Trần nợ là gì và liệu Mỹ có nâng trần nợ?
Đức Nguyễn
FX Strategist
Trong thời gian gần đây, trần nợ và Mỹ vỡ nợ là một trong những tranh luận nóng nhất trên thị trường và trong giới chính trị. Hãy cùng theo dõi để biết thêm về trần nợ tại Mỹ, và liệu Mỹ có thông qua quyết định nâng trần nợ hay không.
Cụm từ “trần nợ” nghe có vẻ rất nghiêm trọng và mang tính gò bó cao, như một giới hạn cho chi tiêu chính phủ. Trên thực tế, trần nợ Mỹ được tạo ra để chính phủ dễ dàng vay mượn hơn. Nhưng bây giờ, nó đã biến thành một công cụ chính trị, với khả năng gây ảnh hưởng tới thị trường tài chính, vì việc không thể nâng trần nợ có thể dẫn tới việc vỡ nợ của một số nghĩa vụ nợ chính phủ.
Tại sao lại có trần nợ?
Được tạo ra vào năm 1917, trần nợ ban đầu có mục đích giúp việc cung cấp vốn cho thế chiến I dễ dàng hơn bằng việc chia trái phiếu thành các nhóm khác nhau, để Quốc hội Mỹ dễ dàng chấp thuận từng loại trái phiếu. Khi thế chiến II cận kề vào năm 1939, Quốc hội Mỹ lần đầu tiên tạo ra trần nợ tổng hợp và cho Bộ Tài chính toàn quyền quyết định loại trái phiếu để phát hành.
Từ khi nào trần nợ trở thành vấn đề chính trị?
Trần nợ vẫn được nâng định kỳ mà không gặp trở ngại gì cho tới năm 1953. Trong năm đó, Thượng viện Mỹ đã tìm cách hạn chế quyền lực của tổng thống Dwight Eisenhower, người đã yêu cầu tăng trần nợ để nước này có thể xây dựng hệ thống đường cao tốc quốc gia. Kể từ đó, trần nợ vẫn được tăng hàng chục lần mà không xảy ra tranh cãi. Nhưng trong hai thập kỷ gần đây, trần nợ ngày càng trở thành một thứ vũ khí lưỡng đảng.
Những cuộc đấu khẩu trần nợ lớn nhất xảy ra khi nào?
Tăng trần nợ là một trong những tranh cãi về ngân sách khiến chính quyền liên bang bị đóng cửa hai lần vào cuối năm 1995 và đầu năm 1996. Một khủng hoảng trần nợ nữa xảy ra vào năm 2011 đã gây hoảng loạn trên cả thị trường tài chính và khiến S&P lần đầu tiên hạ bậc tín nhiệm của chính phủ Mỹ. Một cuộc đấu khẩu về trần nợ nữa vào năm 2013 giữa cựu tổng thống Barack Obama và đảng Cộng hòa với nỗ lực hủy bỏ Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (Affordable Care Act - ACA) đã buộc Mỹ phải tạm thời bỏ trần nợ lần đầu tiên.
Vấn đề của hiện tại
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã thúc giục Quốc hội tăng trần nợ sớm nhất có thể, nếu không Bộ Tài chính sẽ hết tiền vào ngày 18/10. Tới lúc này, ba tiếp tục sử dụng nhiều biện pháp đặc biệt, như hoãn lại việc đóng góp cho quỹ hưu trí liên bang và dùng tiền này để trả nợ. Một khi những cách của bà không còn tác dụng, chính phủ Mỹ nhiều khả năng sẽ buộc phải đóng cửa một phần, hoặc hoãn lại một số khoản chi.
Trần nợ lúc này là bao nhiêu?
Trần nợ của Mỹ lúc này là 28.4 nghìn tỷ USD.
Ai muốn nâng trần nợ?
Đảng Dân chủ muốn nâng trần nợ. Họ có quyền lực ở cả Nhà Trắng, Thượng viện và Hạ viện. Nhưng họ muốn cả phe Cộng hòa chấp thuận việc này, cho rằng họ cũng đã đồng ý với quyết định nâng trần nợ của tổng thống Trump mà không tranh cãi gì (dù có phản đối quyết định cắt giảm thuế của ông). Lãnh đạo đảng Cộng hòa Mitch McConnell cho rằng phe Dân chủ nên tự tăng trần nợ, vì họ muốn đốt tới 3.5 nghìn tỷ theo kế hoạch ngân sách của tổng thống Biden; đảng Dân chủ phản ứng lại rằng nâng trần nợ chỉ là để bù lại cho những chi tiêu dưới thời ông Trump.
Dù đảng Dân chủ hoàn toàn có quyền nâng trần nợ bằng chấp thuận đa số với dự luật ngân sách, họ lại quyết định không đi theo hướng này. Do vậy, sẽ cần ít nhất 60 phiếu bầu để bỏ qua được “đặc quyền câu giờ” filibuster trên Quốc hội, trong đó, cần 10 phiếu bầu từ đảng Cộng hòa.
Trần nợ có hạn chế chi tiêu chính phủ hay không?
Không tăng trần nợ có thể hạn chế chi tiêu chính phủ, nhưng theo một cách cực kỳ hỗn loạn và khó đoán, vì nâng trần nợ sẽ giúp chính phủ trả tiền cho những khoản đã chi theo luật chi tiêu và thuế của Quốc hội. Một số chuyên gia muốn bỏ hoàn toàn trần nợ, cho rằng những cuộc khẩu chiến tại Quốc hội đang tốn tiền của người dân bằng việc gia tăng bất ổn kinh tế và nhiều vấn đề khác. Những người ủng hộ cho rằng dùng trần nợ để hạn chế chi tiêu lại có lợi cho công chúng khi mức nợ lên cao kỷ lục.
Chính quyền tổng thống Obama từng cân nhắc nhưng cuối cùng đã từ chối sử dụng những phương pháp chưa được thử nghiệm để lách luật trần nợ, như phát hành tiền xu bạch kim và phân phối cho Fed, hoặc tuyên bố trần nợ là một vi phạm của Tu chính án thứ 14 về việc cấm đặt nghi vấn về nợ liên bang.
Bloomberg