Triển vọng đồng JPY Quý III/2021 - Chặng đường gian nan vẫn ở trước mắt
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Sự phân kỳ về chính sách tiền tệ giữa Fed và BOJ nhiều khả năng sẽ tiếp tục gây áp lực lên đồng Yên Nhật so với đồng bạc xanh
Nhìn lại diễn biến Quý II
Đúng với diễn biến của các yếu tố cơ bản, đồng Yên Nhật đã có xu hướng suy yếu trong phần lớn thời gian của Quý II. Mặc dù vậy, tốc độ suy yếu đã chậm lại đáng kể so với mức của Quý I. Đồng tiền trú ẩn này nhiều khả năng đã không nhận được nhiều sự chú ý khi mức biến động trên thị trường chứng khoán ngày càng suy giảm.
Tuy rằng đã có những thời điểm tâm lý thị trường toàn cầu cho thấy sự ổn định trở lại, điều này vẫn chưa đủ để xác lập một xu hướng mới. Rủi ro biến động hiện vẫn đang tiềm ẩn và có thể hỗ trợ cho xu hướng tăng của đồng Yên. Ở chiều ngược lại, việc chính sách tiền tệ tiếp tục duy trì nới lỏng trên toàn cầu có thể sẽ phần nào làm yên lòng các nhà đầu tư. Diễn biến của đồng Yên trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ gắn chặt với tình hình lợi suất TPCP toàn cầu.
Diễn biến của đồng Yên so với các đồng tiền chính khác
Chặng đường gian truân trước mắt
Từ biểu đồ trên, có thể thấy diễn biến của chỉ số đo lường sức mạnh của đồng Yên so với rổ các đồng tiền chính khác đang theo sát chênh lệch lợi suất TPCP 10 năm của Mỹ và Nhật Bản. Trong Quý II, mức chênh lệch trên đã có xu hướng thu hẹp nhẹ. Điều này là do Fed tiếp tục lặp lại quan điểm nới lỏng của mình trong các phiên họp chính sách, xoa dịu đi những lo lắng về việc thắt chặt sớm hơn dự kiến.
Tuy vậy, biểu đồ Dot-plot tháng 6 cho thấy đã có nhiều hơn các thành viên Fed bắt đầu kỳ vọng sẽ tăng lãi suất trong thời gian sớm hơn. Điều này là có thể hiểu được khi áp lực lạm phát tại Mỹ vẫn đang duy trì ở mức cao. Câu hỏi lớn nhất lúc này đó là liệu áp lực trên có chỉ là tạm thời giống như quan điểm của các nhà điều hành?
Theo khảo sát của Discovery Financial Services, 70% người tiêu dùng Mỹ vẫn đang dồn nén nhu cầu du lịch trở lại. Tuy nhiên, 87% trong số đó nói rằng chi phí sẽ quyết định địa điểm họ muốn tới. Khoảng 66% số người đang lên kế hoạch cho một chuyến du lịch kéo dài khoảng 1-6 ngày. Điều này cũng đồng nghĩa rằng nhu cầu đối với các hàng hóa liên quan tới du lịch, ăn uống có thể sẽ ít co dãn hơn thông thường, tức nếu giá của các hàng hóa này tăng lên sẽ không khiến nhu cầu tiêu dùng giảm sút quá nhiều. Do đó, lạm phát có thể sẽ duy trì ở mức cao lâu hơn đối với những khu vực trên của nền kinh tế.
Kịch bản trên có thể khiến lạm phát tăng vượt mức mục tiêu của Fed và buộc quá trình thắt chặt sớm xảy ra. Trong khi đó, BOJ lại không phải lo lắng quá nhiều về vấn đề lạm phát. Tỷ giá USD/JPY do đó có thể sẽ tiếp tục hướng tới những mốc cao mới trong phần còn lại của năm 2021.
Sự thay đổi độ co giãn của cầu thể hiện độ nhạy của lượng cầu trước thay đổi về giá của hàng hóa
Dailyfx