Triển vọng đồng Yên Nhật năm 2023 - Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai!
Nguyễn Hồng Nhung
Junior Analyst
Nhiều ngân hàng và doanh nghiệp lớn nhận định rằng năm 2023 có thể sẽ chứng kiến xu hướng tăng mạnh trở lại của đồng yên Nhật
Nhà đầu tư kỳ vọng BOJ sẽ từ bỏ chính sách kiểm soát lợi suất
Yên Nhật, đồng tiền yếu nhất trong nhóm các đồng tiền chính, có vẻ đã sẵn sàng cho một bước ngoặt ngoạn mục vào 2023 khi nhiều nhà đầu tư cho rằng hai yếu tố chi phối chính của đồng yên trong năm 2022 - Fed thắt chặt và BOJ nới lỏng - sẽ đảo chiều.
Theo Barclay và Nomura, yên Nhật - đồng tiền được lựa chọn để bán khống so với USD trong phần lớn năm nay - có thể tăng hơn 9% so với mức hiện tại vào năm sau, trong khi công ty quản trị tài sản Vontobel nhận định giá trị hợp lý là dưới 100 yên so với mỗi USD - tăng hơn 35%. State Street Global Markets nhận thấy khả năng phục hồi nhanh chóng của đồng yên khi lo ngại về việc Mỹ tăng lãi suất mạnh tay đã giảm bớt, trong khi T. Rowe Price cho rằng BOJ có thể sẽ xoay chuyển chính sách theo hướng thắt chặt hơn.
Theo trưởng bộ phận đa tài sản của công ty quản trị tài sản trị giá 1.28 nghìn tỷ đô T.Rowe Sébastien Page: "Chúng ta đang tiến sát đến đỉnh suy yếu của đồng yên so với đô la khi Fed bắt đầu dừng tăng lãi suất, có khả năng BOJ sẽ khiến thị trường bất ngờ bằng những động thái quyết liệt hơn một chút đối với chính sách tiền tệ và thúc đẩy sự tăng giá của đồng yên.
Tỷ giá USD/JPY xuất hiện dấu hiệu đảo chiều sau khi chạm mức cao nhất trong khoảng 3 thập kỷ
Tỷ giá USD/JPY đã liên tục tăng dưới tác động của chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của BOJ. Chênh lệch lợi suất trái phiếu Mỹ-Nhật nới rộng cùng những đợt tăng lãi suất mạnh tay của Fed còn Nhật Bản thì cố duy trì lãi suất siêu thấp để thúc đẩy nền kinh tế đã khiến đồng yên giảm tới 25% trong năm nay.
Giờ đây, sự can thiệp trực tiếp vào thị trường của chính phủ Nhật cùng hy vọng Fed giảm tốc độ tăng lãi suất đã hỗ trợ đồng yên phục hồi 10% kể từ đáy tháng Mười. Đồn đoán xung quanh khả năng BOJ dịch chuyển chính sách vào tháng Tư dưới thời của người lãnh đạo mới càng tiếp sức cho đà hồi phục của yên Nhật.
Đồng yên mạnh lên sẽ có ảnh hưởng vượt biên giới của đất nước có nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này, có khả năng thu hút nguồn vốn trị giá hàng trăm tỷ đô trở lại Nhật Bản và gây áp lực lên hầu bao của các ông lớn xuất khẩu của quốc gia này. Đồng thời, nó cũng làm sụt giảm nhu cầu sử dụng đồng yên trong các giao dịch chênh lệch lãi suất - khi các nhà đầu tư vay mượn đồng tiền Nhật Bản có lợi suất trái phiếu thấp để đầu tư vào đồng tiền của các nước có lợi suất cao hơn và ăn phần chênh lệch.
Lợi suất TPCP 10 năm của Nhật Bản vẫn đang được kiểm soát ở mức rất thấp so với các nền kinh tế lớn khác
Đặt cược vào khả năng tăng lãi suất
Kỳ vọng về việc đồng yên tăng giá xoay quanh luận điểm rằng lãi suất của Mỹ đang nhanh chóng tiến sát đỉnh và Fed sẽ sớm nới lỏng chính sách trong thời kỳ suy thoái. Các quỹ như Jupiter và Abrdn cho rằng khả năng rất cao điều này sẽ xảy ra.
Chuyên gia đầu tư trái phiếu cấp cao của Abrdn cho biết: "Fed nên nhanh chóng dịch chuyển chính sách trở nên tương đối ôn hòa vào năm 2023 và kỳ vọng đồng yên sẽ tăng lên mức 130 so với USD. Đồng bạc xanh sẽ thiếu những động lực thúc đẩy đã có trong năm 2022"
Định giá từ thị trường hợp đồng tương lai cho thấy các trader nhận định lãi suất của Mỹ sẽ đạt đỉnh vào giữa năm sau.
Các quỹ cũng kỳ vọng rằng việc BOJ, ngân hàng trung ương lớn cuối cùng của các nước phát triển vẫn bám trụ với chính sách nới lỏng, đầu hàng chỉ còn là vấn đề thời gian. Theo nhà quản lý tiền tệ Mark Nash của Jupiter ở London, điều này có khả năng xảy ra sau khi Thống đốc Haruhiko Kuroda mãn nhiệm vào tháng 4/2023 và sẽ thúc đẩy đà tăng của đồng yên hơn nữa.
Nash cho rằng, "Ở thời điểm nào đó trong năm sau, Nhật Bản cũng sẽ tăng lãi suất một cách chính đáng" và nhận thấy tiềm năng đồng yên tăng lên mức 120 so với USD.
Lãi suất hoán đổi 10 năm - vốn phổ biến với các quỹ quốc tế - đã tăng vượt mức trần 0.25% BOJ đặt ra cho trái phiếu tiêu chuẩn. Đây là dấu hiệu cho thấy các trader đang định giá khả năng BOJ sẽ điều chỉnh chính sách giới hạn lợi suất kỳ hạn 10 năm.
Giám đốc đầu tư trái phiếu Sonal Desai của San Mateo, có trụ sở ở California, cho biết BOJ có thể từ bỏ chính sách kiểm soát lợi suất trái phiếu trong ba đến sáu tháng tới và "đó chính là lúc đô la hoàn toàn suy yếu" và củng cố đà tăng của đồng yên.
Câu chuyện tìm kiếm sự trú ẩn an toàn
Sự kết hợp của bình thường hóa chính sách tiền tệ và một đồng yên vẫn còn rẻ có thể khiến yên Nhật nhanh chóng lấy lại vị thế trú ẩn an toàn.
Các nhà đầu tư đã nhận thấy điều này khi đồng yên giao dịch vượt trội hơn hẳn các đồng tiền chính khác vào những ngày cuối tháng 11 khi lo ngại xoay quanh chính sách Covid của Trung Quốc đã thúc đẩy nhu cầu nắm giữ các tài sản an toàn hơn.
Chiến lược gia đầu tư cấp cao Sven Schubert của Vontobel ở Zurich kỳ vọng rằng điều này sẽ còn lan rộng hơn nữa khi lo ngại suy thoái đang hiện hữu trên thị trường.
Schubert cho biết, "Đồng yên có thể hưởng lợi khi suy thoái ở Mỹ làm gia tăng nhu cầu trú ẩn an toàn". Vontobel cho rằng dù đồng franc Thụy Sĩ cũng là một tài sản trú ẩn tốt nhưng "xuất phát điểm của yên Nhật là vượt trội hơn cả" sau đà suy yếu sâu trong năm nay.
Bloomberg