cạn kiệt tiền mặt dự trữ. Tuy nhiên, tình huống của năm nay có thể rất khác biệt.
Sự phân cực chính trị tại Mỹ hiện lớn hơn nhiều so với năm 2013. Các quy tắc ứng xử chính trị, bao gồm cả gợi ý rằng hai đảng nên hợp tác để tránh một thảm họa được dự báo, đã biến mất kể từ cuộc tấn công vào Điện Capitol ngày 6/1 bởi những người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump.
Tín hiệu tích cực từ quốc hội
Tối 7/10 (tức sáng 8/10 giờ Hà Nội), Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn dự luật tạm thời nâng mức trần nợ công của chính phủ liên bang qua đó tránh nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này. Tuy nhiên, các thượng nghị sĩ vẫn để ngỏ quyết định về một giải pháp dài hơi hơn cho tới đầu tháng 12.
Sau nhiều tuần tranh luận giữa các đảng, dự luật đã được thông qua với 50 phiếu thuận và 48 phiếu chống, theo đó tăng mức trần nợ công vào khoảng 28.500 tỷ USD của Mỹ hiện nay thêm 480 tỷ USD. Dự luật vừa được Thượng viện thông qua sẽ được chuyển xuống Hạ viện, nơi dự kiến sẽ dễ dàng được phê chuẩn.
Dự luật sẽ chỉ có hiệu lực đến ngày 3/12, ngày mà ngân sách cho hầu hết các chương trình liên bang cũng hết hạn, theo một biện pháp tạm thời được thông qua hồi đầu tháng này.
Như vậy, trong 8 tuần tới, quốc hội sẽ phải giải quyết thách thức kép là vừa phải nhất trí về kế hoạch chi tiêu công cho đến tháng 9/2022 bao gồm từ các chương trình giáo dục và đối ngoại đến quỹ để thực thi các biện pháp nhập cư và an ninh sân bay, vừa tìm cách tránh nguy cơ vỡ nợ.
Hậu quả nhãn tiền nếu không đạt được đồng thuận
Giới quan sát chỉ ra rằng, hậu quả "nhãn tiền" của việc không nâng hoặc đình chỉ trần nợ công sẽ là chính phủ Mỹ bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm.
Nếu nợ của Bộ Tài chính Mỹ bị tụt bậc trong bảng xếp hạng đầu tư, các nhà đầu tư tổ chức sẽ buộc phải dừng việc nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả các ngân hàng trung ương, có thể sẽ suy nghĩ lại. Kết quả là chi phí đi vay của Mỹ sẽ tăng lên.
Một số nghiên cứu phát hiện ra rằng trạng thái trú ẩn an toàn của đồng đô la Mỹ (USD) đã giúp Bộ Tài chính nước này tiết kiệm được một khoản tiền lãi phải trả lên tới 700 tỷ USD trong vòng một thập kỷ. Số tiền đó đủ để tài trợ cho gần 3/4 gói cơ sở hạ tầng của lưỡng đảng. Nhưng một số bằng chứng cho thấy phần "thu lợi" này hiện đã bị mất đi.
Sự không chắc chắn, điển hình là cuộc khủng hoảng dịch Covid-19, đã đưa tới lời nhắc nhở rằng đây là điều mà các nhà đầu tư lo sợ nhất. Sự không chắc chắn sẽ tăng đột biến khi hoạt động thanh toán lãi suất trái phiếu bị tạm dừng trong một thời gian không xác định.
Hơn nữa, vì trái phiếu Kho bạc Mỹ được sử dụng làm tài sản thế chấp trong một loạt giao dịch tài chính tư nhân, do đó thị trường nợ ngắn hạn sẽ bị suy yếu nếu Bộ Tài chính buộc phải đình chỉ các khoản thanh toán. Yêu cầu rút tiền sẽ đẩy các quỹ tương hỗ trên thị trường tiền tệ tham gia vào hoạt động bán tháo tín phiếu Kho bạc và rất có thể dẫn tới việc đình chỉ mua lại.
Các ước tính về mức độ ảnh hưởng của nền kinh tế Mỹ trải rộng từ thiệt hại sâu sắc đến thảm khốc. Các chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ sẽ giảm 4%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 9%.
Vai trò của Fed
Giống như mọi cuộc khủng hoảng khác, Fed có thể sẽ kích thích các biện pháp khẩn cấp, đã được thảo luận trong quá trình chuẩn bị cho tình huống khủng hoảng trần nợ công.
Cơ quan này cũng có thể sẽ mua trái phiếu Kho bạc bị vỡ nợ và chấp thuận chúng làm tài sản thế chấp trong các hoạt động cho vay của chính Fed, bất kể giá thị trường của trái phiếu sẽ thấp hơn giá trị thực tế.
Tuy nhiên, hành động như vậy sẽ đẩy Fed lên trên "tảng băng mỏng" và đứng giữa một cuộc xung đột chính trị.
Một số nhà phân tích đã chỉ ra rằng kịch bản tồi tệ nhất sẽ được hóa giải nếu Bộ Tài chính Mỹ đơn giản là đặt ưu tiên hàng đầu cho việc trả lãi suất các khoản vay. Bộ Tài chính có thể thanh toán đầy đủ tiền lãi vay bằng phần doanh thu thuế kiếm được trong thời gian tới, đồng thời cắt giảm 40% các khoản chi khác của chính phủ Mỹ.
Nhưng rất khó để có thể thực hiện như vậy, do cần tính đến hậu quả phát sinh từ các vấn đề khác. Quốc hội Mỹ chắc chắn sẽ không sẵn sàng cắt giảm phúc lợi an sinh xã hội và chi tiêu quân sự, để bảo lãnh các trái chủ.
Để tránh nguy cơ vỡ nợ vào tháng 12 tới, trong kịch bản khả quan nhất, các nghị sĩ Thượng viện Mỹ có thể đồng ý tiếp tục nâng trần nợ và thúc đẩy một dự luật hòa giải theo đường lối của đảng về vấn đề này.
Link gốc tại đây.
Theo NDH