Triển vọng thị trường nửa cuối 2022 - Khi nỗi lo suy thoái kinh tế dần phủ bóng
Thảo Nguyên
Junior Analyst
Câu chuyện về lạm phát đang dần nhường chỗ cho nỗi lo về suy thoái kinh tế
Với việc lạm phát dường như đã dần được kiểm soát, sự lo ngại của thị trường dường như đang chuyển hướng sang khả năng suy thoái của nền kinh tế. Điều này là có lý do bởi số liệu mới nhất cho thấy GDP của Mỹ đã giảm 1.6% trong Quý I so với cùng kỳ năm trước. Nếu không tính tới 2 Quý đầu năm 2020 thì đây là mức tăng trưởng thấp nhất của Mỹ kể từ đầu năm 2009.
Biểu đồ tăng trưởng GDP hằng năm của Mỹ (%)
Điều này dường như đang có phần lấn át với câu chuyện về lạm phát, dẫu cho các nỗ lực để kiểm soát nó mới chỉ đang bắt đầu. Kỳ vọng lạm phát, được tính dựa trên trái phiếu chống lạm phát, đang có xu hướng giảm mạnh. Kỳ vọng lạm phát trung bình của thị trường trong vòng 5 năm tới, vốn là thước đo được Fed theo dõi chặt chẽ nhất, hiện đã giảm xuống dưới mức đỉnh của giai đoạn trước đại dịch. Việc chỉ số này giảm dần về mục tiêu 2% của Fed cho thấy thị trường trái phiếu đang cho rằng lạm phát hiện không còn là điều quá đáng ngại.
Kỳ vọng lạm phát của thị trường trong vòng 5 năm tới đã giảm xuống dưới mức đỉnh trước đại dịch
Tuy nhiên, sự thay đổi ở trên của kỳ vọng lạm phát lại chủ yếu đến từ sự thay đổi của triển vọng tăng trưởng. Với việc suy thoái đang trở thành kịch bản cơ sở cho năm 2023, ngày càng có nhiều quan điểm tin rằng Fed có thể sẽ tăng lãi suất thêm 2% nhưng sẽ phải cắt giảm lãi suất trở lại ngay sau đó. Thị trường quyền chọn tương lai đang định giá rằng một chu kỳ nới lỏng mới có thể xuất hiện vào cuối năm 2023.
Thị trường quyền chọn tương lai đang dự báo Fed sẽ giảm lãi suất trở lại vào cuối năm 2023
Tuy nhiên, ngay cả khi thị trường tin rằng lạm phát đã được kiểm soát, các ngân hàng trung ương vẫn cẩn trọng và không tỏ ra tự mãn. Hội nghị thượng đỉnh hàng năm của Ngân hàng Trung ương Châu Âu tại Sintra ở Bồ Đào Nha đã tổ chức một buổi hội thảo với sự tham gia của Agustin Carstens, Jerome Powell, Christine Lagarde và Andrew Bailey, những người đứng đầu Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, Fed, Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Ngân hàng Anh. Tất cả đưa lạm phát lên ưu tiên hàng đầu. Powell khẳng định Fed cam kết và sẽ thành công trong việc giảm lạm phát xuống 2%, nếu không sẽ gây ra nhiều thiệt hại - đây là một quan điểm được các ngân hàng trung ương khác hoàn toàn tán thành.
Nói một cách dễ hiểu hơn: Nếu phải lựa chọn, các NHTW sẽ chấp nhận hy sinh suy thoái kinh tế nhằm kiềm chế lạm phát thay vì việc để tình trạng lạm phát dai dẳng dẫn tới khủng hoảng. Đây là thông điệp mà thị trường đang đón nhận. Hiện tại, áp lực lạm phát rõ ràng chưa được phản ánh hoàn toàn. Ở cấp độ kinh tế vĩ mô, rủi ro lớn nhất trong nửa cuối năm nay là lạm phát sẽ tiếp tục duy trì dai dẳng. Điều này có thể sẽ dập tắt niềm tin vào một chu kỳ nới lỏng tiền tệ tiếp theo vào năm 2023.
Bloomberg