Trật tự thế giới mới sẽ đi về đâu khi nước Mỹ đang dần tụt lại?
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Covid-19 đang đẩy nhanh quá trình thay đổi của thế giới về cả công nghệ, xã hội và chính trị. Sự chia rẽ giữa Trung Quốc và phương Tây cùng với sự thất bại của Mỹ trong vai trò lãnh đạo đang ngày một sâu sắc hơn. Trật tự thế giới dưới sự dẫn dắt của phương Tây đang rơi vào khủng hoảng. Và nếu như người dân Mỹ tiếp tục lựa chọn Donald Trump làm tổng thống, đó sẽ là giọt nước làm tràn ly.
Trung Quốc đang trở nên ngày càng tự tin. Quốc gia này không hề có sự tôn trọng với phương Tây về vấn đề nhân quyền, thể hiện ở sự đối xử tàn bạo đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và đạo luật an ninh mới tại Hong Kong. Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, vị chủ tịch trọn đời, sự khẳng định của Trung Quốc về địa vị là một siêu cường với một chế độ chuyên quyền đã được thể hiện trọn vẹn. Chưa rõ liệu nước này có từ bỏ chiến lược “ẩn mình chờ thời” nổi tiếng từ thời Đặng Tiểu Bình hay không. Tuy nhiên, Trung Quốc chắc chắn vẫn sẽ là một thành viên tham gia giải quyết mọi vấn đề trên bình diện toàn cầu.
Phương Tây có những lợi thế đáng giá trong bất kỳ cuộc cạnh tranh giành sức ảnh hưởng cùng với Trung Quốc. Rất nhiều người hiện vẫn ngưỡng mộ những giá trị cốt lõi về tự do và dân chủ tại đây. Sức ảnh hưởng của văn hóa và trí tuệ phương Tây vẫn hằn sâu hơn rất nhiều so với Trung Quốc.
Nước Mỹ có khả năng gây dựng và duy trì lâu dài liên minh với các quốc gia có cùng hệ tư tưởng. Nếu tính tất cả các nước tự nguyện ủng hộ Mỹ, bao gồm EU, Nhật Bản, Canada, Úc và ngày càng rõ ràng đó là Ấn Độ, sức nặng về kinh tế và chính trị là khổng lồ.
Tuy nhiên mọi thứ đang dần tan rã. Nước Mỹ đã đầu hàng trước sự chia rẽ dữ dội từ bên trong và kết thúc bằng chủ nghĩa dân túy tiêu cực. Ông Trump chính là hiện thân của những sự chia rẽ trên, như cựu Bộ trưởng bộ Quốc phòng đã khẳng định. Ông cũng là người ủng hộ chính cho việc từ bỏ vai trò lịch sử của nước Mỹ như là một hình mẫu về tự do dân chủ trên toàn cầu và lãnh đạo của một liên minh gồm các quốc gia có chung lý tưởng.
Trước đây, dù cho người dân trên toàn thế giới không thích những điều nước Mỹ đã làm, họ vẫn nghĩ rằng nước này biết mình đang làm gì. Sự thành công đáng sợ của chính quyền Trump trong việc phá vỡ chính thể đã làm quan điểm trên thay đổi trong thời kỳ đại dịch.
Vị tổng thống này và chính quyền của ông hoặc là không muốn cầm quyền hoặc là không biết phải làm điều đó như thế nào. Tình hình hoàn toàn trái ngược đối với Trung Quốc. Trong một bài viết trên tờ The Atlantic, James Fallows miêu tả sự thất bại có hệ thống của của Mỹ trong việc đối phó với dịch bệnh. Tuy vậy sự thất bại không chỉ đến từ sự méo mó của chính phủ, mà còn bởi sự kém cỏi của người điều hành nó.
Cả thế giới đã nhận ra điều này. Danh tiếng và uy tín của nước Mỹ đã bị tổn hại nghiêm trọng. Biểu hiện của sự rạn nứt giữa các đồng minh thân cận đó là EU, hiện tại đã dần kiểm soát được dịch bệnh, vẫn chưa có kế hoạch cho phép công dân Mỹ nhập cảnh trở lại.
Trong một bài viết trên trang Foreign Affairs, Francis Fukuyama cho rằng nền tảng của bất cứ trật tự chính trị nào, thể hiện rõ ràng trong đại dịch, đó là một chính phủ hoạt động có hiệu quả. Trong một nghiên cứu trước đó, ông tranh luận khá thuyết phục rằng ý tưởng của chế độ pháp trị và trách nhiệm chính trị của người dân được xây dựng trên điều này: Nếu chính phủ không hoạt động, không có gì hoạt động. Chính quyền của Trump có vẻ đang quyết tâm để chứng minh giả thuyết trên.
Việc một liên minh tự do dân chủ mong muốn tạo ra những đối trọng với Trung Quốc trong một số lĩnh vực, đồng thời hợp tác thành công trong một vài lĩnh vực khác là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên điều này không thể xảy ra nếu nước Mỹ không thể xây dựng lại được một chính phủ hoạt động hiệu quả. Harold James, giáo sư lịch sử tại đại học Princeton, thậm chí đã viết một bài báo u ám so sánh tình cảnh nước Mỹ hiện tại với thời điểm trước sụp đổ của Liên bang Xô-viết.
Dù vậy, nước Trung Quốc hiện đại cũng có điểm yếu căn bản. Chính phủ của nó hoạt động rất hiệu quả cùng với sự chăm chỉ và tinh thần khởi nghiệp của người dân. Tuy nhiên sự thiếu sót của một chế độ pháp trị và trách nhiệm dân chủ khiến cho quyền lực của nhà nước quá lớn và xã hội dân chủ thì lại quá yếu ớt. Trung Quốc đã làm rất tốt khi mở cửa với thế giới, như cách nó đã thực hiện trong 4 thập niên qua. Tuy nhiên, nếu cả thế giới đóng cửa, sẽ khó khăn hơn để tiếp tục tiến nhanh như trước.
Trong cuốn sách “Hành lang hẹp" (The Narrow Corridor), Daron Acemoglu và James Robinson giải thích tình thế tiến thoái lưỡng nan của chế độ chuyên quyền hiệu quả. Nó có thể thả lỏng cho các doanh nghiệp hoạt động. Tuy nhiên, nếu không có một chế độ pháp trị, kết quả khó tránh khỏi sẽ là làn sóng tham nhũng điều làm xói mòn niềm tin với chế độ. Những người lãnh đạo có thể sẽ kiểm soát trở lại, buộc mọi người trở lại khuôn khổ. Nhưng nó cũng đe dọa giết chết tâm lý đám đông cần thiết cho nền kinh tế.
Đây có thể chính là điều đang xảy ra đối với nền kinh tế Trung Quốc hiện nay. Một số người có vẻ tin rằng trí tuệ nhân tạo và việc thu thập dữ liệu lớn sẽ cho phép kinh tế tập trung thay thế kinh tế thị trường. Đây là khả năng khó xảy ra nhất. Động lực của thay đổi đến từ ý tưởng trong đầu mỗi người. Không ai có thể lên kế hoạch cho điều đó. Mọi người cần sự khuyến khích để tạo ra những điều mới và thử thách. Liệu việc chính phủ Trung Quốc trở nên ngày càng độc đoán có thể nuôi dưỡng điều trên hay không?
Ở một bên, chúng ta có một cường quốc chuyên quyền đang lên, nhưng vẫn có những điểm yếu. Ở bên đối diện, ta có một siêu cường đang lạc lối. Tôi muốn các giá trị cốt lõi phương Tây tiếp tục được kế nghiệp và phát triển. Tôi cũng muốn Trung Quốc phồn vinh, nhưng không phải với cái giá là một xã hội mục ruỗng phản đối những giá trị trên. Tôi muốn nhân loại đối xử với các mối quan hệ một cách hòa bình và đúng đắn. Nếu điều này xảy ra, nước Mỹ sẽ duy trì được quyền lực của mình. Vấn đề không phải phần lớn do có quá nhiều người dân Mỹ muốn Trump lên lãnh đạo. Khủng hoảng của phương Tây là cuộc khủng khoảng về giá trị. Chúng ta rồi cũng sẽ vượt qua nó, nhưng tất nhiên là rất khó khăn.