Bollinger Band
Anh Tùng, CFA
Senior Analyst
Hướng dẫn cơ bản về chỉ báo Bollinger Band.
Bollinger Band – gọi tắt là BB – là một chỉ báo kỹ thuật rất phổ biến hiện nay, BB được phát triển bởi John Bollinger, CFA, CMT và được sử dụng để đo lường biến động của thị trường. Chỉ báo này gồm 3 đường, một đường MA và hai đường nằm phía trên và phía dưới MA được tính toán dựa trên MA và độ biến động của giá trong quá khứ. Ba đường này không bao giờ giao nhau, nên hai đường nằm trên cùng và dưới cùng của chỉ báo sẽ di chuyển như một dải băng.
Công thức xây dựng chỉ báo BB
Giống như nhiều chỉ báo khác, chỉ báo BB có thể được tùy biến bởi hai biến số (m, n). Trước tiên, thành phần cơ sở của dải Bollinger là một đường MA (m) nằm ở giữa, thông thường là SMA 20. Tiếp đó, tại một điểm cần xét bất kỳ, ta sẽ tính độ lệch chuẩn (standard deviation) của một tập hợp dữ liệu giá của m nến, bao gồm nến hiện tại và m – 1 nến trước đó và gần nhất. Nếu bạn đã từng học xác suất thống kê, bạn sẽ nhớ cách tính độ lệch chuẩn giống như công thức dưới đây (nếu bạn chưa học môn này, bạn cũng chỉ cần nhớ công thức dưới đây):
Trong đó: σ là độ lệch chuẩn, Ai là các dữ liệu giá trong m nến cần xét, Ᾱ là giá trị trung bình của m dữ liệu giá đó.
Từ đường MA và độ lệch chuẩn, ta có thể xây dựng được tiếp hai đường band trên và dưới, theo như công thức dưới đây:
- Band trên = MA + nσ
- Band dưới = MA – nσ
Phổ biến nhất, hai đường band trên và dưới của chỉ báo BB được tính toán bằng cách cộng hoặc trừ 2 lần độ lệch chuẩn (tức lấy n = 2). Khi đó, khoảng 90% các mức giá sẽ nằm bên trong dải Bollinger này.
Tính chất của Bollinger Bands
Bollinger Bands là một chỉ báo kỹ thuật khá phổ biến. Nhiều nhà giao dịch tin rằng khi giá di chuyển càng gần đến band trên, thị trường càng thể hiện sự quá mua, và giá di chuyển càng gần đường band dưới, thị trường càng cho thấy sự quá bán.
Độ lệch chuẩn được tính toán để xây dựng chỉ báo BB. Nôm na, độ lệch chuẩn là một đại lượng đặc trưng cho độ biến động của giá, khi độ lệch chuẩn càng lớn đồng nghĩa với việc giá càng biến động mạnh, khi đó độ rộng của dải Bollinger được mở rộng. Ngược lại, dải Bollinger sẽ bó hẹp lại trong những giai đoạn thị trường ít biến động.
Chỉ báo BB được xây dựng từ một đường MA, và cũng giống như tính chất của đường MA, dải Bollinger cũng được xếp vào loại chỉ báo trễ.
Sử dụng Bollinger Bands trong phân tích kỹ thuật
Chỉ báo BB (20, 2) hay được sử dụng chứa khoảng 90% các dữ liệu giá. Vì vậy, những tín hiệu giá vượt ra ngoài phạm vi của dải băng có thể sẽ là một tín hiệu đáng chú ý. Tuy nhiên, những cú breakout này không hoàn toàn được coi là một tín hiệu giao dịch đảo chiều, nhiều trader cho rằng đây có thể là một tín hiệu mua hoặc bán theo xu hướng. Khi dải BB thu hẹp lại, báo hiệu biến động của thị trường đã giảm xuống và giá tiến vào giai đoạn tích lũy, lúc này nhiều nhà đầu tư kỳ vọng một tín hiệu dải băng mở rộng trở lại và thị trường tiến vào một xu hướng. Tuy vậy đây cũng khó được coi là một tín hiệu mua hoặc bán, bởi chỉ báo BB không cho bạn bất kỳ một thông tin gì về việc khi nào biến động thị trường tăng trở lại, hay giá sẽ di chuyển theo hướng nào.
Bạn có thể tham khảo thêm một bài viết khác của Dubaotiente về chủ đề BB tại đây, cũng như đón chờ bài viết sắp tới mà tôi sẽ tổng hợp về cách sử dụng chỉ báo này, được viết bởi chính tác giả John Bollinger.