Tỷ lệ tiết kiệm tăng vọt đặt các ngân hàng trung ương vào thế khó
Các hộ gia đình trên khắp thế giới có lý do để tiết kiệm kể từ khi đại dịch COVID-19 tấn công nền kinh tế toàn cầu, nhưng túi tiền của họ lại đang đặt ra một vấn đề nan giải cho các nhà hoạch định chính sách trong việc cố gắng đo lường lượng kích thích cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng quay trở lại.
Không rõ liệu lượng tiền này là đại diện cho nhu cầu bị kìm nén của người tiêu dùng đang nóng lòng để được tung ra khi các lệnh phong tỏa được gỡ bỏ (tiết kiệm không tự nguyện), hay một khoản để dành an toàn được các hộ gia đình “cất” sang một bên nhằm dự phòng cho những lúc “trái gió trở trời” trong tương lai sắp tới, còn được gọi là tiết kiệm phòng ngừa.
Nếu người tiêu dùng vội vã quay trở lại các cửa hàng mua sắm (tiết kiệm do kìm nén), việc kích thích thêm của chính phủ có nguy cơ tạo ra quá nhiều chi tiêu và lạm phát; nhưng mặt khác, nếu họ tiếp tục tích trữ thu nhập của mình (tiết kiệm phòng ngừa), kích thích quá nhẹ tay có thể sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn của chi tiêu giảm sút, phục hồi kinh tế chậm và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn.
Hai xu hướng này không tự loại trừ lẫn nhau, và khả năng cao kết quả sẽ là sự pha trộn giữa cả hai. Nhưng câu hỏi hóc búa về việc xu hướng nào sẽ mạnh hơn đang khiến một số tay “máu mặt” trong số các ngân hàng trung ương trên thế giới có hướng tiếp cận rất khác nhau trong vấn đề này.
Christine Lagarde, chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, gần đây đã chỉ ra sự gia tăng trong tiền gửi ngân hàng đến từ hộ gia đình là lý do để thận trọng về tốc độ phục hồi nền kinh tế, mà bà dự báo sẽ là “tuần tự và hạn chế” (tiết kiệm phòng ngừa). Tuy nhiên Andy Haldane, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng trung ương Anh BoE, cho biết hồi tuần trước rằng tiết kiệm không tự nguyện gây ra bởi các lệnh phong tỏa (tiết kiệm do kìm nén) có quy mô đủ lớn để bất kỳ sự gia tăng tiết kiệm tự nguyện nào nhằm mục đích phòng ngừa đều trở nên bé nhỏ.
Song hành với sự gia tăng mạnh của tỷ lệ tiết kiệm, tiền gửi ngân hàng đã tăng trưởng với tốc độ kỷ lục.
Sự gia tăng mạnh mẽ tiền gửi ngân hàng hộ gia đình trong khu vực đồng Euro cho thấy tiết kiệm đã tiếp tục tăng suốt phần lớn của quý hai. Trong vòng ba tháng tính đến tháng Năm, các hộ gia đình tại Eurozone đã tăng lượng tiền gửi ngân hàng thêm trung bình 71 tỷ Euro mỗi tháng - nhiều hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Tim Congdon, một nhà kinh tế học theo dõi và nghiên cứu các số liệu cung tiền, cho biết sự tăng trưởng tiền gửi ở Mỹ và trên toàn thế giới là “chưa từng có trong lịch sử thời bình hiện đại”. Ông cảnh báo rằng đến một lúc nào đó, những biến động như vậy sẽ dẫn đến việc lạm phát tăng vọt.
Những dữ liệu mới đây nhất đã cung cấp một số bằng chứng chứng thực cho những người tin rằng người tiêu dùng sẽ đổ xô quay trở lại khi nền kinh tế tái mở cửa – đã có dấu hiệu của sự phục hồi trong chi tiêu của ngành bán lẻ ở nhiều quốc gia phát triển.
Mức chi tiêu của khách hàng Pháp đối với hàng hóa tăng 36.6% trong tháng 5, trong khi chi tiêu bán lẻ của Đức tăng kỷ lục 13.6%, vượt cả mức trước khi đại dịch ập đến.
Katharina Utermöhl, chuyên gia kinh tế tại Allianz, cho biết doanh số bán lẻ nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong tháng 6 và tháng 7 vì những lợi ích của việc dỡ bỏ phong tỏa đã được thấy rõ và do mức giảm tạm thời thuế giá trị gia tăng ở Đức đang nhiều người tiêu dùng hơn.
Tại Hàn Quốc, Miguel Chanco, chuyên gia kinh tế cao cấp châu Á tại Pantheon Macroeconomics, cho biết: “Tăng trưởng doanh số kể từ tháng 4 đã đủ mạnh để đưa mức tổng thể trở lại xu hướng dài hạn.”
Nhưng không phải quốc gia nào cũng có thể mong đợi được hưởng sự phục hồi trong chi tiêu của người tiêu dùng. Mặc dù cho đến nay, tình trạng thất nghiệp trên diện rộng đã được ngăn chặn do nhiều chương trình hỗ trợ, vô số việc làm được cho là sẽ biến mất khỏi các nên kinh tế như Mỹ, Tây Ban Nha và Ý. Các hộ gia đình tại những quốc gia này nhiều khả năng sẽ phải bấu víu vào khoản tiền tiết kiệm của họ để sinh sống, theo một số nhà kinh tế học.
“Bởi triển vọng kinh tế đang xám xịt hơn tại một số quốc gia, như Tây Ban Nha và Ý, vì thế nên tiết kiệm phòng ngừa sẽ ở mức cao hơn tại các quốc gia này”, bà Utermohl chia sẻ. Allianz đã dự báo rằng tình trạng vỡ nợ tại Đức sẽ tăng tới 12% cho đến cuối năm sau, trong khi mức tăng sẽ là 41% tại Tây Ban Nha và 27% đối với Ý.
Adam Slater, chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Oxford econom, nói rằng trên khắp các nền kinh tế tiên tiến, còn quá sớm để ăn mừng như thể tình hình chi tiêu sẽ phục hồi theo hình chữ V chỉ vì có một vài dấu hiệu mạnh mẽ ban đầu của người tiêu dùng.
“Thất nghiệp và tiết kiệm phòng ngừa của các công ty và hộ gia đình sẽ kìm hãm chi tiêu”, ông nói, điều này cũng sẽ làm tăng thêm mối đe dọa về vỡ nợ doanh nghiệp. Cuối cùng ông nhấn mạnh thêm: “Giảm phát vẫn là rủi ro còn lớn hơn nhiều so với lạm phát.”
Sự hiệu quả của hệ thống y tế cộng đồng mỗi quốc gia trong việc ứng phó với sự lây lan của virus cũng là một yếu tố khác gây ảnh hưởng đến quỹ đạo kinh tế của họ. Động thái của một số tiểu bang Hoa Kỳ quay trở lại phong tỏa cho thấy mối đe dọa COVID-19 đối với vấn đề tiêu dùng nhiều khả năng sẽ còn tồn tại trong một thời gian nữa.
Các quốc gia xử lý tốt cuộc khủng hoảng về sức khỏe sẽ có được sự phục hồi lớn hơn trong niềm tin của người tiêu dùng và sẽ nhanh chóng mở cửa trở lại hơn, theo các nhà kinh tế - và đó là điều mang lại cho họ cơ hội tốt nhất để tận hưởng sự phục hồi theo “mô hình chữ V” mạnh mẽ.