Xuất khẩu của Trung Quốc tăng chậm hơn dự báo
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Xuất khẩu của Trung Quốc tăng chậm lại tháng 7, làm tăng lo ngại đà phục hồi kinh tế thế giới sẽ gặp áp lực mới nửa cuối năm.
Trong tháng 7, xuất khẩu bằng đồng USD của Trung Quốc tăng 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu tăng 28,1%, theo cơ quan hải quan nước này. Trong khi các chuyên gia kinh tế trước đó dự tính xuất khẩu sẽ tăng 20%, còn nhập khẩu tăng 33,3%.
Xuất khẩu của Trung Quốc phục hồi trong nửa đầu năm trong bối cảnh thế giới nới lỏng dần các biện pháp phong toả. Tuy nhiên, những tháng gần đây, rủi ro thương mại đã gia tăng khi biến thể Delta lan rộng khắp châu Á, đe dọa phá vỡ chuỗi cung ứng trên toàn khu vực.
Tại Trung Quốc, điều kiện thời tiết khắc nghiệt và đợt bùng phát dịch mới đã làm gián đoạn sản xuất và vận chuyển hàng hoá ở các địa phương. Đồng thời, chi phí vận chuyển cao kỷ lục cũng bóp nghẹt lợi nhuận của các nhà xuất khẩu. Việc tăng giá hàng hoá cũng buộc giới chức phải tạm ngưng xuất khẩu một số mặt hàng và cân nhắc áp thêm thuế để đảm bảo nguồn cung nội địa.
Theo cuộc khảo sát mới nhất của các nhà quản lý mua hàng, sự sụt giảm đơn đặt hàng xuất khẩu của các nhà sản xuất trong tháng 7 đã là tháng thứ ba liên tiếp. Giới chức cũng đã cảnh báo về sự suy giảm tăng trưởng thương mại trong nửa cuối năm, có thể cao hơn cùng kỳ năm ngoái.
Zhang Zhiwei, kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management cho biết: "Các chỉ số hàng đầu cho thấy xuất khẩu có thể suy yếu trong những tháng tới. Xuất khẩu và sự bùng phát của dịch bệnh là những yêu tố chính gây bất ổn ở Trung Quốc trong vài tháng tới".
ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc vào tháng 7, tiếp sau là Liên minh châu Âu và Mỹ. Trong đó, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tăng 13,4% so với năm trước, trong khi nhập khẩu từ Mỹ tăng 25,6%. Điều này giúp Trung Quốc thặng dư thương mại 35,4 tỷ USD với Mỹ trong tháng 7.
Nhập khẩu của Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi sự phục hồi liên tục của nhu cầu trong nước và giá hàng hóa cao. Nhập khẩu các mặt hàng gồm quặng sắt, dầu thô và thép tăng về giá trị trong 7 tháng đầu năm, nhưng giảm về lượng so với cùng kỳ năm 2020. Việc Trung Quốc mua 25 máy bay trong tháng 7 cũng giúp hỗ trợ tăng trưởng nhập khẩu.
Trước những rủi ro tăng trưởng gia tăng, các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đã phát đi tín hiệu hỗ trợ có mục tiêu hơn cho nền kinh tế. Các nhà kinh tế cho biết Bắc Kinh có thể sẽ thực hiện nhiều biện pháp hơn để giúp các doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn, thúc đẩy chi tiêu năm tài khóa và có thể giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng một lần nữa sau cuộc họp của Bộ Chính trị.
Link gốc tại đây.
VnExpress tổng hợp theo Bloomberg