Westpac IQ – Điểm tin sáng: Chứng khoán Châu Âu thăng hoa, Châu Á kém sắc; đường cong lợi suất Mỹ dốc lên sau phát biểu của ông Powell, vàng lập kỷ lục mới

Westpac IQ – Điểm tin sáng: Chứng khoán Châu Âu thăng hoa, Châu Á kém sắc; đường cong lợi suất Mỹ dốc lên sau phát biểu của ông Powell, vàng lập kỷ lục mới

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

07:05 12/02/2025

Bản tin sáng từ Ngân hàng Westpac.

Điểm chính

  • Thị trường chứng khoán Châu Âu tiếp tục thăng hoa, thiết lập kỷ lục mới tại Anh, Đức và toàn khu vực. Ngược lại, chứng khoán Châu Á giao dịch kém sắc khi thị trường cân nhắc hậu quả của các biện pháp thuế quan trả đũa.
  • Đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ dốc lên do kỳ vọng lãi suất sẽ neo ở mức cao trong thời gian dài hơn sau những phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell, tại phiên điều trần trước Thượng viện. Lợi suất cũng tăng tại Châu Âu và Anh.
  • Đồng bạc xanh suy yếu, đảo ngược phần lớn đà tăng của phiên trước đó. Bảng Anh là đồng tiền mạnh nhất trong nhóm G10, trái ngược với Yên Nhật.
  • Giá dầu tiếp đà tăng khi nguồn cung đối mặt với nhiều thách thức. Giá kim loại cũng tăng khi thuế quan đối với đồng và nhôm chính thức được áp dụng.

Chứng khoán

Phố Wall giao dịch trầm lắng trước thềm công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Chỉ số S&P 500 gần như đi ngang, trong khi Dow Jones tăng nhẹ 0.3% và Nasdaq giảm 0.4%.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, thị trường chứng khoán Châu Âu giao dịch sôi động hơn, thiết lập hàng loạt kỷ lục mới. Euro Stoxx 50 đóng cửa tăng 0.6%, dẫn đầu bởi nhóm cổ phiếu năng lượng, đưa chỉ số lên mức cao kỷ lục 5,390.91 điểm. Bên cạnh đó, FTSE 100 của London cũng đóng cửa ở mức cao kỷ lục 8,777.30 điểm, tăng 0.1%. DAX của Đức tăng 0.6%, thiết lập kỷ lục mới tại 22,037.83 điểm.

Mặt khác, gam màu ảm đạm lại bao trùm thị trường thị trường Châu Á. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản có hiệu suất tốt nhất khi đóng cửa gần như đi ngang. Ở phần còn lại, điển hình có chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 1.1%. Đáng chú ý, NIFTY 50 của Ấn Độ giảm 1.3%, phản ánh những lo ngại về rủi ro từ các biện pháp thuế quan trả đũa của Mỹ đối với tăng trưởng kinh tế. Cả Ấn Độ, Thái Lan đều đang thặng dư thương mại với Mỹ và hiện đang áp dụng thuế quan đối với hàng hóa của nước này, chủ yếu nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa, cũng như kiểm soát giá cả hàng hóa thiết yếu. Song, thuế quan đối với hàng hóa Mỹ có thể được nới lỏng một phần để tránh việc Washington áp thuế lên các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của hai nước này.

Tại Úc, chỉ số ASX 200 đóng cửa gần như đi ngang. Phiên giao dịch hôm qua khởi đầu tích cực với kỳ vọng Úc sẽ được miễn trừ khỏi thuế quan thép và nhôm của Mỹ, nhưng đà tăng nhanh chóng bị dập tắt sau khi Tổng thống Donald Trump khẳng định sẽ "không có ngoại lệ".

Lợi suất

Lợi suất TPCP Mỹ tăng ở các kỳ hạn 2 năm và 10 năm do thị trường dự báo Fed sẽ cắt giảm lãi suất ít hơn so với dự kiến trước đó. Phát biểu của Chủ tịch Fed Powell tại phiên điều trần trước Thượng viện một lần nữa khẳng định rằng Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) sẽ không vội vàng nới lỏng chính sách tiền tệ. Lợi suất TPCP kỳ hạn 2 năm nhích nhẹ 1 bps lên 4.29%, trong khi kỳ hạn 10 năm tăng 4 bps lên 4.53%. Dựa trên dữ liệu từ thị trường OIS, kỳ vọng về Fed đã được điều chỉnh lại, với lần cắt giảm lãi suất đầu tiên trong năm khả năng sẽ rơi vào tháng 09/2025, trong khi lần thứ hai vẫn chưa rõ ràng, có thể đến tận tháng 09/2026.

Lợi suất TPCP Đức cũng có xu hướng tương tự, với kỳ hạn 2 năm tăng 6 bps lên 2.08%, trong khi kỳ hạn 10 năm tăng 7 bps lên 2.43%. Tại Anh, lợi suất TPCP kỳ hạn 2 năm tăng 4 bps lên 4.18%, trong khi kỳ hạn 10 năm tăng 5 bps lên 4.51%. Phiên giao dịch hôm qua, chính phủ Anh đã phát hành thành công lượng TPCP kỳ hạn 10 năm kỷ lục, lên đến 13 tỷ GBP. Mức lợi suất cao gần chạm mốc kỷ lục, đã thu hút nhu cầu mạnh mẽ với tổng giá trị dự thầu lên tới 142 tỷ GBP.

Tại Úc, lợi suất hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 3 năm và 10 năm đều tăng 5 bps. Thị trường OIS của Úc hiện đang phản ánh kỳ vọng Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) sẽ khởi động chu kỳ nới lỏng vào tháng 04/2025, với tổng cộng ba lần cắt giảm lãi suất trong năm 2025.

Ngoại hối

Chỉ số DXY, đo lường sức mạnh của USD so với rổ các đồng tiền chủ chốt, giảm 0.4% xuống 107.92 trong phiên hôm qua, đảo ngược đà tăng của phiên trước đó. GBP là đồng tiền vượt trội nhất trong nhóm G10, có thể xuất phát từ kỳ vọng Anh sẽ tránh được các biện pháp thuế quan (ít nhất là ở thời điểm hiện tại) và sự thành công ngoài mong đợi của đợt phát hành TPCP kỳ hạn 10 năm. EUR cũng tăng giá, đạt mức 1.0361 so với USD. Nguy cơ Mỹ phải đối mặt với các biện pháp thuế quan trả đũa đã khiến tâm lý thị trường đảo chiều.

Ngược lại, JPY là đồng tiền giảm giá mạnh nhất, xuống còn 152.47 so với USD. USD/JPY đã hai lần thử thách kháng cự 152.60 nhưng vẫn không thể vượt qua, cho thấy đây là một mốc quan trọng dưới góc độ kỹ thuật.

AUD/USD tăng trong phần lớn phiên giao dịch nhưng bị kìm hãm ở ngưỡng 0.6300. Tính đến thời điểm viết bài, AUD/USD đã có lúc vượt qua ngưỡng này trước khi quay đầu giảm. Cặp tiền đã xuyên thủng 0.6300 và giao dịch dưới ngưỡng này suốt kể từ ngày 24/01. Nhìn chung, những yếu tố bất lợi cho AUD hiện bao gồm tác động từ thuế quan áp lên Trung Quốc và dự báo Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) sẽ cắt giảm lãi suất.

Hàng hóa

Giá dầu thô tiếp tục tăng do nguồn cung vẫn bị thắt chặt sau nhiều lệnh trừng phạt bổ sung nhắm vào các ngân hàng và tàu thuyền của Nga được công bố vào ngày 10/01. Hợp đồng tương lai dầu WTI kết phiên hôm qua tăng gần 1% lên 73.13 USD/thùng. Song, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) gần đây đã điều chỉnh tăng dự báo thặng dư dầu cho năm 2026 từ 800,000 thùng/ngày lên 1 triệu thùng/ngày, dựa trên ước tính sản lượng của Mỹ và các nước ngoài OPEC sẽ mạnh hơn dự kiến, từ đó “gây áp lực giảm giá”. Iraq xác nhận đang dần khôi phục hoạt động tại mỏ dầu Rumaila, nơi bị ảnh hưởng bởi vụ cháy vào cuối tháng 1, mặc dù sản lượng vẫn giảm khoảng 300,000 thùng/ngày. Ở một diễn biến khác, giá khí đốt tại Châu Âu đạt mức cao nhất trong hai năm vào đầu tuần do thời tiết lạnh giá và nhu cầu rút khí từ kho dự trữ gia tăng.

Giá kim loại nhìn chung giảm do lo ngại về chiến tranh thương mại làm suy yếu triển vọng nhu cầu. Giá đồng vẫn chịu áp lực khi thuế quan đối với thép và nhôm chính thức có hiệu lực. Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng nguồn cung đồng trong nước thêm 5% đến 10% vào năm 2027, tăng cường đầu tư quốc tế vào ngành công nghiệp đồng nội địa, đồng thời khuyến khích các tổ chức tài chính hỗ trợ xây dựng và nâng cấp các dự án trọng điểm.

Giá vàng tiếp tục vượt đỉnh và thiết lập mức cao kỷ lục mới tại 2,942 USD/oz trước khi quay đầu giảm và đóng cửa tại 2,897 USD/oz, bất chấp những lo ngại về leo thang căng thẳng thương mại, vốn thường là yếu tố hỗ trợ giá vàng.

Điểm tin kinh tế

Úc

Chỉ số tâm lý người tiêu dùng của Viện Westpac-Melbourne gần như không đổi trong tháng 2, tăng nhẹ 0.1% từ mức 92.1 hồi tháng 1 lên 92.2. Mặc dù tâm lý chung đã được cải thiện đáng kể trong nửa cuối năm 2024, đà phục hồi này đã chững lại trong ba tháng gần đây do áp lực dai dẳng lên tài chính hộ gia đình và bối cảnh toàn cầu bất ổn. Chỉ số phụ “tài chính hộ gia đình so với một năm trước" giảm 3.4% trong tháng 2 xuống 75.1, giảm 10.6% so với mức đỉnh tháng 12 nhưng vẫn cao hơn mức đáy hồi tháng 5 năm ngoái 18.9%. Một phần nguyên nhân có thể là do tác động kéo dài từ kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch. Đây cũng có thể là dấu hiệu cho thấy tác động tích cực từ việc cắt giảm thuế và các biện pháp hỗ trợ tài khóa đang bắt đầu suy yếu. Sự sụt giảm này rõ rệt nhất ở nhóm người có thu nhập thấp, phụ nữ và nhóm tuổi 18-24. Tuy nhiên, kỳ vọng cho năm tới đã tăng lên 105.0, mức cao nhất trong ba năm, chủ yếu nhờ sự lạc quan của nhóm đang vay thế chấp nhà, những người kỳ vọng lãi suất sẽ giảm. Chỉ số "thời điểm thích hợp để mua nhà" giảm 2.3% trong tháng 2 xuống còn 87.8. Tâm lý người mua nhà đã phục hồi mạnh mẽ trong sáu tháng qua, với chỉ số tăng 23% nhờ triển vọng lãi suất đảo chiều. Dù vậy, nhìn chung, tâm lý người mua còn khá bi quan, phản ánh thách thức về khả năng chi trả vẫn còn rất lớn do giá nhà cao.

Cũng trong ngày hôm qua, khảo sát kinh doanh của NAB cho thấy chỉ số điều kiện kinh doanh giảm 3 điểm trong tháng 1 xuống còn 3.0, tương đương với mức của tháng 11/2024. Đây là mức yếu nhất kể từ làn sóng lo ngại về biến thể Omicron hồi tháng 01/2022, đồng thời thấp hơn mức trung bình lịch sử là 7.0. Nhìn vào các chỉ số thành phần, biến động hàng tháng một lần nữa được thúc đẩy bởi điều kiện giao dịch và lợi nhuận, cả hai hiện đang ở mức yếu nhất kể từ năm 2020.

Mỹ

Những phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện cho thấy FOMC sẽ không vội vàng nới lỏng chính sách tiền tệ. Ông cho rằng, với việc đã cắt giảm lãi suất quỹ liên bang tổng cộng 100 bps, chính sách tiền tệ hiện tại đã bớt thắt chặt hơn, và "việc nới lỏng quá nhanh hoặc quá mức có thể cản trở tiến trình kiểm soát lạm phát". Ông cho rằng thị trường lao động "nhìn chung đang cân bằng" và do đó, "đây không phải là nguồn gây áp lực lạm phát đáng kể". Khi bị các nhà lập pháp chất vấn về tác động từ những quyết định của Tổng thống Trump, ông Powell vẫn giữ quan điểm trung lập, cho rằng ông sẽ làm tốt hơn công việc kiềm chế lạm phát nếu tránh xa các vấn đề chính trị.

Khảo sát tâm lý doanh nghiệp nhỏ của Liên đoàn Kinh doanh Độc lập Quốc gia (NFIB) cho thấy niềm tin kinh doanh vẫn ở mức cao vào đầu năm, mặc dù các doanh nghiệp tỏ ra kém lạc quan hơn đôi chút trong tháng 1 so với tháng 12. Chỉ số niềm tin tổng thể theo đó giảm 2.3 điểm xuống 102.8. Đà tăng mạnh trong tháng 11 và 12 đã đưa chỉ số này lên mức cao nhất trong hơn sáu năm, khi chiến thắng của Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử làm dấy lên kỳ vọng về việc bãi bỏ quy định, giảm thuế và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, với những bất ổn kinh tế ngày càng gia tăng, tỷ lệ doanh nghiệp kỳ vọng nền kinh tế sẽ cải thiện đã giảm nhẹ, với chênh lệch là 47% (“tốt hơn" trừ "xấu đi"), so với mức cao nhất kể từ Q4/1983 là 52% trong tháng 12.

Westpac IQ

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ