Vương quốc Anh quay lưng với Trung Quốc: tự tạo thế khó cho mình
Nguyễn Phan Bảo Giang
FX G7 Director
Vào năm 2015, Thủ tướng David Cameron đã đưa Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc -Tập Cận Bình đi uống bia trong một quán rượu bình dân để đánh dấu "Kỷ nguyên Vàng" mới trong mối quan hệ giữa hai nước.
Ông Cameron từng lý giải rằng Vương quốc Anh sẽ nhận được những khoản đầu tư từ Trung Quốc, đổi lại Trung Quốc sẽ được thâm nhập vào thị trường của một trong những thành viên chủ chốt của Liên minh châu Âu.
Thực tế thì câu chuyện đó đã không thực sự diễn ra.
Lý do không chỉ dừng lại ở việc Anh đã rời khỏi EU. Trong nội bộ Đảng Bảo thủ cầm quyền, thái độ thù địch đối với Trung Quốc đang gia tăng. Những lo ngại về quyền con người, cách Trung Quốc đối xử với Hồng Kông và mối quan hệ giữa Bắc Kinh với Tập đoàn Huawei đã bị thổi phồng bởi đại dịch COVID-19. Cuộc khủng hoảng đã nhấn mạnh đến những rủi ro trong việc đối phó với một quốc gia có "văn hoá giữ bí mật" và việc phụ thuộc quá nhiều vào một mối quan hệ thương mại.
Thay vì chào đón những khoản đầu tư đến từ Trung Quốc, chính phủ Anh hiện đang xem xét việc bảo vệ các công ty quan trọng khỏi sự thâu tóm từ quốc gia này. Một đất nước từng chào đón công nghệ Trung Quốc - cho phép Huawei cung cấp thiết bị cho hạ tầng 5G của mình vào đầu năm - hiện đang tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế.
"Trên phương diện một quốc gia, chúng tôi đã bàng quan với mối đe dọa từ Trung Quốc quá lâu", ông Bob Seely, một nghị sĩ Đảng bảo thủ, người nằm trong Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. "Chúng ta dần nhận ra rằng cường quốc đang nổi lên này không phải là quốc gia mà chúng ta từng mong đợi"
Không cân sức
Đây là cuộc đụng độ mà hai bên không hề cân sức. Nước Anh có thể đã từng cai trị một đế chế bao gồm cả Hồng Kông, nhưng ngày nay nó lại là một câu chuyện khác. Virus Corona đã tàn phá nền kinh tế Anh và quốc gia này vẫn chưa đồng thuận để thiết lập quan hệ thương mại mới với EU để thay thế mối quan hệ sẽ sớm kết thúc vào ngày 31 tháng 12 tới. Trong khi đó, Trung Quốc lấn át trên cả quy mô diện tích và sức mạnh địa chính trị to lớn đến mức, giống như Canada từng chỉ ra, đủ sức triển khai những cách thức đối đầu khủng khiếp dành cho lãnh đạo quốc gia nào dám “vỗ mặt” đất nước tỷ dân.
Ruan Zongze, từng là nhà ngoại giao Trung Quốc tại London, và hiện là Phó chủ tịch Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, nói một cách ngắn gọn rằng: "Vương quốc Anh cần vượt qua nỗi ám ảnh với quá khứ thực dân của mình và không để nó cản trở mối quan hệ với Trung Quốc. "
Việc Trung Quốc sẵn sàng làm điều đó có những hậu quả nhất định. Lấy ví dụ về Huawei, tập đoàn này khẳng định họ không bị chi phối bởi chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên các quyết định ủng hộ hành động của chính phủ Trung Quốc tại Hồng Kông của HSBC và Standard Chartered đã đặt ra câu hỏi về mức độ độc lập của bất kỳ công ty nào hoạt động trong phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc. Những tranh cãi về việc liệu công ty TNHH Arm tập đoàn SoftBank có thật sự sa thải CEO quỹ đầu tư chi nhánh Trung Quốc của họ hay không càng khiến ta càng phải đặt dấu hỏi lớn.
Trong hai thập kỷ qua, Vương quốc Anh luôn tìm kiếm một mối quan hệ nồng ấm với Trung Quốc, ngay cả khi điều đó không thật sự thoải mái. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã được mời tham dự các chuyến thăm cấp nhà nước, bao gồm chuyến thăm của chủ tịch nước Tập Cận Bình vào năm 2015. Đằng sau đó thực tế là những căng thẳng luôc chực chờ vỡ ra, ví dụ những câu hỏi từ việc người biểu tình nhân quyền được phép đứng ở đâu trong các lễ rước hay liệu các nhà báo có được phép đặt câu hỏi tại các cuộc họp báo chung hay không, nhưng những vấn đề đó luôn bị phía Anh phớt lờ coi nhẹ.
Các sự kiện gần đây tại Hồng Kông đã buộc chính phủ Anh phải lựa chọn một phe và thực hiện điều mà các nhà ngoại giao Anh không hề mong muốn: Đưa ra những lời chỉ trích công khai. Hôm thứ ba, Bộ trưởng Ngoại giao Dominic Raab đã tweet về mối quan ngại sâu sắc của mình đối với đề nghị của Trung Quốc trong việc áp đặt luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Wang Yi, liền đáp trả rằng Trung Quốc chỉ đang cố gắng bảo vệ an ninh quốc gia của mình.
"Nước Anh phải đi đầu trong việc giải quyết vấn đề ở Hồng Kông vì không có nước nào khác có thể; chúng ta là quốc gia liên quan mật thiết nhất với Hồng Kông", thành viên Đảng Lao động Anh Chris Bryant, người cũng thuộc Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nói. Ông còn cho rằng, Thủ tướng Boris Johnson đang chịu áp lực từ lãnh đạo phe đối lập Keir Starmer khi ông này đưa ra lập luận cho vấn đề nhân quyền.
Johnson nhấn mạnh hôm thứ Tư rằng chính phủ của ông có thể có cuộc thảo luận thẳng thắn với người Trung Quốc. "Tôi là người theo chủ nghĩa thân Trung Quốc và tôi tin rằng chúng ta phải tiếp tục hợp tác với cường quốc đang trỗi dậy này", ông phát biểu tại Nghị viện. "Tuy nhiên, khi chúng ta quan ngại về nguồn gốc của Covid hay cơ sở hạ tầng quốc gia trọng yếu của chúng ta hoặc những gì xảy ra ở Hồng Kông, chúng ta phải thoải mái nêu ra những vấn đề đó. Đó cũng là những gì chúng tôi dự định làm.”
Với việc chính quyền Donald Trump công khai và chủ động gây hấn với Trung Quốc, trái ngược với cách tiếp cận của mình, Vương quốc Anh đang bị kẹt giữa hai siêu cường thế giới. Tình thế này đặc biệt khó xử đối với một quốc gia từng là một cường quốc có thể gây áp lực lớn đến Trung Quốc trong quan hệ quốc tế.
Hậu quả là nước Anh đang phải tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Sau cuộc khủng hoảng thiếu thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế và các loại hàng hóa khác vào đầu năm, chính phủ Anh cho biết họ đang cố gắng xây dựng một chuỗi cung ứng vững chắc hơn. Cụ thể hơn, họ đã đàm phán với một nhà cung cấp công nghệ thay thế cho Huawei.
Vào thứ Ba, Bộ trưởng Bộ Chiến lược Kinh doanh Alok Sharma cho biết Dự luật Đầu tư và An ninh Quốc gia sắp tới sẽ xem xét cải thiện luật đầu tư nước ngoài tại Anh để bảo vệ những "tài sản quan trọng" của quốc gia.