Bloomberg: Triển vọng dài hạn kinh tế Việt Nam - Cỗ máy tăng trưởng vẫn sẽ "bền bỉ" trong những thập kỷ tới!
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Với các biện pháp kiểm soát dịch bệnh thành công từ ngay khi mới bùng phát, Việt Nam được dự báo sẽ đi đầu trong quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu sau Covid-19. Nền kinh tế được kỳ vọng tránh khỏi sự thu hẹp trong năm nay và bật tăng trở lại ở mức gần 8% trong năm 2021.
Nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ dẫn đầu trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19, với sự hỗ trợ từ dòng vốn đầu tư viện trợ ổn định và quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Việc nhanh chóng kiểm soát được đại dịch ngay khi mới bùng phát cũng góp phần hỗ trợ cho nhu cầu trong nước. Chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ tránh được sự thu hẹp trong năm nay và sẽ tăng trưởng trở lại ở mức gần 8% trong năm 2021. Động lực tăng trưởng trước đại dịch dự kiến sẽ quay trở lại từ năm 2022.
- Trong kịch bản cơ sở, tăng trưởng của Việt Nam sẽ duy trì mức cao gần 6% trong phần lớn giai đoạn dự báo, trước khi những thách thức về nhân khẩu học khiến tăng trưởng giảm về mức khoảng 5.6% cho tới năm 2050.
- Triển vọng dài hạn trên dựa trên việc chính phủ tiếp tục ưu tiên đầu tư cho giáo dục và cơ sở hạ tầng. Để duy trì được động lực cho đầu tư, khu vực tư nhân sẽ cần phải bù đắp cho sự sụt giảm của các khoản cho vay ưu đãi khi thu nhập tiếp tục gia tăng.
- Vẫn có khả năng cho kịch bản tăng trưởng cao hơn. Một trong số đó đến từ cam kết đẩy mạnh sự thống nhất trong Cộng đồng kinh tế ASEAN có thể sẽ mang lại lợi ích về sự hợp tác và năng suất cao hơn để kéo dài mức tăng trưởng tiềm năng gần 6%.
Chúng tôi kỳ vọng vốn đầu tư vẫn sẽ là động lực chính cho tăng trưởng của Việt Nam trong vòng 30 năm tới. Việc chính phủ tiếp tục tập trung vào tăng trưởng bền vững, đặc biệt là cam kết dài hạn đối với giáo dục, sẽ hỗ trợ cải thiện nguồn nhân lực và tổng năng suất. Ở chiều ngược lại, quá trình già hóa của lực lượng lao động nhiều khả năng sẽ bắt đầu gây áp lực lên tăng trưởng Việt Nam kể từ giữa những năm 2040.
Lao động
Việt Nam có dân số tương đối trẻ. Mặc dù vậy, trong vòng 2 thập kỷ tới, tỷ lệ sinh đẻ thấp và tuổi thọ dự kiến tăng lên có thể sẽ đẩy mạnh quá trình già hóa của lực lượng lao động. Dự báo từ Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng dân số trong độ tuổi lao động sẽ bắt đầu giảm kể từ năm 2038 và kéo dài ít nhất tới hết năm 2050.
Chính phủ đã bắt đầu các bước để giảm thiểu tác động trên. Luật lao động, sửa đổi năm 2019, sẽ dần nâng độ tuổi nghỉ hưu trong 1 thập kỷ tới, thêm 2 năm đối với nam (lên 62 tuổi) và 5 năm đối với nữ (lên 60 tuổi).
Điều này có nghĩa rằng bắt đầu từ năm 2021, độ tuổi nghỉ hưu mỗi năm sẽ tăng thêm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ. Nâng độ tuổi về hưu cũng đồng nghĩa với việc cải thiện chăm sóc sức khỏe và nâng thêm độ dài tuổi thọ. Tuổi thọ dự kiến vào năm 2017 là 76.4, tăng từ mức 67.5 của năm 1980, theo World Bank.
Biện pháp đối phó với vấn đề nhân khẩu học trên bằng cách tăng tỷ lệ tham gia vào thị trường lao động có vẻ như sẽ hạn chế. Tỷ lệ tham gia vào lực lượng lao động của cả nam và nữ đều đã đang ở mức khá cao, lần lượt là 86% và 79%.
Nguồn nhân lực
Chúng tôi kỳ vọng chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên giáo dục trong thời gian tới, nhưng sẽ tập trung hơn vào giáo dục đại học. Điều này sẽ giúp đảm bảo nguồn cung lao động có kỹ năng cho các công việc chuyên môn và kỹ thuật, giúp Việt Nam tiến lên cao hơn trong chuỗi giá trị. Duy trì tăng trưởng trong chất lượng giáo dục cũng được kỳ vọng hỗ trợ gia tăng việc làm trong các ngành năng suất cao.
Giáo dục đã trở thành ưu tiên của quốc gia kể từ chủ trương Đổi Mới vào năm 1986. Chính phủ đã đặt ra mục tiêu sử dụng 20% chi tiêu cho giáo dục và đào tạo mỗi năm, dù cho mục tiêu đó không phải lúc nào cũng đạt được. Số năm học trung bình từ độ tuổi 25-64 là khoảng 7.7 năm vào năm 2015, gấp đôi so với năm 1980, theo như số liệu từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Tỷ lệ biết chữ từ 15 tuổi trở lên là khoảng 95% vào năm 2016.
Nguồn vốn
Chúng tôi cũng cho rằng sự phát triển cơ sở hạ tầng sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với chính phủ Việt Nam trong tương lai. Câu hỏi duy nhất đó là nguồn vốn tư nhân sẽ bù đắp ở mức độ ra sao khi vốn vay ưu đãi sụt giảm khi thu nhập tiếp tục tăng lên. Tới thời điểm hiện tại, quy định chưa thật chặt chẽ và những rủi ro đang được chỉ ra là hạn chế đối với sự hợp tác của Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực cầu đường.
Trong tương lai gần hơn, sự khó lường từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể sẽ tiếp tục đẩy mạnh sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tựu chung lại, dự báo của chúng tôi cho rằng tăng trưởng vốn đầu tư sẽ duy trì ở mức cao (trung bình khoảng 8.6%) từ năm 2021 đến 2050.
Trong 1 thập kỷ vừa qua, vốn đầu tư của chính phủ ở mức trung bình khoảng gần 8% của GDP, trong đó có khoảng 5% GDP là từ các doanh nghiệp nhà nước, theo như IMF.
Dẫu vậy, vẫn có những thách thức về cơ sở vật chất cần phải giải quyết. Việc phủ sóng điện lưới toàn quốc đã gần như hoàn thành, tuy nhiên sản lượng năng lượng, năng lực truyền dẫn và phân phối sẽ cần được cải thiện mạnh mẽ để đạt được mức tăng trưởng tiêu thụ điện trên đầu người trung bình khoảng 8% qua năm 2030.
Còn nhiều việc cũng cần phải làm để cải thiện khả năng kết nối bằng sự mở rộng của mạng lưới giao thông. Dù vậy, quy mô của quá trình trên sẽ cần được mở rộng nhằm đáp ứng cho nền sản xuất và công nghiệp đang tăng trưởng nhanh chóng cũng như sự gia tăng của thu nhập hộ gia đình.
Năng suất
Chúng tôi kỳ vọng đầu tư sẽ tiếp tục được đổ vào cơ sở hạ tầng và giáo dục của Việt Nam để duy trì mức tăng trưởng về năng suất trong giai đoạn dự báo. Mức tăng trưởng vững chắc nhiều khả năng sẽ tiếp tục thu hút lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài, qua đó hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.