Các thuật ngữ quan trọng mọi trader quyền chọn cần nắm rõ
Lê Hải Linh
Junior Analyst
Bài viết sau đây sẽ giúp ta nắm được thêm một số định nghĩa quan trọng trên thị trường quyền chọn
Quyền chọn mua (Call)
Biểu đồ lãi/lỗ chiến lược mua quyền chọn mua
Quyền chọn mua (call) cho phép người nắm giữ quyền (không phải nghĩa vụ) mua một tài sản cơ sở (thường là cổ phiếu) ở một mức giá nhất định (giá thực thi) trong một khung thời gian cụ thể.
Người mua quyền chọn mua sẽ thu được lợi nhuận khi tài sản cơ sở tăng giá trị. Vì các tài sản hầu như không có trần giá, người bán quyền chọn mua có rủi ro vô hạn.
Quyền chọn bán (Put)
Biểu đồ lãi/lỗ chiến lược mua quyền chọn bán
Quyền chọn bán (put) ngược với quyền chọn mua, cho phép người nắm giữ quyền (không phải nghĩa vụ) bán tài sản cơ sở (thường là cổ phiếu) tại một mức giá nhất định (giá thực thi) vào một ngày nhất định (ngày đáo hạn).
Quyền chọn bán tăng giá trị khi tài sản cơ sở giảm. Do đó, việc mua quyền chọn bán thường là hoạt động phòng hộ trong trường hợp nắm giữ tài sản cơ sở.
Phí quyền chọn (Premium)
Giống như cổ phiếu, phí quyền chọn thể hiện giá trị thị trường hiện tại của quyền chọn. Tuy nhiên, khác với cổ phiếu, phí quyền chọn lại được yết trên mỗi cổ phiếu. Vì một hợp đồng quyền chọn đại diện cho quyền mua 100 cổ phiếu của chỉ số/cổ phiếu cơ bản, chi phí thực của quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán giao dịch ở mức $1 sẽ là $100. Các yếu tố như giá thực thi, giá trị nội tại, giá trị thời gian và biến động đều ảnh hưởng đến việc xác định phí quyền chọn.
Giá thực thi (Strike Price)
Giá thực thi là mức giá ấn định để quyền chọn bán/mua có thể được thực thi. Khi được thực thi, bên bán sẽ bán tài sản cơ sở cho bên mua tại mức giá thực thi này. Sự khác biệt giữa giá thực thi và giá trị thị trường hiện tại của cổ phiếu cho ta biết liệu đây có phải quyền chọn lãi (in the money), lỗ (out of the money), hay hòa vốn (at the money).
Ngày đáo hạn
Khác với cổ phiếu, tất cả các quyền chọn sẽ đáo hạn vào một ngày được định sẵn. Đến ngày đáo hạn, Tất cả các hợp đồng quyền chọn đáo hạn trong ngày này đều được tất toán. Giá cơ sở của cổ phiếu xác định liệu hợp đồng quyền chọn lãi hay lỗ. Nếu giá thực thi của hợp đồng quyền chọn đem lại lợi nhuận, nó sẽ được thực thi. Nếu quyền chọn lỗ khi đáo hạn, nó sẽ đáo hạn vô giá trị.
Lãi, lỗ và hòa vốn (Moneyness)
Thuật ngữ “moneyness” được sử dụng để xác định giá trị nội tại của một quyền chọn tại bất kỳ thời điểm nào. Một lựa chọn có thể "in the money" (đang lãi), "out of the money" (đang lỗ), hoặc "at the money" (hòa vốn). Mối quan hệ giữa giá cổ phiếu cơ sở và giá thực thi quyền chọn sẽ quyết định xem quyền chọn đang lãi, lỗ hay hòa vốn.
Quyền chọn lỗ (Out-of-the-money)
- Quyền chọn mua lỗ nếu giá thực thi của nó cao hơn giá thị trường hiện tại của cổ phiếu.
- Quyền chọn bán lỗ nếu giá thực thi của nó thấp hơn giá thị trường hiện tại của cổ phiếu.
Quyền chọn lãi (In-the-money)
- Quyền chọn mua lãi nếu giá thực thi của nó thấp hơn giá thị trường hiện tại của cổ phiếu.
- Quyền chọn bán lãi nếu giá thực thi của nó cao hơn giá thị trường hiện tại của cổ phiếu.
Hòa vốn (At-the-money)
- Cả quyền chọn mua và quyền chọn bán đều được xem là hòa vốn nếu giá thực thi bằng với giá trị thị trường hiện tại của cổ phiếu.
Thực thi quyền chọn
Người nắm giữ quyền chọn mua/bán có quyền thực hiện hợp đồng quyền chọn của họ bất cứ lúc nào. Khi điều này xảy ra, bên bán quyền chọn có nghĩa vụ phải mua hoặc bán 100 cổ phiếu với giá thực thi của hợp đồng quyền chọn.
Có nhiều trường hợp người nắm giữ quyền chọn sẽ muốn thực thi quyền mua cổ phiếu, như trả cổ tức (quyền chọn không trả cổ tức). Quyền chọn thường được thực thi tùy theo người nắm giữ. Tuy nhiên, tất cả các quyền chọn lãi khi đáo hạn sẽ tự động được thực thi. Nếu người nắm giữ quyền chọn không muốn mua hoặc bán cổ phiếu cơ sở, họ cần bán quyền chọn trước khi đáo hạn.
Thanh toán quyền chọn
Các hợp đồng quyền chọn được thanh toán theo một trong hai cách: thanh toán bằng tài sản cơ sở hoặc thanh toán bằng tiền mặt.
Thanh toán bằng tài sản cơ sở
Phần lớn các hợp đồng quyền chọn được thanh toán thông qua giao hàng thực tế, tức khi quyền chọn được thực thi, cổ phiếu hoặc tài sản cơ sở sẽ được sang tay.
Thanh toán tiền mặt
Khi các hợp đồng quyền chọn được thanh toán bằng tiền mặt, sẽ không có giao dịch tài sản cơ sở nào. Việc chuyển tiền mặt diễn ra khá đơn giản và tự động sẽ giải quyết các loại quyền chọn này. Các quyền chọn thanh toán bằng tiền mặt thường bao gồm quyền chọn châu Âu, và hầu hết các quyền chọn nhị phân.
Chiến lược Credit & Debit Spread
Đây là các chiến lược liên quan đến việc mua một quyền chọn và bán một quyền chọn khác. Cả 2 đều cùng một loại (quyền chọn mua hoặc bán), cùng thời gian đáo hạn nhưng khác giá thực thi.
Chiến lược credit spread
Biểu đồ lãi/lỗ của chiến lược credit spread
Trong chiến lược này, ta sẽ đồng thời mua và bán cùng một quyền chọn của một tài sản nhưng với giá thực thi khác nhau. Giả sử giá một cổ phiếu đang ở mức $68.5, ta bán 10 quyền chọn bán tại $70 với phí 2, và mua 10 một quyền chọn bán khác tại $65 với phí 0.5, như vậy, ta đang có mức "credit" (tiền vào) ròng 1.5. Nếu cổ phiếu tăng, ta sẽ lời tối đa $1,500 tại mức giá $70 (phần phí bán trừ phần phí mua) do vị thế bán quyền chọn bán, nhưng nếu cổ phiếu giảm, mức lỗ cũng sẽ bị hạn chế bởi vị thế mua quyền chọn bán.
Chiến lược debit spread
Trong chiến lược debit spread, ta sẽ đồng thời mua và bán cùng một quyền chọn cũng với giá thực thi khác nhau. Nhưng thay vì ta có tiền vào (credit), ta phải có một lượng tiền ra (debit), tức phí nhận được khi bán quyền chọn thấp hơn khi mua vào.
Giả sử, ta mua một quyền chọn mua cổ phiếu với giá thực thi $100 và phí $2 và bán một quyền chọn mua có giá thực thi $105 và phí $1. Lúc này ta có tiền ra ròng (net debit) là $1. Chênh lệch giữa 2 mức giá thực thi là $5. Mức lợi nhuận tối đa có thể đạt được là chênh lệch giá thực thi trừ đi phần tiền ra ròng ($4), đạt được khi giá cổ phiếu cơ sở đạt $105.
Hợp đồng quyền chọn cổ phiếu
Thị trường quyền chọn cổ phiếu đại diện cho phần lớn các quyền chọn có thể giao dịch. Tài sản cơ sở trong thị trường quyền chọn này là cổ phiếu. Nếu người nắm giữ quyền chọn thực thi hợp đồng của họ, họ sẽ mua hoặc bán 100 cổ phiếu cơ sở tại mức giá thực thi. Quyền chọn cổ phiếu thường được thanh toán bằng tài sản cở sở.
Hợp đồng quyền chọn chỉ số
Khác với quyền chọn cổ phiếu, ta không thể mua tài sản cơ sở của quyền chọn chỉ số vì chúng không được giao dịch trực tiếp trên thị trường. Các chỉ số thị trường như S&P 500 sẽ là cơ sở cho giá trị các loại hợp đồng này. Quyền chọn mua và quyền chọn bán chỉ số cho phép nhà đầu tư quyền mua hoặc bán toàn bộ chỉ số chứng khoán trong một khoảng thời gian xác định với mức giá thực thi cụ thể. Vì không có cổ phiếu được giao dịch trực tiếp, các quyền chọn này được thanh toán bằng tiền mặt. Điều này giảm thiểu rủi ro người bán không có hàng cơ sở để bàn giao.
Hợp đồng quyền chọn ETF
Quyền chọn ETF kết hợp các đặc điểm của cả quyền chọn chỉ số và quyền chọn cổ phiếu. Giống quyền chọn cổ phiếu, các quyền chọn này được thanh toán bằng tài sản cơ sở; giống quyền chọn chỉ số, chúng đại diện cho một rổ cổ phiếu hoặc một chỉ số thị trường chung. Các quyền chọn ETF cung cấp cho những người tham gia thị trường thanh khoản và sự đa dạng hóa cao hơn so với các cổ phiếu đơn lẻ.
Ngày giao dịch không hưởng quyền
Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày mà cổ phiếu của một công ty bắt đầu giao dịch mà chưa có giá trị của cổ tức đã phát hành. Để nhận được khoản cổ tức này, một nhà đầu tư phải sở hữu cổ phiếu trước khi thị trường đóng cửa vào ngày giao dịch không hưởng quyền.
Để nhận được khoản cổ tức này, người nắm giữ quyền chọn mua có lãi sẽ thực thi giao hợp đồng của họ. Bên bán sẽ buộc phải bán cổ phần với giá thực thi. Để không chịu nghĩa vụ, người bán có thể thoát vị thế.
Pin Risk
Pin risk trong giao dịch quyền chọn xảy ra khi giá của tài sản cơ sở tiến gần với giá thực thi của quyền chọn vào ngày đáo hạn của hợp đồng. Nếu hợp đồng có lãi khi đáo hạn, các nhà đầu tư không thể thoát vị thế. Tại thời điểm này, quyền chọn mua sẽ được thực thi và người bán sẽ bàn giao cổ phiếu. Do đó, các nhà đầu tư nên đóng tất cả vị thế mua hoặc bán đang lãi trong khi thị trường vẫn mở trừ khi họ muốn nắm giữ cổ phiếu.
Giá trị nội tại và ngoại tại
Giá trị của tất cả các hợp đồng quyền chọn có thể được tính bằng tổng giá trị nội tại và ngoại tại của chúng. Giá trị nội tại thể hiện liệu quyền chọn có giá trị gì nếu không còn thời gian. Do đó, tại thời điểm đáo hạn, giá của quyền chọn bán hoặc quyền chọn mua phải đại diện cho tất cả giá trị nội tại.
Giá trị ngoại tại đại diện cho tất cả phí quyền chọn còn lại, được xác định bởi thời gian còn lại trước khi đáo hạn và sự biến động của thị trường. Do đó, quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán đáo hạn sau 3 tháng sẽ có giá trị ngoại tại cao hơn so với quyền chọn cùng loại sẽ hết hạn sau 1 tháng.
Vì giá quyền chọn đều bắt nguồn từ một hoặc cả hai giá trị này, nên việc biết một giá trị cùng với giá thị trường quyền chọn hiện tại sẽ cho chúng ta biết giá trị kia. Ví dụ: nếu quyền chọn mua đang giao dịch ở mức $3 và có giá trị nội tại là $2, khoảng cách đại diện cho giá trị ngoại tại là $1.
Giá trị thời gian
Giá trị ngoại tại của một quyền chọn được xác định bởi cả giá trị thời gian (theta) và độ biến động của nó. Phần giá trị thời gian này đề cập đến lượng thời gian còn lại cho đến khi hết hạn quyền chọn mua hoặc bán.
Biến động lịch sử
Trong giao dịch quyền chọn, biến động lịch sử là một số liệu sử dụng kết quả trong quá khứ của một cổ phiếu cơ sở để tính phí quyền chọn của hợp đồng quyền chọn mua và bán.
Biến động ngụ ý
Biến động ngụ ý là một thước đo định giá hướng tới tương lai được sử dụng trong giao dịch quyền chọn. Loại biến động này xét tới tác động của những điều không chắc chắn trong tương lai, chẳng hạn như thu nhập doanh nghiệp, đối với giá của quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán. Cung và cầu là những thành phần chính để xác định sự biến động ngụ ý.
LEAPS
LEAPS là các quyền chọn có thời gian đáo hạn trên 1 năm. Quyền chọn LEAPS giống như tất cả các quyền chọn khác cùng loại, ngoại trừ thời gian đáo hạn dài hơn. Do đó, phí quyền chọn LEAPS ban đầu cũng sẽ cao hơn, sau đó giảm dần khi đến gần ngày đáo hạn. Các nhà đầu tư đôi khi sử dụng quyền chọn bán LEAP như một chính sách phòng hộ dài hạn đối với cổ phiếu của họ.
Yêu cầu ký quỹ
So với giao dịch chứng khoán, việc xác định yêu cầu ký quỹ với quyền chọn là một quá trình phức tạp. Lượng tiền mặt/chứng khoán cần có trong tài khoản để thực hiện một số giao dịch quyền chọn nhất định sẽ phụ thuộc vào nhà môi giới ta sử dụng.
Điều này thường liên quan đến người bán quyền chọn hơn là người mua, khi rủi ro mất tiền khi quyền chọn lỗ lớn hơn lượng phí nhận vào rất nhiều. Còn với người mua quyền chọn, họ chỉ mất cùng lắm là phần phí mua. Khi ta mua quyền chọn mua giá $3, ta có khả năng kiếm lời vô hạn, nhưng cũng chỉ mất tối đa $3.
Ngược lại, với người bán, họ thu về tối đa $3, nhưng họ có thể lỗ vô hạn nếu cổ phiếu tăng giá. Yêu cầu ký quỹ sẽ quyết định xem người bán có được phép bán quyền chọn này không.
Điều chỉnh quyền chọn
Điều chỉnh quyền chọn là chiến lược thay đổi mức giá thực thi và/hoặc ngày đáo hạn. Việc này có thể giúp điều chỉnh các quyền chọn mua/bán hợp lý hơn với giá thực tế của tài sản cơ sở. Có nhiều lý do để điều chỉnh quyền chọn, chẳng hạn như tránh phải thanh toán quá sớm hoặc kéo dài thời gian giao dịch để không phải thực thi lỗ.
Hao mòn thời gian
Hao mòn thời gian (còn được gọi là “theta”) đo lường tốc độ mà một quyền chọn mất giá trị theo thời gian. Khác với chứng khoán, tất cả các quyền chọn mua và bán đều có ngày đáo hạn. Khi ngày đó gần đến, phí quyền chọn trên một hợp đồng quyền chọn sẽ mất giá trị. Sau khi đáo hạn, quyền chọn sẽ mất toàn bộ phần bù thời gian.