Trung Quốc đang chuẩn bị kĩ càng để thắng trong cuộc chiến tranh lạnh 2.0
Dịch bệnh Covid-19 đã càng làm nóng hơn sự căng thẳng dai dẳng trong mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Hai siêu cường quốc này đang bước vào một cuộc chiến mới - Chiến tranh lạnh 2.0.
Chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên bang Xô-viết là một cuộc chiến ròng rã 45 năm cả về tư tưởng lẫn kinh tế và công nghệ, nó đã đưa thế giới đến bờ vực của thảm họa hạt nhân, chạm tới hầu hết mọi quốc gia trên địa cầu và kéo dài đến cả mặt trăng.
Cuộc chiến tranh lạnh đang nổ ra giữa Mỹ và Trung Quốc là một kiểu cạnh tranh rất khác và trong một thời đại cũng rất khác, nhưng không hề kém phần nguy hiểm và có thể đem lại hậu quả khôn lường. Đối với Mỹ, Trung Quốc sẽ là một kẻ thù đáng gờm hơn nhiều, nhất là khi xét tới quy mô dân số và tham vọng công nghệ.
Cuộc đụng độ này chắc chắn sẽ phức tạp và đa chiều hơn. Trong khi tách biệt hoàn toàn với Liên Xô trong chiến tranh thời kỳ trước, Mỹ lại liên quan mật thiết với Trung Quốc về cả kinh tế, công nghệ và văn hóa. Trung Quốc là đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của Hoa Kỳ trong năm 2018. TikTok, mạng chia sẻ video thuộc sở hữu của một công ty Trung Quốc tên ByteDance, hiện là ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên thế giới không tính tới các trò chơi điện tử trên điện thoại. Thêm vào đó, một số lượng rất lớn, cụ thể là tới 369,548 sinh viên Trung Quốc đã nhập học vào các chương trình giáo dục sau phổ thông tại Mỹ. Con gái Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã tốt nghiệp đại học Harvard năm 2014.
Cạnh tranh siêu cường giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đã xuất hiện một khía cạnh mới mẻ, khác biệt và có lẽ sẽ mang yếu tố quyết định, đó là công nghệ thông tin. Nếu chiến tranh lạnh 1.0 xoay quanh chạy đua quân sự và mối đe dọa hủy diệt hạt nhân, thì chiến tranh lạnh 2.0 sẽ thiên về phần mềm dân dụng và cải tiến công nghệ.
Internet đang nổi lên như một công nghệ để kiểm soát, chứ không chỉ đơn thuần là giao tiếp và kết nối. Bất cứ ai điều khiển mạng internet vạn vật, kết nối hàng tỷ thiết bị, sẽ nắm trong tay lợi thế địa chiến lược. Và Trung Quốc đang củng cố vị thế của mình: liên quan đến việc sử dụng thiết bị Huawei trong mạng 5G tại một số nước phương Tây là mở màn cho nhiều hành động sắp tới.
Thật dễ để tin rằng cuộc nói chuyện hiếu chiến giữa Mỹ và Trung Quốc xuất phát từ yếu tố chính trị cá nhân của hai nhà lãnh đạo quốc gia không điển hình là Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Tập, và rằng nó sẽ không kéo dài lâu. Tuy vậy Orville Schell, một trong những học giả người Mỹ hàng đầu nghiên cứu về Trung Quốc, lại có quan điểm rõ ràng hơn. Ông lập luận rằng chính sách cũ của Mỹ đối với Trung Quốc đã chết, sau khi tồn tại gần 50 năm và qua tám chính quyền tổng thống của đảng Cộng hòa và Dân chủ. Điều tốt nhất mà chúng ta có thể hi vọng, ông viết, là Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ duy trì trạng thái ôn hòa trong một cuộc chiến tranh lạnh mới, thay vì đưa nó lên tới đỉnh điểm.
Theo quan điểm của ông Schell, chiến lược tiếp cận của Mỹ dựa trên hai giả định, mà cả hai giả định này đều cho kết quả sai khi nhìn lại dòng thời gian. Đầu tiên, Washington đã bị thuyết phục rằng sự thịnh vượng gia tăng và hội nhập sâu sắc hơn với thế giới sẽ dẫn đến quá trình dân chủ hóa Trung Quốc. Sau đó, họ cũng tin rằng internet phát triển tăng tốc hơn sẽ thúc đẩy sự tự do trong xã hội. Vào năm 2000, Bill Clinton, khi đó là tổng thống, đã nhận định rằng việc Trung Quốc cố gắng can thiệp vào mạng internet sẽ giống như cố gắng “ném thạch vào một bức tường vững chắc”.
Cục diện toàn cầu giờ đây đã khác, Trung Quốc nổi lên như nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Và “Bức tường lửa vĩ đại” của Trung Quốc đã chặn đứng cả mạng internet toàn cầu, đồng thời cho phép Bắc Kinh “đùa giỡn” với các không gian mạng của quốc gia khác. Tuần trước, Twitter đã loại bỏ 23.750 tài khoản mà họ khẳng định rằng là một phần của chiến dịch tuyên truyền sai sự thật do Trung Quốc giật dây. “Chúng tôi đang trong một cuộc cạnh tranh phi vũ trang nhưng tiềm ẩn đầy rẫy những nguy hiểm”, ông Stanley McChrystal, cựu tướng quân Mỹ, đã cảnh báo vào tuần trước.
Robert Atkinson, chủ tịch Quỹ Sáng tạo và Công nghệ thông tin, trụ sở tại Washington, lập luận rằng Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ trong một số ngành công nghiệp tiên tiến và đang đầu tư mạnh mẽ để đạt được uy quyền công nghệ. “Trung Quốc đang trở nên quyền lực hơn về mặt công nghệ và có thể dễ dàng vượt mặt Hoa Kỳ nếu chúng ta không hành động kịp thời”, ông nói.
Để đáp trả, ông Atkinson cho rằng Mỹ cần khẩn trương xây dựng chiến lược công nghiệp quốc gia. Niềm tin rằng thị trường tự do, bản quyền sở hữu trí tuệ và tinh thần kinh doanh sẽ đủ để đảm bảo thành công là “ngây thơ và thiếu căn cứ”.
Tại cao trào của cuộc chiến tranh lạnh năm 1963, chính phủ liên bang Hoa Kỳ đã chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển nhiều hơn so với cả khu vực công và tư của phần còn lại thế giới cộng lại, ông Atkinson nói. Ngày nay, tỷ lệ tổng sản phẩm quốc nội Mỹ dành cho R&D đã ít hơn so với năm 1955.
Điều trớ trêu là các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đã học được từ lịch sử Hoa Kỳ và chiến thắng của nó trong cuộc chiến tranh lạnh đầu tiên nhiều hơn cả tầng lớp chính trị gia Hoa Kỳ. Đổi mới công nghệ là một vấn đề an ninh quốc gia.