Trung Quốc: “liều thuốc an thần” hay “đòn bẩy hủy diệt”?
Huyền Trần
Junior Analyst
Nhà đầu tư đang lạc quan quá mức về khả năng Trung Quốc sẽ tung ra các gói kích thích lớn, trong khi thực tế cho thấy đất nước này cần các biện pháp cải cách thận trọng để giải quyết “bài toán” kinh tế.
Chỉ vài tháng trước, nhiều người còn cho rằng Trung Quốc là một thị trường "không đáng đầu tư", và sự phấn khích gần đây của các nhà đầu tư đối với tín hiệu thay đổi trong chính sách của chính quyền có thể là một sự phản ứng thái quá.
Điều này đã bỏ qua những thách thức phức tạp của Trung Quốc, bao gồm mất cân bằng nội bộ, kênh phân bổ tài nguyên kém hiệu quả và rủi ro căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Một số nhà đầu tư cho rằng thị trường nên "mua tất cả các cổ phiếu Trung Quốc" sau khi có dấu hiệu rằng Bắc Kinh có thể áp dụng các biện pháp kích thích lớn. Giá trị cổ phiếu Trung Quốc đã tăng gần 40% chỉ trong 10 phiên giao dịch, dòng vốn nước ngoài nhanh chóng đổ vào, đảo ngược xu hướng rút vốn kéo dài hơn một năm..
Xét về lịch sử, sự thay đổi đột ngột từ thận trọng sang lạc quan này là có cơ sở. Nếu Trung Quốc thực sự quyết tâm, họ có khả năng triển khai các gói kích thích tài khóa mạnh mẽ, tương tự như thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu, điều này có thể tác động tích cực đáng kể đến nền kinh tế. Thêm vào đó, việc các danh mục đầu tư quốc tế không phân bổ nhiều vào cổ phiếu Trung Quốc càng làm gia tăng ảnh hưởng của các động thái này.
Mặc dù nghe có vẻ hấp dẫn nhưng cách tiếp cận này lại không phù hợp so với thực tế của Trung Quốc. Quốc gia này đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản và nợ công của chính quyền địa phương. Trung Quốc cần một quá trình giảm nợ và cải cách cẩn trọng, có kế hoạch. Nếu triển khai một gói kích thích quá lớn ngay bây giờ, nguy cơ là tình trạng vay nợ quá mức sẽ gia tăng và nguồn lực kinh tế sẽ tiếp tục bị phân bổ không hiệu quả.
Vì vậy, không có gì bất ngờ khi chính phủ Trung Quốc chọn biện pháp kích thích mang tính thắt chặt hơn, dù điều này khiến thị trường thất vọng. Thay vì một gói kích thích khổng lồ để thúc đẩy niềm tin tiêu dùng và kích hoạt đà phục hồi kinh tế, chính sách hiện tại chủ yếu nhằm ngăn chặn suy thoái sâu, giống như một "biện pháp bảo hiểm" hơn là một giải pháp mạnh mẽ. Quyết định này hợp lý khi xem xét bối cảnh căng thẳng kéo dài với Mỹ và khả năng tình hình còn tồi tệ hơn.
Tuy nhiên, thị trường vẫn hy vọng vào một biện pháp kích thích lớn hơn. Điều này bỏ qua hai thực tế quan trọng: Thứ nhất, Trung Quốc không thể giải quyết các vấn đề cụ thể trong nền kinh tế bằng các công cụ kích thích quy mô lớn. Thứ hai, những biện pháp cụ thể để xử lý các vấn đề này cần thời gian để được thực thi và phát huy hiệu quả.
Nếu không nắm rõ được điều này, các nhà đầu tư có thể sẽ thất vọng hoặc vì "gói kích thích lớn" mà họ mong chờ không xuất hiện, nhưng nếu có, gói kích thích sẽ làm trầm trọng hơn các vấn đề về cơ cấu và tài chính, yếu tố khiến Trung Quốc bị coi là “không đáng đầu tư” trong quá khứ.
Bloomberg