Vì sao "nhảy việc" lại tốt cho nền kinh tế?
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Mọi người thường có xu hướng sẵn lòng thay đổi công việc hơn khi có rất nhiều cơ hội khác trên thị trường và bám trụ vào công việc hiện tại nếu tỷ lệ thất nghiệp tăng cao
Một làn sóng từ bỏ công việc cũ đang trở nên ngày một phổ biến tại nước Mỹ dưới cái tên "the Big Quit". Số lượng người Mỹ bỏ việc đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2000 đến nay. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới điều này, từ sự kiệt sức khi phải trải qua đại dịch Covid-19 cho tới việc đánh giá lại những điều mọi người thực sự muốn có từ công việc của mình. Đây không chỉ là một hiện tượng xã hội học mà còn có thể xem như một chỉ báo đối với sức khỏe của nền kinh tế.
Tỷ lệ người lao động bỏ việc thường có xu hướng đồng thuận với sức khỏe của thị trường lao động. Mọi người thường hay thay đổi công việc tốt hơn khi có rất nhiều cơ hội khác trên thị trường và bám trụ vào công việc hiện tại nếu tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Ví dụ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra, tỷ lệ bỏ việc hàng tháng của người lao động Mỹ đã giảm từ mức khoảng 2.2% vào năm 2007 xuống còn 1.2% vào năm 2009. Cùng giai đoạn này, tại Anh, số lượng người bỏ việc cũng giảm xuống một nửa.
Tỷ lệ người lao động bỏ việc tại Mỹ mỗi tháng
Tuy vậy, sau khi giai đoạn suy thoái kết thúc, mức độ sẵn lòng bỏ việc của người dân đã phải mất một khoảng thời gian dài để hồi phục. Tại cả Mỹ và Anh, phải tới năm 2016 thì tỷ lệ bỏ việc mới quay trở lại mức trước khủng hoảng. Tỷ lệ này ở Anh sau đó chững lại bất chấp sự bùng nổ của thị trường lao động và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1970.
Xu hướng bỏ việc trên không những được xem là một chỉ báo đối với sức khỏe của nền kinh tế mà một số nhà kinh tế cho rằng nó thậm chí còn là một động lực cho sự phục hồi kinh tế. Những người tình nguyện bỏ việc để tìm công việc mới thường để tiếp tục thăng tiến trong sự nghiệp. Dữ liệu tại Anh cho thấy tăng trưởng tiền lương trung bình của những người thay đổi công việc là 7.3% trong năm 2018 so với mức 3% của những người ở lại vị trí cũ. Một nghiên cứu tại Australia vào năm 2019 cũng cho thấy thị trường lao động ở các địa phương có tỷ lệ thay đổi công việc cao thường có mức tăng trưởng tiền lương cao hơn.
Ngoài ra, nó cũng tác động tới năng suất lao động. OECD đã nhận thấy rằng tần suất phân bổ lại lao động có mối tương quan thuận với tăng trưởng năng suất lao động. Andy Haldane, kinh tế trưởng tại NHTW Anh, trong một bài phát biểu năm 2019 đã cho rằng việc người lao động Anh lưỡng lự thay đổi công việc sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu phần nào có thể giải thích cho sự mất mát về năng suất lao động và tiền lương của nền kinh tế trong 1 thập kỷ.
Câu chuyện trong cuộc khủng hoảng lần này cũng không có quá nhiều khác biệt. Tỷ lệ bỏ việc tại Mỹ đã giảm từ 2.3% xuống còn 1.6% trong đại dịch và sau đó đã bật tăng nhanh chóng trở lại mức 2.7%. Tỷ lệ này cao nhất trong nhóm các ngành trả lương thấp như bán lẻ, thực phẩm và nghỉ dưỡng. Tăng trưởng tiền lương trung bình của nhóm nhảy việc ở mức 4.1% so với mức 3.1% của những người giữ công việc cũ. Có vẻ như mọi người đang tận dụng tình hình tăng vọt của nhu cầu lao động để cải thiện thu nhập và điều kiện làm việc. Về vấn đề năng suất, vẫn là quá sớm để có thể kết luận về tác động.
The Financial Times