Bitcoin bốc hơi 15% ư? Chẳng sao cả!
Nam Anh
Senior Economic Analyst
Sự bền bỉ của Bitcoin qua các chu kỳ bùng nổ và suy thoái lặp đi lặp lại chứng tỏ nhu cầu vô cùng ổn định đối với tài sản này bất chấp những sự biến động khó lường, đồng thời mở ra triển vọng cho Bitcoin trở thành kẻ thách thức với vàng trong vai trò một kho lưu trữ giá trị.
“What doesn't kill Bitcoin, makes it stronger”
Giống như Hiệp sĩ đen trong bộ phim truyện Monty Python, những người tin tưởng vào Bitcoin coi sự biến động chết người của nó chỉ là những vết thương vớ vẩn trên da thịt. Những cú sụt giảm lên tới 80% được hoan nghênh như những cơ hội mua tuyệt vời. Mức biến động khủng khiếp của Bitcoin chẳng những không phải là 1 điểm yếu, mà còn là bằng chứng về sự bền vững của nó.
Nguồn cung của Bitcoin được giới hạn ở mức tối đa là 21 triệu coin, đồng thời được định kỳ giảm như 1 phần thưởng cho các mạng máy tính xác nhận giao dịch. Tuy nhiên, bản thân việc nguồn cung bị giới hạn là không đủ để đảm bảo một tương lai lâu dài. Có vô số các tài sản khác cũng có nguồn cung hạn chế như thẻ bóng chày, tác phẩm nghệ thuật được sản xuất với số lượng hạn chế hay một số mô hình Ponzi lịch sử.
Điều tạo nên sự thành công của 1 tài sản chính là cách các nhà đầu tư phản ứng với những cú sụp đổ của nó. Trong hầu hết các trường hợp, khi một tài sản được thúc đẩy hoàn toàn theo lý thuyết về kẻ ngốc hơn (the greater-fool theory) sụp đổ, nó sẽ không bao giờ có thể phục hồi.
Kể từ khi vốn hóa toàn thị trường của Bitcoin đạt 1 tỷ đô la vào tháng 3 năm 2013, đã xuất hiện 2 chu kỳ tăng giá đột biến để đạt đến những mức cao kỷ lục, sau đó đều được nối tiếp bới những cú sập lên tới hơn 80%. Mỗi chu kỳ đó đều được thiết lập sau sự kiện “Bitcoin halving”.
Chu kỳ đầu tiên có thể bị coi là bất thường, trong khi chu kỳ thứ hai cũng có thể coi là 1 sự trùng hợp. Nhưng đợt “Bitcoin halving” tiếp theo lại xảy ra vào tháng 5 vừa qua và chu kỳ trên như đang lặp lại trước mắt chúng ta với việc giá Bitcoin tiến sát đến mức đỉnh cao nhất mọi thời đại vào tuần trước. Bỏ qua những gì đang diễn ra trong thời gian qua chính là gạt bỏ những bằng chứng của lịch sử.
Giống như mạng xã hội, tiền điện tử tạo nên giá trị của chúng từ số lượng người dùng. Tôi có thể xây dựng một nền tảng với những tiện ích và tính năng giống y hệt hay thậm chí là sở hữu một số cải tiến so với Facebook, nhưng việc tôi có nhận được sự ủng hộ của số đông người sử dụng hay không lại là một vấn đề khác.
Kể từ khi Bitcoin ra mắt vào năm 2008, số lượng ví điện tử cũng ngày càng tăng. Số lượng sàn giao dịch hay ví điện tử cung cấp hay chấp nhận các loại tiền điện tử, từ Binance đến eToro, CME đến Paypal, tiếp tục tăng lên. Bên cạnh đó, những sự siêu việt và thông thái của con người trong phát triển công nghệ blockchain dường như cũng đang tăng lên.
Những người ủng hộ thường mô tả Bitcoin như 1 loại vàng kỹ thuật số, một so sánh làm nổi bật những điểm tương đồng về đặc trưng bị giới hạn của nguồn cung, nhưng lại gây ra những sự ngờ vực do những khác biệt cơ bản về động lực của nhu cầu. Vàng là 1 loại tiền hàng hóa: ở một mức giá nào đó, nó được ngành công nghiệp săn lùng nhờ các thuộc tính vật chất của nó.
Bitcoin không sở hữu 1 mức giá sàn xuất phát từ đặc tính hóa học, nhưng nó có một thứ có lẽ phù hợp hơn trong thế giới ngày nay: một mạng lưới người dùng bền bỉ và không ngừng phát triển.
Tại thời điểm hiện nay, Bitcoin vẫn được xem như một tài sản đầu cơ và vẫn cần xuất hiện 1 số bước tiến quan trọng hơn nữa để có thể xác nhận những lời tuyên bố về khả năng bảo toàn sức mua theo thời gian của Bitcoin. Mức độ biến động sẽ phải giảm và mối liên hệ đáng tin cậy với lạm phát sẽ phải xuất hiện.
Tuy nhiên đặt cược chống lại việc Bitcoin phục hồi sau cú sập tiếp theo là 1 sự đặt cược chống lại lịch sử. Và sự sống sót tuyệt đối, quả cảm của Bitcoin sẽ là thứ mang lại cho nó cơ hội tốt nhất để trở thành kho lưu trữ giá trị tối thượng.