Chủng Delta phủ mây mù lên triển vọng kinh tế Âu – Mỹ
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Nền kinh tế Mỹ và châu Âu đang bị mây mù che phủ, và viễn cảnh hồi phục kinh tế nhanh chóng chỉ có thể đạt được nếu tỷ lệ tiêm chủng được tăng tốc. Các kịch bản lạc quan đang bị lung lay bởi chủng Delta có tỷ lệ lây nhiễm cao, kềm hãm niềm hưng phấn đang cải thiện của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Kế hoạch đẩy nhanh hồi phục kinh tế bằng việc nới lỏng các hạn chế đi lại dành cho những người đã tiêm ngừa đầy đủ cũng đang chựng lại.
Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng xuống thấp
Số người đeo khẩu trang xuất hiện trên đường phố New York trong tháng 8 được ghi nhận là “đã tăng khá rõ” – theo các dữ liệu do hãng nghiên cứu Nikkei thu nhập. Nhưng triển lãm xe hơi quốc tế – dự kiến được tổ chức tại địa điểm triển lãm và sự kiện lớn nhất Manhattan – đã bị hủy bỏ bởi sự lan nhanh của chủng Delta. Triển lãm thường niên thường thu hút đến 1 triệu khách tham quan, vì thế việc hủy bỏ cũng làm xấu đi sự kỳ vọng vào hồi phục kinh tế ở địa phương.
Mức độ sử dụng các dịch vụ cũng đứng yên sau khi có đà tăng ấn tượng do chiến dịch tiêm chủng tạo hiệu ứng. Đầu năm nay, số đặt chỗ nhà hàng vẫn giảm nhiều so với các đối chiếu cùng kỳ năm 20219, nhưng số đặt chỗ này đã đạt mức trung bình +9% so với con số -5% trong tháng 7 – theo dữ liệu của công ty dịch vụ đặt chỗ nhà hàng OpenTable.
Các hãng bán lẻ, dịch vụ đã trông chờ vào màn trỗi dậy của “tiêu dùng tận hưởng” trong năm 2021 do người dân phần lớn phải ở trong nhà suốt năm 2020. Tuy vậy, niềm tin hay sự lạc quan của người tiêu dùng bắt đầu kém đi.
Đại học Chicago đã tiến hành xây dựng chỉ số niềm tin người tiêu dùng (CSI) bằng cách phỏng vấn trực tiếp người tiêu dùng trên đường phố về tình hình tài chính gia đình họ và suy nghĩ của họ về triển vọng nền kinh tế.
Đại học này ghi nhận chỉ số CSI đã xuống thấp nhất trong 10 năm dựa trên các khảo sát đầu tiên trong tháng 8 này. Sự thất vọng của người dân về sự quay lại của dịch bệnh, khác ngược hoàn toàn với kỳ vọng dịch sẽ chấm dứt, đã khiến CSI thấp hơn cả mức của năm 2020 do các hoạt động kinh tế hiện nay bị ngưng trệ.
Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Mỹ đạt điểm cao đụng trần trong tháng 6, nhưng bắt đầu giảm liên tiếp trong tháng 7 và tháng 8. Hãng nghiên cứu Oxford Economics đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ từ 7% xuống còn 6,1% vào đầu tháng 8.
Hiện giờ, nhiều người kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ duy trì mức tăng trưởng cao, cao hơn cả tiềm năng thực của nền kinh tế, dù có phong tỏa ở một vài bang. Nhưng nhiều chuyên gia kinh tế Mỹ tham dự cuộc họp của Hội đồng thị trường mở liên bang (FOMC) của Quỹ Dự trữ Liên bang (Fed) hồi tháng 7 đã ghi nhận rằng chủng Delta có nguy cơ kéo triển vọng kinh tế của Mỹ xuống.
Chính quyền nội các Tổng thống Joe Biden sẽ bắt đầu tiến hành tiêm liều vaccine thứ ba vào cuối tháng 9 tới cho những ai đã tiêm đầy đủ hai mũi. Cũng từ giữa tháng 8, New York và vài thành phố khác đã buộc người dân vào nhà hàng, gym, nhà hát hay các điểm công cộng đã yêu cầu mọi người trình mã QR đã tiêm đầy đủ.
Nhưng nếu các đợt bùng dịch không được ngăn chặn, các chiến dịch chống Covid cần có các thay đổi căn cơ, bao gồm kiểm soát dịch chặt chẽ trong các hoạt động kinh tế hay sản xuất – điều mà các nước Đông Nam Á đang áp dụng.
Mã QR chứng nhận tiêm đầy đủ đã được sử dụng rộng rãi ở EU từ giữa tháng 7, góp phần tăng niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Giám đốc một khách sạn ở đảo nghỉ dưỡng Capri nổi tiếng ở vùng Địa Trung Hải của Ý đã hào hứng thông báo khách sạn đã “được đặt hết phòng” từ giữa tháng 8.
Tuy nhiên, chủng Delta đã cũng phủ bóng mờ lên triển vọng kinh tế của lục địa già. Chỉ số niềm tin kinh tế do Trung tâm nghiên cứu kinh tế châu Âu (ZEW) của Đức đã từ mức 63,3 điểm trong tháng 5 xuống còn 40,4 điểm trong tháng 8 này, giảm hơn 36,1% số điểm trong ba tháng liên tiếp.
Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cảnh bảo rằng chủng Delta “có thể làm giảm sự hồi phục của ngành dịch vụ, đặc biệt là ngành du lịch và khách sạn”.
Các đơn hàng cuối năm bị đình trệ
Chủng Delta cũng hoành hành ở châu Á, khiến các hoạt động của nhà máy và cảng biển hỗn loạn. Hãng xe Toyota sẽ giảm sản lượng toàn cầu đến 40% trong tháng 9 do tỷ lệ tăng dịch bệnh ở Đông Nam Á. Người tiêu dùng phải đối diện với sự thật mới là phải mua đắt hơn trong các tháng còn lại của năm 2021 và cả năm 2022. Trong khi đó, cảng biển container lớn thứ ba của Trung Quốc đóng cửa, khiến cước tàu biển tiếp tục tăng mạnh và đơn hàng bị nghẽn.
Nếu tình hình tiếp tục biến động, chuỗi cung ứng vẫn đứt gãy có thể ảnh hưởng đến triển vọng tiêu dùng ở hai thị trường Mỹ và châu Âu. Các mặt hàng giày dép, may mặc, đồ gỗ và đồ điện tử gia dụng sản xuất tại Việt Nam, các nước Đông Nam Á khác và Trung Quốc được đưa sang tiêu thụ tại hai thị trường lớn này. Nhu cầu luôn lên đỉnh vào dịp Black Friday – lễ hội mua sắm lớn nhất trong năm trên thế giới, và tiếp đó là lễ Giáng sinh vào tháng 12.
Theo Korea Times, Samsung Electronics lo ngại không thể đáp ứng thời hạn giao các đơn hàng điện tử gia dụng từ Việt Nam cho thị trường Mỹ trong dịp Black Friday – lễ hội mua sắm lớn nhất thế giới vào tháng 11 sắp tới. Nhà máy của Samsung tại Khu công nghệ Sài Gòn (SHTP) sản xuất TV, tủ lạnh, máy giặt và máy hút bụi cho các thị trường Đông Nam Á, châu Âu và Mỹ.
Samsung cũng nói rằng các đợt dịch trong tháng 5 vừa rồi tại Bắc Ninh và Thái Nguyên khiến Samsung bị đối thủ Xiaomi của Trung Quốc qua mặt, giành vị trí hãng sản xuất smartphone lớn nhất thế giới trong tháng 6-2021. Hiện sản xuất của tập đoàn ở hai nơi này đã khôi phục.
Adidas và Nike trước đó cũng nói chuỗi cung ứng giày dép và đồ thể thao của họ tại Đông Nam Á bị đình trệ do đợt dịch từ cuối tháng 4 đến nay. Tình trạng khan hàng có thể xảy ra trong thời gian tới.
Tốc độ hồi phục kinh tế toàn cầu hiện trông chờ vào sự hồi phục của hai khối kinh tế lớn này và cả khả năng khống chế sự lây lan của chủng Delta.
Link gốc tại đây.
Theo The Saigontimes