Arbitrage - Giao dịch chênh lệch giá
Anh Tùng, CFA
Senior Analyst
Hãy tìm hiểu Arbitrage là gì trong bài viết này, cùng với đó là các cơ hội để Arbitrage trên thị trường.
Arbitrage là gì?
Arbitrage, tạm gọi là giao dịch chênh lệch giá, là các hành động giao dịch trên thị trường tạo ra lợi nhuận mà không phải chịu rủi ro.
Ví dụ đơn giản nhất về Arbitrage đó là mua thấp, bán cao ở các thị trường khác nhau. Chẳng hạn, giá vàng tại CME ở mức $1,780/oz, còn tại LME, giá vàng được giao dịch ở mức $1,782/oz. Ngay lập tức, bạn có thể thực hiện một giao dịch Arbitrage bằng cách mua vàng tại CME và bán tại LME, khi đó, bạn sẽ có lợi nhuận là $2/oz chỉ trong một thời gian rất ngắn mà hầu như không phải chịu bất cứ một loại rủi ro nào.
Arbitrage cũng có thể xảy ra ngay trong một thị trường, nếu như các mức giá được yết không đúng. Chẳng hạn, nếu trên một sàn giao dịch ngoại hối, ta có các tỷ giá:
- EUR/USD = 1.1693
- GBP/USD = 1.3620
- EUR/GBP = 0.8565
Nếu chúng ta sử dụng các tỷ giá EUR/USD và GBP/USD để tính toán tỷ giá chéo EUR/GBP, ta có:
EUR/GBP = (EUR/USD)/(GBP/USD) = 0.8585
Dễ thấy tỷ giá EUR/GBP được yết trên sàn đã có một sự sai lệch. Các nhà giao dịch có thể lợi dụng điều này để Arbitrage, theo đúng nguyên tắc “mua thấp, bán cao”, bằng cách Long tỷ giá EUR/GBP trên sàn và Short EUR/GBP gián tiếp, tức là nhà giao dịch sẽ thực hiện 3 giao dịch trên sàn: Long EUR/GBP, Short EUR/USD và Long GBP/USD, với các khối lượng được trình bày như trong bảng dưới đây:
Khối lượng | Vị thế | |||
USD | EUR | GBP | ||
Ban đầu | 0 | 0 | 0 | |
Long EUR/GBP | 1 | +1 | -0.8565 | |
Short EUR/USD | 1 | +1.1693 | -1 | |
Long GBP/USD | 0.8585 | -1.1693 | 0 | +0.8585 |
Tổng | 0 | 0 | 0.002 |
Như vậy, từ vị thế ban đầu bằng 0, trader này đã kiếm lời 0.002 GBP mà không có bất kỳ một rủi ro nào.
Hai ví dụ trên là các giao dịch Arbitrage với mục đích kiếm lời “ngay lập tức”. Tuy nhiên khái niệm Arbitrage có thể mở rộng cho các giao dịch có khả năng sinh lời trong tương lai. Hãy đi vào ví dụ sau:
Giá vàng giao ngay đang ở mức $1,780/oz, trong khi giá vàng kỳ hạn (forward) 1 năm ở mức $1,810/oz. Một nhà giao dịch mua vàng ở mức giá giao ngay, đồng thời Short forward với cùng khối lượng. Thoạt nhìn qua, chúng ta có thể nghĩ rằng đây là một giao dịch Arbitrage, bởi sau 1 năm, nhà giao dịch này sẽ chắc chắn có lời $30/oz mà không có rủi ro, bất kể giá vàng vào thời điểm đó có là bao nhiêu đi chăng nữa. Tuy nhiên, với tỷ suất sinh lời cho giao dịch trên là 30/1,780 = 1.69%, giả sử lãi suất phi rủi ro trong 1 năm là 2%, tỷ suất sinh lời cho giao dịch không có rủi ro này còn kém hơn lãi suất phi rủi ro, vậy ta không thể nói đây là một giao dịch Arbitrage.
Tuy nhiên, với mức giá spot và forward như trên, một cơ hội Arbitrage vẫn có thể xảy ra. Một quỹ giao dịch vàng sẽ bán 1 ounce vàng, và Long forward với cùng khối lượng. Số tiền họ sử dụng để bán vàng sẽ được sử dụng để mua trái phiếu chính phủ 1 năm (hưởng lãi suất phi rủi ro). Như vậy, quỹ này đã không mất một đồng tiền nào cho cả 3 giao dịch trên tại thời điểm ban đầu. Sau 1 năm, số tiền $1,780 được dùng để mua trái phiếu sẽ sinh lời 2%, tức là họ nhận về $1,780 × 1.02 = $1,815.6, sau đó họ thanh toán cho lệnh Long forward một khoản $1,810 để mua về 1 ounce vàng. Như vậy, quỹ đã không phải bỏ một đồng vốn nào mà sau 1 năm kiếm được lợi nhuận $5.6, với vị thế nắm giữ vàng không hề thay đổi.
Tóm lại, một số loại giao dịch Arbitrage phổ biến bao gồm:
- Tạo ra lợi nhuận “ngay lập tức” mà không có rủi ro, hoặc rủi ro rất thấp.
- Tạo ra lợi nhuận trong tương lai mà không phải bỏ ra một đồng vốn nào trong một hay nhiều giao dịch hoàn toàn không có rủi ro.
Cơ hội Arbitrage xảy ra khi nào?
Để có thể Arbitrage mà tạo ra lợi nhuận tức thời, các nhà giao dịch sẽ lợi dụng những sự sai lệch về giá (mispricing) giữa các thị trường khác nhau cho cùng một loại tài sản. Những cơ hội Arbitrage sẽ xảy ra nhiều hơn trong một thị trường không hiệu quả, khi đó giá không phản ánh hết các thông tin cơ bản trên thị trường, dẫn đến sự sai lệch về giá. Nếu thị trường hiệu quả, giá của một tài sản sẽ phải tuân theo quy luật một giá (law of one price), và không xảy ra cơ hội Arbitrage.
Bên cạnh đó, thị trường phái sinh sẽ là một thị trường lý tưởng để Arbitrage. Thông thường, các tài sản trên thị trường phái sinh sẽ có một mối liên hệ nhất định đến giá của tài sản cơ sở, cũng như các thông tin vĩ mô khác như lãi suất, vì vậy giá của chúng sẽ tuân theo một công thức định giá hoặc một mô hình định giá nào đó. Nếu thị trường không hiệu quả, giá của các tài sản sẽ không tuân theo các công thức định giá, chúng sẽ mở ra một cơ hội Arbitrage, như ví dụ tôi vừa đề cập ở trên.
Khó khăn trong giao dịch Arbitrage
Thị trường tài chính ngày càng phát triển, vì vậy độ hiệu quả của thị trường sẽ ngày càng tăng lên, dẫn đến các tài sản khó tồn tại sự chênh lệch về giá hơn, cơ hội Arbitrage sẽ giảm đi rất nhiều.
Hơn nữa, nếu bạn biết một cơ hội Arbitrage, nhiều khả năng những người khác cũng biết. Với sự phát triển của công nghệ và máy móc, có rất nhiều robot hay máy móc trên thị trường được lập trình để phát hiện ra một sự mispricing của một tài sản nào đó trên thị trường, vì vậy có thể chúng sẽ phát hiện ra điều đó sớm hơn bạn. Cùng với đó, giao dịch tần suất cao (high-frequency trading) cũng rất phổ biến, vì vậy rất nhiều quỹ giao dịch có kết hợp công nghệ học máy (machine learning) để phát hiện các cơ hội Arbitrage và giao dịch chúng. Điều đó sẽ làm cho cơ hội Arbitrage sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn, có thể chỉ là vài giây. Chẳng hạn, lấy ví dụ đầu tiên trong bài viết này, các loại máy móc sẽ sớm phát hiện ra cơ hội để Arbitrage và nhanh chóng thực hiện nó, điều này khiến lực cầu đối với vàng tại CME tăng lên, cũng như lực cung đối với vàng tại LME, làm cho giá vàng tại CME tăng lên và LME giảm đi, chênh lệch giá giữa hai sàn giao dịch sẽ biến mất và các nhà giao dịch khác không thể Arbitrage được nữa. Đối với thị trường phái sinh như ví dụ thứ 3 tôi vừa trình bày, trên thực tế việc các quỹ Long forward sẽ khiến giá forward tăng lên và phù hợp với mô hình định giá, cũng khiến cơ hội Arbitrage biến mất.
Một yếu tố khác cản trở cơ hội Arbitrage, cũng như làm cho các quỹ lớn có lợi thế hơn, đó là phí giao dịch. Chẳng hạn tại ví dụ đầu tiên, nếu như phí giao dịch tại 2 sàn đều là $1.5/oz, nhà giao dịch sẽ lỗ $1/oz thay vì lãi, và điều này đã xóa đi cơ hội Arbitrage của nhà giao dịch này. Đối với các quỹ lớn, bởi khối lượng giao dịch của họ lớn và tần suất giao dịch là thường xuyên hơn, họ sẽ được hưởng mức phí ưu đãi từ các sàn, khiến cơ hội Arbitrage của họ lớn hơn các nhà đầu tư cá nhân.