Action Forex: Yên Nhật trượt dốc khi lợi suất TPCP Mỹ phục hồi; chính sách thuế quan đối ứng và dữ liệu CPI Mỹ được theo dõi chặt chẽ
![Thành Duy Thành Duy](/uploads/2024/03/25/photo2024-03-2423-24-34-3b90c44f7efb470c6342e95d01a07511.jpg)
Thành Duy
Junior editor
Nhận định bởi chuyên gia Action Forex.
![](/uploads/2025/02/12/1.-a-568ae06ff696f536ddd457bc6d46baa3.png)
Bối cảnh chung
Đồng Yên đã trải qua một phiên giao dịch đầy khó khăn tại thị trường Châu Á và hiện đang tiếp tục mất giá, chịu áp lực bán mới đến từ cả việc lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ tăng trở lại lẫn những lo ngại dai dẳng về diễn biến chính sách thương mại. Giới đầu tư vẫn đang cân nhắc tác động từ quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tái áp đặt thuế quan lên thép và nhôm nhập khẩu, trong bối cảnh Canada và Liên minh Châu Âu (EU) phản đối gay gắt. Nhật Bản, cùng với Úc, đã chính thức yêu cầu được miễn trừ, nhưng khả năng thành công vẫn còn bỏ ngỏ. Hiện tại, thị trường vẫn đang ngóng chờ quyết định tiếp theo của Tổng thống Trump về "thuế quan đối ứng". Chừng nào chi tiết đầy đủ của các biện pháp này còn chưa được làm sáng tỏ, bất ổn trên thị trường tiền tệ sẽ khó có thể chấm dứt.
Ở một diễn biến khác, bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đêm qua đã củng cố thêm nhận định rằng ngân hàng trung ương này sẽ không vội vàng thay đổi lập trường chính sách. Ông khẳng định việc tạm dừng cắt giảm lãi suất hiện tại có thể sẽ còn kéo dài, đặc biệt nếu lạm phát vẫn ở mức cao. Dựa trên dữ liệu từ thị trường OIS, xác suất Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 6 hiện rơi vào khoảng 50%, cho thấy giới đầu tư vẫn còn tương đối mông lung về thời điểm mà ngân hàng trung ương này sẽ có động thái điều chỉnh chính sách tiếp theo.
Dữ liệu lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ sắp được công bố sẽ là một yếu tố quan trọng để định hình những kỳ vọng này. CPI toàn phần được dự báo sẽ duy trì ở mức 2.9%, trong khi chỉ số lõi dự kiến giảm nhẹ từ 3.2% xuống 3.1%. Song, bất kỳ bất ngờ nào theo chiều tăng đều có thể khiến kỳ vọng cắt giảm lãi suất bị đẩy lùi về nửa cuối năm.
Về thị trường tiền tệ, tại thời điểm viết bài, GBP là đồng tiền có hiệu suất tốt nhất kể từ đầu tuần, theo sau là EUR và AUD. Ở chiều ngược lại, JPY yếu nhất trong nhóm các đồng tiền chủ chốt, trong khi CHF và NZD cũng đang gặp khó khăn. USD và CAD nhìn chung thuộc nhóm giữa.
Chủ tịch Fed chi nhánh New York, John Williams bày tỏ sự hài lòng với chính sách tiền tệ hiện tại
John Williams, Chủ tịch Fed chi nhánh New York đã phát biểu đêm qua rằng chính sách tiền tệ hiện tại đang "ở một vị thế thuận lợi" để cân bằng mục tiêu kép. Ông cho biết thêm rằng chính sách "thắt chặt vừa phải" này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ quá trình đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2.0% một cách bền vững, đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định và một thị trường lao động vững mạnh.
Song, ông cũng thừa nhận mức độ bất định cao xoay quanh triển vọng kinh tế hiện tại, đặc biệt là liên quan đến các chính sách về tài khóa, thương mại, nhập cư và quản lý. Về thị trường lao động, vị quan chức nhận định rằng "sự cân bằng" đã được tái thiết lập sau giai đoạn "căng thẳng quá mức và thiếu ổn định" trong những năm trước. Williams nhấn mạnh rằng tốc độ tăng trưởng tiền lương hiện đã phù hợp với năng suất lao động, điều này sẽ giúp kiềm chế áp lực lạm phát. Ông dự báo lạm phát năm nay sẽ rơi vào khoảng 2.5% và kỳ vọng đạt mục tiêu 2.0% của Fed "trong những năm tới". Ngoài ra, Chủ tịch Fed chi nhánh New York cũng dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ duy trì ổn định trong khoảng 4.00% đến 4.25% xuyên suốt cả năm, với tăng trưởng GDP dự kiến sẽ duy trì ở mức khoảng 2.0% cho cả năm 2025 và 2026.
Quan chức ECB, Isabel Schnabel: Châu Âu cần xem xét lại mô hình tăng trưởng trong bối cảnh mới
Isabel Schnabel, thành viên Ban điều hành Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), nhấn mạnh trong một bài phát biểu rằng mặc dù việc cắt giảm lãi suất có thể giúp "xóa nhòa phần nào sự suy yếu kinh tế", nhưng chúng không phải là giải pháp căn cơ cho "cuộc khủng hoảng cơ cấu" sâu sắc hơn mà Eurozone đang phải đối mặt.
Bà chỉ ra nhiều vấn đề dai dẳng như giá năng lượng cao, sức cạnh tranh giảm sút và tình trạng thiếu hụt lao động, vốn là những yếu tố đã và đang đè nặng lên triển vọng kinh tế của khu vực. Vị quan chức cũng thừa nhận những áp lực ngày càng tăng mà nền kinh tế Châu Âu phải đối mặt, đặc biệt là trước bối cảnh Donald Trump trở lại Nhà Trắng và những chính sách thương mại của ông.
"Mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu cần được xem xét lại khi phải đối mặt với sự phân mảnh địa chính trị ngày càng gia tăng này", bà phát biểu.
Phân tích kỹ thuật USD/JPY
Sự chú ý hiện đang hướng về phản ứng tại mốc 153.70, vốn là hỗ trợ kỹ thuật đã bị xuyên thủng gần đây. Nếu có thể vượt qua được mốc 153.70 một cách dứt khoát, đó sẽ là tín hiệu xác nhận rằng nhịp điều chỉnh giảm từ đỉnh 158.86 đã kết thúc sau khi cặp tiền bật trở lại từ ngưỡng thoái lui Fibonacci 38.2% (139.57 - 158.86) tại 151.49. Sau đó, khả năng cặp tiền sẽ tiến về kiểm tra lại đỉnh cũ 158.86. Ngoài ra, do mối tương quan chặt chẽ giữa lợi suất TPCP Mỹ và USD/JPY, đà phục hồi của lợi suất có thể tiếp tục hỗ trợ cặp tiền này tiến gần hơn đến mức 158.86. Ngược lại, nếu USD/JPY bị đẩy lùi về dưới mốc 151.49, đây sẽ là tín hiệu cho thấy toàn bộ đà tăng từ 139.57 đã kết thúc và có thể mở ra nhịp điều chỉnh sâu hơn về ngưỡng thoái lui Fibonacci 61.8% tại 146.32.
Đồ thị USD/JPY khung 4H
Xét đến bức tranh lớn hơn, nhịp giảm từ đỉnh 161.94 có thể xem là một sóng điều chỉnh cho sóng tăng xuất phát từ đáy 102.58 (năm 2021). Nếu cặp tiền tiếp tục giảm, hỗ trợ mạnh được kỳ vọng sẽ hình thành tại ngưỡng thoái lui Fibonacci 38.2% (102.58 - 161.94), vào khoảng 139.26. Dù vậy, trong trường hợp mốc 139.26 bị phá vỡ một cách dứt khoát, khả năng cặp tiền sẽ tiếp tục giảm sâu hơn trong trung hạn, hướng về ngưỡng thoái lui Fibonacci 61.8% tại 125.25.
Đồ thị USD/JPY khung 1D
Action Forex