Các quốc gia giàu có trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng thế nào bởi Covid-19
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Dịch Covid-19 đã làm đảo lộn hoạt động sản xuất trên khắp thế giới và câu hỏi đặt ra ở đây là các quốc gia sẽ bị tác động xấu tới mức nào?
IMF mới đây cũng vừa đưa ra cảnh báo về việc nền kinh tế thế giới sẽ chìm sâu vào viễn cảnh u ám nhất trong thế kỉ qua. Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2020 phát hành hồi đầu tháng 4, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới từ 6.3% (dự báo hồi đầu tháng 1/2020) xuống -3%, mức thấp hơn hẳn so với giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2009. Tuy nhiên ảnh hưởng của dịch bệnh lại rất khó đoán định bởi nó phụ thuộc vào giả định về thời gian cách ly, giả định của mô hình kinh tế. Một số công ty lớn như Starbucks, Dell đã giảm mục tiêu lợi nhuận xuống mức thấp, và cho rằng sắp tới họ sẽ còn phải đối mặt với tình hình khó khăn hơn. Một điều hiển nhiên có thể nhận ra đó là một vài nền kinh tế sẽ phải chịu tổn thất nặng nề hơn.
Khủng hoảng kinh tế đã làm tổn thương, và ảnh hưởng tiêu cực hơn tới các nền kinh tế yếu kém hơn. Nghiên cứu số liệu về GDP của The Economist trong 5 thập kỉ qua đã chỉ ra rằng tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia giàu có có xu hướng hội tụ trong thời kì kinh tế mở rộng, nhưng lại phân kì trong giai đoạn kinh tế suy thoái. Trong những năm đầu của thế kỉ 20, giá trị trung bình của mức chênh lệch tăng trưởng GDP của các nước giàu có tăng trưởng tốt nhất và kém nhất là 5%. Trong giai đoạn suy thoái tài chính năm 2008-2012, chênh lệch trung bình năm đã tăng lên 10%.
Các nhân tố để xác định mức độ tổn thương của nền kinh tế bởi dịch bệnh đó là cơ cấu ngành kinh tế, cơ cấu doanh nghiệp, và sự hiệu quả của chính sách tài khóa. The Economist đã sử dụng các nhân tố trên để xác định mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đối với 33 nền kinh tế giàu có của thế giới, kết quả đã chỉ ra các quốc gia khu vực Nam Âu chịu ảnh hưởng nặng nề hơn các quốc gia Bắc Âu và Mỹ.
Đầu tiên, hãy nhìn vào cơ cấu ngành kinh tế. Đóng cửa các nhà máy sẽ khiến các quốc gia phụ thuộc vào việc sử dụng nhiều lao động bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Đối với các quốc gia Trung Âu, nơi mà ngành xây dựng chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, mức độ ảnh hưởng nặng nề hơn. Điều này cũng tương tự với các nước Nam Âu - phụ thuộc nhiều vào du lịch, nơi mà số lượng lao động trong ngành du lịch chiếm tới một phần tám lực lượng lao động trong mảng phi tài chính. Ngược lại, các quốc gia có ngành khai khoáng chiếm tỷ trọng lớn, đòi hỏi ít lao động hơn thì ít bị ảnh hưởng hơn, ví dụ như Canada.
Cơ cấu ngành kinh tế cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ người có thể làm việc tại nhà, và do đó tránh được sự đình trệ do việc đóng cửa các công ty. Trong một bài báo được xuất bản vào ngày 10 tháng 4, Jonathan Dunel và Brent Neiman của Đại học Chicago ước tính rằng 45% công việc ở Thụy Sĩ có thể được thực hiện tại nhà. Nhiều người Thụy Sĩ làm việc trong các ngành công nghiệp, như tài chính, nơi tất cả những công việc cần làm đều thông qua máy tính xách tay. Những nước khác lại không thể có được sự thuận lợi như thế. Chưa đến một phần ba công việc tại Slovakia, một trung tâm sản xuất lớn của thế giới, có thể được thực hiện ngoài công ty; làm việc tại nhà cũng khó khăn ở Nam Âu. Nghiên cứu của Indeed, một trang web tìm kiếm việc làm, và nghiên cứu của ngân hàng trung ương Ireland cho thấy rằng kể từ khi đại dịch bắt đầu, tại các quốc gia mà làm việc tại nhà ít phổ biến hơn, số lượng tuyển dụng qua kênh trực tuyến đã giảm nhiều hơn.
Nhân tố thứ 2 đó là cơ cấu doanh nghiệp. Các nền kinh tế có tỷ trọng lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng tồi tệ hơn bởi việc đóng cửa doanh nghiệp và cách ly xã hội. Những doanh nghiệp này có tỷ trọng tiền trong cơ cấu tài sản khá thấp, điều khiến họ khó khăn hơn để sống sót trong giai đoạn doanh thu bị sụt giảm mạnh. Nghiên cứu của đại học Chicago, Đại học Harvard và Đại học Illinois cho thấy rằng một phần tư các công ty nhỏ ở Mỹ không có đủ tiền để duy trì hoạt động của công ty, thậm chí là chỉ trong một tháng. Gần một nửa lao động ở Ý và Úc làm việc cho các công ty có ít hơn mười nhân viên, trong khi đó tỷ lệ này tại Anh là một phần năm, và tại Mỹ còn thấp hơn một phần năm.
Yếu tố thứ 3 đánh giá mức độ ảnh hưởng của nền kinh tế bởi dịch bệnh là sự hiệu quả của chính sách tài khóa. Các nước giàu đã triển khai kích thích kinh tế với quy mô lớn chưa từng có. Ngay cả theo ước tính thận trọng nhất, giá trị của các gói kích thích kinh tế này lớn hơn gấp đôi so với năm 2008-09. Nhưng kích thước của các gói rất khác nhau giữa các quốc gia.
Nhật Bản và Mỹ là 2 quốc gia hào phóng nhất nếu tính giá trị các gói tài khóa theo phần trăm GDP. Các nhà đầu tư tại đây, nhận thấy giá trị tài sản của họ là tương đối an toàn, sẵn sàng giải ngân. Tuy nhiên, một số các nước trong khu vực đồng euro với mức nợ cao thì lại thận trọng hơn, có lẽ bị hạn chế bởi sự hạn chế là thành viên của một liên minh tiền tệ, họ chỉ có được một phần nhỏ sự hỗ trợ từ ngân hàng trung ương chung. Giá trị gói kích thích tài khóa tại Ý chỉ chiếm 1.4% GDP, bằng một phần ba so với Đức.
Mục đích sử dụng của các gói kích thích kinh tế cũng quan trọng như kích thước của nó. Nói cách khác, các nước giàu có hai cách tiếp cận để duy trì mức sống của người dân. Một số đang tập trung vào việc hỗ trợ thu nhập của hộ gia đình. Nước Mỹ đã phát séc cho các gia đình và tăng hỗ trợ cấp thất nghiệp. Nhật Bản dành 1.8% - 2.7% ngân sách bổ sung để hỗ trợ người lao động và người nghèo. Ngược lại, chính sách ở Bắc Âu và Úc chủ yếu nhằm duy trì việc làm bằng cách trợ cấp tiền lương.
Việc chính phủ cam kết bảo vệ việc làm thường là một ý tưởng tồi. Điều này ngăn các công nhân chuyển từ các ngành kinh tế yếu kém sang các ngành kinh tế có sức khỏe tốt, làm chậm quá trình phục hồi. Mức độ thoái kinh tế do coronavirus gây ra cũng có thể khác nhau. Một số công nhân Mỹ thậm chí cảm thấy ích lợi từ trợ cấp tốt hơn là tìm việc làm; theo Noah Williams của Đại học Wisconsin-Madison, các gói hỗ trợ ở sáu tiểu bang có thể vượt quá 130% mức lương trung bình. Điều đó có nghĩa là phải mất nhiều thời gian hơn để GDP phục hồi mức độ trước đại dịch nếu các biện pháp cách ly không sớm được xóa bỏ. Nếu các biện pháp hạn chế đi lại, cách ly xã hội sớm được dỡ bỏ, một số nền kinh tế châu Âu sẽ có thể khôi phục sản xuất một cách nhanh chóng, công nhân sẽ phải tìm kiếm việc làm mới, và các doanh nghiệp sẽ sẵn sàng thuê họ. Tuy nhiên, nếu thay vì suy thoái chỉ diễn ra trong vài tháng, việc đóng cửa các doanh nghiệp và cách ly do dịch bệnh trong thời gian dài hơn có thể khiến nền kinh tế chìm trong suy thoái lâu hơn.