Phái sinh là gì? Tại sao lại có các công cụ phái sinh trên thị trường tài chính?
Lê Hải Linh
Junior Analyst
Được tạo ra với lý do rất chính đáng, phòng hộ rủi ro, nhưng phái sinh cũng đã dần trở thành một công cụ đầu cơ kiếm lời, và đôi khi khiến cả một hệ thống tài chính sụp đổ. Bài viết sau sẽ giúp ta hiểu sâu hơn về các công cụ phái sinh phổ biến.
Công cụ phái sinh là gì?
Thuật ngữ phái sinh dùng để chỉ một loại hợp đồng tài chính có giá trị phụ thuộc vào tài sản cơ sở, nhóm tài sản hoặc chỉ số. Một công cụ phái sinh được phát sinh giữa hai hoặc nhiều bên giao dịch trên sàn giao dịch tập trung hoặc phi tập trung (OTC).
Các hợp đồng này có thể được sử dụng để giao dịch bất kỳ loại tài sản nào và mang những đặc tính rủi ro riêng. Giá của các công cụ phái sinh đến từ biến động của tài sản cơ sở. Loại chứng khoán này thường được sử dụng để tiếp cận một số thị trường nhất định và có thể được giao dịch để phòng hộ rủi ro. Các công cụ phái sinh có thể được sử dụng để giảm thiểu rủi ro (phòng hộ) hoặc chấp nhận rủi ro với kỳ vọng nhận lại phần thưởng tương xứng (đầu cơ). Các công cụ phái sinh có thể chuyển rủi ro (và phần thưởng đi kèm) từ người không thích rủi ro sang người tìm kiếm rủi ro.
Hiểu về các công cụ phái sinh
Phái sinh là một loại chứng khoán phức tạp được thiết lập giữa hai hoặc nhiều bên. Các nhà đầu tư sử dụng công cụ phái sinh để tiếp cận một số thị trường nhất định và giao dịch các loại tài sản khác nhau. Thông thường, các công cụ phái sinh được coi là một hình thức đầu tư nâng cao. Tài sản cơ sở phổ biến nhất của công cụ phái sinh là cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa, tiền tệ, lãi suất và chỉ số thị trường. Giá trị hợp đồng phụ thuộc vào sự thay đổi giá của tài sản cơ sở.
Các công cụ phái sinh có thể được sử dụng để phòng hộ cho một vị thế, đầu cơ một tài sản cơ sở hoặc tạo đòn bẩy cho các khoản nắm giữ. Những tài sản này thường được giao dịch trên các sàn giao dịch chính thống hoặc OTC và được mua thông qua các nhà môi giới. Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CME) là một trong những sàn giao dịch phái sinh lớn nhất thế giới.
Cần hiểu được rằng khi các công ty phòng hộ, họ không đầu cơ trên giá của hàng hóa, mà chỉ là một cách để quản trị rủi ro. Mỗi bên đều có lợi nhuận hoặc biên lợi nhuận được tích hợp vào giá và việc phòng vệ giúp bảo vệ những khoản lợi nhuận đó khỏi biến động thị trường.
Các công cụ phái sinh giao dịch phi tập trung thường mang rủi ro đối tác cao hơn. Đó là nguy cơ một trong các bên tham gia không thực hiện thỏa thuận. Những hợp đồng này thường phát sinh giữa 2 bên tư nhân và không được kiểm soát. Để phòng ngừa rủi ro này, nhà đầu tư có thể mua một công cụ phái sinh tiền tệ để khóa một tỷ giá hối đoái cụ thể. Các công cụ phái sinh có thể được sử dụng bao gồm hợp đồng tương lai tiền tệ và hoán đổi tiền tệ.
Chú ý đặc biệt
Các công cụ phái sinh ban đầu được sử dụng để đảm bảo tỷ giá hối đoái ổn định cho giao dịch hàng hóa quốc tế. Các thương nhân quốc tế cần một hệ thống để giải thích cho các giá trị khác nhau của tiền tệ.
Giả sử một nhà đầu tư châu Âu có các tài khoản đầu tư đều bằng EUR. Họ mua cổ phiếu của một công ty Mỹ trên sàn giao dịch Mỹ bằng USD. Hiện tại, họ đang đối mặt với rủi ro tỷ giá hối đoái khi nắm giữ cổ phiếu đó. Đây là mối đe dọa khi giá trị của EUR tăng lên so với USD. Nếu điều này xảy ra, lợi nhuận nhà đầu tư nhận được khi bán cổ phiếu sẽ ít giá trị hơn khi được chuyển đổi thành EUR.
Một nhà đầu cơ kỳ vọng EUR tăng so với USD có thể kiếm lợi bằng cách sử dụng một công cụ phái sinh tăng giá trị cùng với EUR. Khi sử dụng các công cụ phái sinh để đầu cơ trên biến động giá của một tài sản nào đó, nhà đầu tư không cần phải có một khoản đầu tư hoặc danh mục đầu tư có vị thế với tài sản cơ sở.
Các công cụ phái sinh
Các công cụ phái sinh ngày nay dựa trên nhiều loại giao dịch và có nhiều công dụng hơn. Thậm chí có những loại phái sinh dựa trên dữ liệu thời tiết, chẳng hạn như lượng mưa hoặc số ngày nắng trong một khu vực.
Có nhiều công cụ phái sinh có thể được sử dụng để quản trị rủi ro, đầu cơ và tăng đòn bẩy cho một vị thế. Thị trường phái sinh là thị trường liên tục phát triển nhằm cung cấp các sản phẩm phù hợp với hầu hết mọi nhu cầu hoặc mức độ chấp nhận rủi ro.
Có hai loại sản phẩm phái sinh: "khóa" và "quyền chọn". Các sản phẩm phái sinh khóa (ví dụ: hợp đồng tương lai, kỳ hạn hoặc hoán đổi) ràng buộc các bên liên quan ngay từ đầu với các điều khoản đã thỏa thuận trong suốt thời hạn của hợp đồng. Các sản phẩm quyền chọn (ví dụ: quyền chọn cổ phiếu) cho người nắm giữ quyền, nhưng không phải nghĩa vụ, mua/bán tài sản cơ sở hoặc chứng khoán ở một mức giá cụ thể vào hoặc trước ngày đáo hạn của quyền chọn. Các công cụ phái sinh phổ biến nhất là hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng hoán đổi và quyền chọn.
Hợp đồng tương lai (Futures)
Hợp đồng tương lai (Futures) một thỏa thuận giữa hai bên về việc mua và giao một tài sản với mức giá đã thỏa thuận vào một ngày trong tương lai. Hợp đồng tương lai là các hợp đồng chuẩn hóa trên sàn giao dịch. Nhà đầu tư sử dụng hợp đồng tương lai để phòng hộ rủi ro hoặc đầu cơ vào giá của một tài sản cơ sở. Các bên liên quan có nghĩa vụ thực hiện cam kết mua hoặc bán tài sản cơ sở trong ngày đáo hạn.
Ví dụ: Giả sử vào ngày 6/11/2022, Công ty A mua một hợp đồng tương lai dầu với giá $62.22/thùng, đáo hạn vào ngày 19/12/2022. Công ty A làm điều này vì họ cần dầu vào tháng 12 và lo ngại rằng giá sẽ tăng trước khi công ty cần phải mua. Việc mua một hợp đồng tương lai dầu sẽ phòng hộ rủi ro cho công ty vì người bán có nghĩa vụ giao dầu cho Công ty A với giá $62.22/thùng khi hợp đồng đáo hạn. Nếu giá dầu tăng lên $80/thùng vào ngày 19/12/2021, Công ty A có thể chấp nhận nhận dầu từ người bán, nhưng nếu không cần dầu nữa, họ cũng có thể bán hợp đồng trước khi đáo hạn và giữ lại lợi nhuận.
Trong ví dụ này, cả người mua và người bán hợp đồng tương lai đều phòng hộ rủi ro của họ. Công ty A cần dầu trong tương lai và muốn hạn chế rủi ro giá có thể tăng vào tháng 12 bằng một vị thế mua. Người bán có thể là một công ty dầu lo ngại về giá dầu giảm và muốn loại bỏ rủi ro đó bằng cách bán một hợp đồng tương lai đã ấn định mức giá mà họ sẽ nhận được vào tháng 12.
Cũng có thể một hoặc cả hai bên là những nhà đầu cơ có quan điểm trái ngược về hướng đi của dầu trong tháng 12. Trong trường hợp đó, một người có thể được hưởng lợi từ hợp đồng, và một người có thể không. Ví dụ, một hợp đồng tương lai dầu WTI giao dịch trên sàn CME có quy mô chuẩn là 1,000 thùng. Nếu giá dầu tăng từ $62.22 lên $80/thùng, trader có vị thế mua sẽ kiếm được $17,780.
Ngược lại, người short hợp đồng sẽ bị lỗ $17,780.
Hợp đồng tương lai thanh toán tiền mặt
Không phải tất cả các hợp đồng tương lai đều được thanh toán khi đáo hạn bằng việc giao tài sản cơ sở. Nếu cả hai bên trong hợp đồng tương lai đều là các bên đầu cơ, không ai sẽ muốn giao dầu cả. Các nhà đầu cơ có thể thực hiện nghĩa vụ mua hoặc giao hàng hóa cơ bản bằng cách đóng vị rthees của họ trước khi hết hạn với một hợp đồng bù trừ.
Trên thực tế, nhiều công cụ phái sinh được thanh toán bằng tiền mặt, tức chỉ phần tiền chênh lệch được thanh toán. Các hợp đồng tương lai được thanh toán bằng tiền mặt bao gồm hợp đồng tương lai lãi suất, hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán và các công cụ đặc biệt như hợp đồng tương lai biến động ngụ ý (VIX) hoặc hợp đồng tương lai thời tiết.
Hợp đồng kỳ hạn (Forwards)
Hợp đồng kỳ hạn (Forwards) giống với hợp đồng tương lai, nhưng chúng không được giao dịch trên sàn giao dịch tập trung. Các hợp đồng này chỉ giao dịch phi tập trung. Với một hợp đồng kỳ hạn, người mua và người bán có thể tùy chỉnh các điều khoản, quy mô và quy trình thanh toán. Là sản phẩm phi tập trung, hợp đồng kỳ hạn có mức độ rủi ro đối tác tương đối cao cho cả hai bên.
Rủi ro đối tác là một loại rủi ro tín dụng, khi các bên có thể không thực hiện được các nghĩa vụ đã nêu trong hợp đồng. Nếu một bên mất khả năng thanh toán, bên kia có thể không có quyền truy đòi và có thể mất giá trị vị thế của mình.
Sau khi thiết lập thỏa thuận, các bên trong hợp đồng kỳ hạn có thể bù đắp cho vị thế của họ với các đối tác khác, tăng khả năng xảy ra rủi ro đối tác khi có nhiều nhà giao dịch tham gia vào cùng một hợp đồng.
Hợp đồng hoán đổi (Swaps)
Hợp đồng hoán đổi (Swaps) là một loại công cụ phái sinh phổ biến khác, thường được sử dụng để hoán đổi một dòng tiền này với một dòng tiền khác. Ví dụ: một nhà giao dịch có thể sử dụng hợp đồng hoán đổi lãi suất để chuyển từ khoản vay có lãi suất linh hoạt sang khoản vay có lãi suất cố định hoặc ngược lại.
Giả sử Công ty XYZ vay 1 triệu USD và trả lãi suất thả nổi, hiện ở mức 6%. XYZ có thể lo về việc lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí của khoản vay này hoặc gặp người không muốn cho vay thêm do rủi ro lãi suất thả nổi này. Vì thế, Công ty XYZ đã thiết lập một hợp đồng hoán đổi với Công ty QRS, hoán đổi dòng tiền lãi suất thả nổi kia với mức lãi suất cố định 7%. Điều đó có nghĩa là XYZ sẽ trả 7% cho QRS trên số tiền gốc 1 triệu USD của họ và QRS sẽ trả XYZ 6% tiền lãi cho cùng số tiền gốc đó. Khi giao dịch được thực hiện, XYZ sẽ chỉ trả cho QRS khoản chênh lệch 1% giữa hai mức lãi suất.
Nếu lãi suất giảm và khoản lãi suất thả nổi chỉ còn 5%, Công ty XYZ sẽ phải trả cho Công ty QRS khoản chênh lệch 2%. Nếu lãi suất tăng lên 8%, QRS sẽ phải trả cho XYZ khoản chênh lệch 1%. Bất kể lãi suất thay đổi như thế nào, hợp đồng hoán đổi đã đạt được mục tiêu ban đầu của XYZ là chuyển khoản vay có lãi suất thả nổi sang lãi suất cố định.
Hợp đồng hoán đổi cũng có thể được sử dụng để chuyển đổi rủi ro tỷ giá hối đoái hoặc rủi ro vỡ nợ đối với khoản vay hoặc dòng tiền từ các hoạt động kinh doanh khác. Hợp đồng hoán đổi liên quan đến dòng tiền và khả năng vỡ nợ của trái phiếu thế chấp là một công cụ phái sinh cực kỳ phổ biến. Trên thực tế, chúng đã trở nên hơi quá phổ biến trong quá khứ, từ đó dẫn đến rủi ro đối tác của cuộc khủng hoảng tín dụng năm 2008.
Hợp đồng quyền chọn
Hợp đồng quyền chọn giống với hợp đồng tương lai ở chỗ nó là thỏa thuận giữa hai bên để mua hoặc bán một tài sản vào một ngày xác định trước trong tương lai với một mức giá cụ thể. Sự khác biệt chính giữa quyền chọn và hợp đồng tương lai là với quyền chọn, người mua không bắt buộc phải thực hiện thỏa thuận mua hoặc bán. Đó chỉ là một quyền lợi, không phải là một nghĩa vụ như hợp đồng tương lai. Cũng giống như hợp đồng tương lai, quyền chọn có thể được sử dụng để phòng hộ rủi ro hoặc đầu cơ vào giá của tài sản cơ sở.
Ví dụ, một nhà đầu tư sở hữu 100 cổ phiếu trị giá $50/cổ phiếu. Họ tin rằng giá trị của cổ phiếu sẽ tăng lên trong tương lai. Tuy nhiên, nhà đầu tư này lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn và quyết định phòng hộ vị thế của họ bằng một hợp đồng quyền chọn. Nhà đầu tư có thể mua một quyền chọn bán (long put) cho họ quyền bán 100 cổ phiếu với giá $50 - được gọi là giá thực thi - đến một ngày cụ thể trong tương lai - được gọi là ngày đáo hạn.
Giả sử giá cổ phiếu giảm xuống còn 40 USD khi đáo hạn và người mua quyền chọn bán quyết định thực hiện quyền chọn của họ và bán cổ phiếu với giá thực thi ban đầu là 50 USD. Nếu quyền chọn bán có giá 200 USD, thì họ chỉ mất chi phí của quyền chọn vì giá thực hiện bằng với giá của cổ phiếu khi họ mua quyền chọn ban đầu. Một chiến lược như vậy được gọi là quyền chọn bán phòng hộ.
Ngoài ra, giả sử một nhà đầu tư không sở hữu một cổ phiếu hiện trị giá 50 USD. Họ tin rằng giá trị của nó sẽ tăng trong tháng tới. Nhà đầu tư này có thể mua một quyền chọn mua (long call) cho họ quyền mua cổ phiếu với giá 50 USD trước hoặc khi đáo hạn. Giả sử quyền chọn mua này có giá 200 USD và cổ phiếu tăng lên 60 USD trước khi đsao hạn. Giờ đây, người mua có thể thực hiện quyền chọn của mình và mua cổ phiếu trị giá 60 USD với giá 50 USD, bỏ túi 10 USD mỗi cổ phiếu. Một quyền chọn thường có quy mô 100 cổ phiếu, nên lợi nhuận thực tế là 1,000 USD, trừ đi chi phí của quyền chọn và bất kỳ khoản phí hoa hồng môi giới nào.
Trong cả hai ví dụ, người bán có nghĩa vụ thực thỏa thuận của họ nếu người mua chọn thực thi hợp đồng. Tuy nhiên, nếu giá cổ phiếu cao hơn giá thực thi khi hết hạn, quyền chọn bán sẽ vô giá trị và người bán (người viết quyền chọn) sẽ giữ lại phần phí khi quyền chọn đáo hạn. Nếu giá của cổ phiếu thấp hơn giá thực hiện khi đáo hạn, quyền chọn mua sẽ vô giá trị và người bán quyền chọn mua sẽ giữ phần phí.
Ưu điểm và nhược điểm của các công cụ phái sinh
Ưu điểm
Như các ví dụ trên đã minh họa, phái sinh là một công cụ hữu ích cho các doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư bởi những yếu tố sau:
- Khóa giá
- Phòng ngừa những biến động bất lợi về tỷ giá
- Giảm thiểu rủi ro
Những ưu điểm này thường có mức giá không cao. Ngoài ra, phái sinh có thể được mua bằng ký quỹ, khiến chi phí thực tế còn thấp hơn nữa.
Nhược điểm
Các công cụ phái sinh rất khó định giá vì chúng dựa trên giá của một tài sản khác. Rủi ro đối với các công cụ phái sinh phi bao gồm rủi ro đối tác. Tài sản phái sinh cũng nhạy cảm với các yếu tố như:
- Thay đổi khoảng thời gian đáo hạn
- Chi phí nắm giữ tài sản cơ sở
- Lãi suất
Công cụ phái sinh không có giá trị nội tại (giá trị chỉ đến từ tài sản cơ sở), nên dễ bị ảnh hưởng bởi tâm lý thị trường và rủi ro thị trường. Các yếu tố cung và cầu có thể làm cho giá của một công cụ phái sinh và tính thanh khoản của nó tăng và giảm đáng kể, bất chấp tài sản cơ sở có ra sao.
Cuối cùng, các công cụ phái sinh thường là các công cụ có đòn bẩy và việc sử dụng đòn bẩy như một con dao hai lưỡi, nó có thể làm tăng tỷ suất sinh lời, nhưng cũng khuếch đại lỗ.