Triển vọng nào cho kinh tế Mỹ sau cuộc bầu cử 2020?
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Mặc dù Joe Biden đã tuyên bố giành chiến thắng, kết quả cuộc đua tại Thượng viện mới là biến số quan trọng nhất quyết định triển vọng phục hồi của kinh tế Mỹ năm 2021
Triển vọng tăng trưởng 2021 sau chiến thắng của Joe Biden
Với việc Joe Biden tuyên bố chiến thắng cuộc bầu cử năm nay, chúng tôi đã xem xét tới các kịch bản của gói kích thích kinh tế mới và tốc độ phục hồi của kinh tế Mỹ trong năm 2021. Dự báo của chúng tôi trước đó là giá trị GDP của Mỹ vào quý 4/2021 sẽ tăng 3.5% so với cùng kỳ năm 2020 (tính trung bình cả năm vào khoảng 3.2%). Tuy vậy, khả năng có xác suất xảy ra cao nhất lúc này đó là ông Biden thắng cử Tổng thống, Quốc hội tiếp tục chia rẽ và gói kích thích tài khóa gặp bế tắc. Điều này đồng nghĩa quy mô của các gói kích thích kinh tế sẽ trở nên khiêm tốn hơn (khoảng 500-750 tỷ USD) so với dự kiến trước đó là khoảng 1 nghìn tỷ USD. Do đó, tăng trưởng được dự báo sẽ giảm từ mức 3,5% xuống còn 3.0% vào năm 2021 tới.
Tuy vậy, kịch bản trên cũng được bù đắp bởi một số những tác động tích cực như việc giảm khả năng tăng thuế trở lại trong ngắn hạn và sự ổn định dưới bàn tay chỉ đạo của một chính trị gia gạo cội.
Cuộc đua tại Thượng viện sẽ phụ thuộc vào kết quả tại Georgia
Quyền kiểm soát Thượng viện trong 6 năm tới có thể sẽ chưa thể được quyết định ít nhất cho tới ngày 05/01 khi cuộc đua cho 2 ghế Thượng viện tại Georgia vẫn đang giằng co giữa 2 đảng. Kết quả bầu cử tại đây sẽ có ý nghĩa lớn tới số phận của gói kích thích tài khóa mới và triển vọng tăng trưởng GDP trong năm 2021. Nếu như giành cả 2 ghế tại Georgia đồng thời Biden ngồi vào ghế Tổng thống, đảng Dân chủ sẽ giành được quyền kiểm soát Thượng viện với ít nhất là 50 ghế và chủ tịch sẽ là bà Harris. Hiện tại, đảng Cộng hòa hiện vẫn đang giành lợi thế lớn tại Alaska và North Carolina.
Chiến thắng áp đảo của đảng Dân chủ tại Quốc hội và Nhà Trắng sẽ đồng nghĩa với một gói kích thích kinh tế lên tới 2 nghìn tỷ USD và thúc đẩy tăng trưởng năm 2021 lên tới trên 5%.
Khác biệt nào giữa chính sách của Trump và Biden
Từ chủ trương đánh thuế với các doanh nghiệp cho tới quan điểm can thiệp tới chính sách của Fed, quan điểm điều hành của Joe Biden có xu hướng hoàn toàn đối lập so với ông Trump. Dẫu vậy, chủ trương kiềm tỏa với Trung Quốc hay tăng cường kiểm soát với các ông lớn công nghệ lại không có nhiều sự khác biệt. Cụ thể:
Chính sách |
Trump |
Biden |
FED |
Gây sức ép trực tiếp; Kêu gọi giảm lãi suất xuống mức âm; Can thiệp vào danh sách hội đồng thống đốc Fed. |
Trở lại với mối quan hệ độc lập với Fed.
|
Thuế doanh nghiệp |
Khấu trừ giảm thuế với các công ty mang việc làm từ Trung Quốc về lại trong nước; Khấu trừ thuế du lịch nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp giải trí nhà hàng khách sạn. |
Tăng thuế doanh nghiệp lên mức 28%; Áp thuế 10% với các doanh nghiệp chuyển hoạt động ra nước ngoài; Khấu trừ 10% thuế với các công ty tạo ra thêm việc làm trong nước. |
Thuế cá nhân
|
Giảm thuế thu nhập từ đầu tư xuống còn 15%; Không đề cập cụ thể mức độ cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu. |
Tăng thuế cá nhân trở lại mức 39.6% từ mức 37%; Quy định mức trần khấu trừ thuế đối với tầng lớp thu nhập cao. |
Tài chính
|
Không đề cập chi tiết
|
Áp thuế các giao dịch tài chính
|
Thương mại
|
Tập trung giải quyết thâm hụt thương mại; Ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ thương mại; Chính sách cứng rắn với Trung Quốc; Tăng cường thuế và đe dọa thương mại. |
Ủng hộ thương mại đa phương; Cải thiện mối quan hệ với EU; Đầu tư 400 tỷ USD vào các hàng hóa làm tại Mỹ và 300 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu; Không chủ trương cắt giảm thuế đối với Trung Quốc trong ngắn hạn. |
Cơ sở hạ tầng
|
Đề xuất về chi tiêu cơ sở vật chất vào năm 2019 bao gồm 200 tỷ USD từ quỹ liên bang nhằm khuyến khích đầu tư từ khu vực tư nhân, chính quyền địa phương với quy mô 1.5 nghìn tỷ USD đã gặp bế tắc |
Đề xuất quy mô đầu tư khoảng 2 nghìn tỷ USD cho xây cầu, đường xá, hệ thông nước, năng lượng sạch, internet... |
Quy định |
Nới lỏng các quy định đối với khu vực tài chính ngân hàng, lao động, năng lượng và môi trường, trừ đối với các công ty công nghệ |
Thắt chặt quy định về bảo vệ người lao động, ngân hàng, môi trường và mạng internet |
Giáo dục |
Không đề cập rõ chính sách;
|
Tăng cường khả năng tiếp cận tới các cấp học; Miễn một phần các khoản nợ sinh viên; Miễn học phí cao đẳng và đại học đối với các gia đình có thu nhập dưới 125K USD. |
Chăm sóc sức khỏe, chương trình xã hội |
Giảm chi phí kê đơn thuốc.
|
Mở rộng chính sách bảo hiểm sức khỏe và chăm sóc trong dài hạn; Tăng cường phúc lợi xã hội; Giảm chi phí kê đơn thuốc. |
Chính sách đối với Trung Quốc
Một vấn đề tương đối nhạy cảm đối với các vị Tổng thống Mỹ đó là mối quan hệ đối với Trung Quốc. Chính sách của Mỹ đã có sự thay đổi căn bản giữa nhiệm kỳ của Obama và Donald Trump khi dịch chuyển từ chủ trương hợp tác sang ngăn chặn, kiềm tỏa. Nếu như ông Obama chủ trương hợp tác với những chính sách chuẩn mực dễ nắm bắt, thì nước Mỹ dưới thời ông Trump đã chuyển sang chính sách ngăn chặn Trung Quốc bằng một loạt các biện pháp đa dạng và khó lường. Nếu như Biden lên nắm quyền Nhà Trắng, các chính sách đối với Trung Quốc dự kiến có thể sẽ ôn hòa hơn so với Trump, tuy nhiên vẫn sẽ quán triệt chủ trương xuyên suốt của nước Mỹ lúc này đó là ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Tác động đối với khu vực Châu Á
Các nước Châu Á dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ kết quả của cuộc bầu cử năm nay. Với việc ứng viên Joe Biden tuyên bố chiến thắng, các nhà kinh tế của Bloomberg kỳ vọng Chính phủ Mỹ sắp tới sẽ duy trì áp lực đối với Trung Quốc, gây tác động đối với hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của các quốc gia Asean. Tuy vậy, việc tăng thuế nhập khẩu đối với các quốc gia trong khu vực nhiều khả năng sẽ chưa diễn ra. Điều này theo chúng tôi dự kiến sẽ có lợi cho hoạt động kinh doanh và tâm lý đầu tư, qua đó hỗ trợ cho tăng trưởng.
Tác động tới Châu Âu
Về khía cạnh thương mại, việc Joe Biden đắc cử có thể giảm áp lực về thuế quan đối với các hàng hóa xuất khẩu từ Châu Âu. Hơn thế nữa, việc quá trình toàn cầu hóa phục hồi trở lại có thể đóng góp thêm 0.4% vào tốc độ tăng trưởng trong dài hạn của khu vực Eurozone và đối với Anh là 0.3%. Đối với Nga, chiến thắng của Biden và đảng Dân chủ giành được lưỡng viện sẽ là kịch bản tiêu cực và có thể gây sức ép giảm giá lên đồng Rúp.
Dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong Quý 4/2020
Chúng tôi kỳ vọng GDP của Mỹ sẽ tăng trưởng 2.5% trong Quý 4/2020, sau khi đã mở rộng 33.1% trong Quý 3. Bất chấp sự phục hồi nhanh chóng trên, tăng trưởng của năm 2020 dự báo vẫn sẽ ở mức -2.9%.
Sau sự bật tăng sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, chi tiêu người tiêu dùng sẽ vẫn sẽ gặp cản trở do hậu quả lâu dài đối với thu nhập của các hộ gia đình. Tỷ lệ tiết kiệm sẽ tiếp tục gia tăng. Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến giảm xuống dưới mức 8% trong năm nay và xuống dưới mức 6% vào cuối năm 2021.