Chứng khoán Trung Quốc lao dốc: Liệu nhà đầu tư nên tiếp tục kỳ vọng vào gói kích cầu "khổng lồ" của Bắc Kinh?

Chứng khoán Trung Quốc lao dốc: Liệu nhà đầu tư nên tiếp tục kỳ vọng vào gói kích cầu "khổng lồ" của Bắc Kinh?

Đặng Thùy Linh

Đặng Thùy Linh

Junior Analyst

16:21 09/10/2024

Chứng khoán Trung Quốc đã giảm mạnh vào thứ Tư, chấm dứt chuỗi tăng kỷ lục sau khi Trung Quốc không có đưa ra các gói kích cầu như mong đợi.

Chỉ số CSI 300 đã giảm 7.1%, đây là mức giảm lớn nhất trong phiên kể từ tháng 2 năm 2020. Điều này xảy ra khi các nhà đầu tư cảm thấy không rõ ràng về kế hoạch kích thích tăng trưởng kinh tế của Bắc Kinh.

Trước đó, nhiều người đã kỳ vọng rằng sau các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ nhắm vào thị trường chứng khoán và bất động sản, sẽ có thêm các khoản chi khác để khuyến khích doanh nghiệp và người tiêu dùng chi tiêu.

Tuy nhiên, cuộc họp báo vào thứ Ba đã không cung cấp thêm thông tin chi tiết, khiến nhiều người thất vọng. Giờ đây, mọi sự chú ý đang đổ dồn vào cuộc họp báo của bộ tài chính vào thứ Bảy tới.

Điều gì đã xảy ra vào thứ Ba?

Zheng Shanjie, chủ tịch Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc, cho biết sẽ đẩy nhanh việc phát hành trái phiếu để hỗ trợ nền kinh tế. Ông hứa sẽ chi 200 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 28 tỷ USD) từ ngân sách năm tới cho các dự án về chi tiêu và đầu tư.

Ông cũng đề cập đến các biện pháp để ổn định thị trường bất động sản và thúc đẩy "niềm tin" về việc Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm nay.

Tuy nhiên, thông báo này không làm hài lòng nhiều nhà đầu tư. Chứng khoán Hong Kong và Trung Quốc lao dốc, chỉ số Hang Seng giảm mạnh nhất kể từ tháng 10 năm 2008 vào thứ Ba. Chỉ số CSI 300 ,đã tăng hơn 33% trong tháng qua, cũng đã kết thúc chuỗi 10 phiên tăng liên tiếp vào thứ Tư.

Liệu nhà đầu tư có đang hiểu sai về một gói kích cầu "khổng lồ" sắp tới không?

NDRC khó có thể đưa ra một gói kích thích lớn. Đây là một cơ quan quyền lực, chủ yếu tập trung vào thực hiện và giám sát, không phải xây dựng chính sách.

Rory Green, giám đốc bộ phận nghiên cứu Trung Quốc tại TS Lombard, cho rằng thị trường có thể đã kỳ vọng quá cao về việc Bắc Kinh sẽ đưa ra các biện pháp kích cầu lớn hơn sau khi bộ chính trị đã cam kết hỗ trợ mạnh mẽ hơn.

Ông cho rằng gói kích cầu mà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công bố không đủ mạnh và không cho thấy sự thay đổi trong cách tiếp cận "tăng trưởng bằng mọi giá". Ông nhận định rằng chính quyền hiện tại vẫn đang cố gắng ổn định kinh tế hơn là thúc đẩy tăng trưởng trở lại.

Xu Zhong, người đứng đầu cơ quan quản lý thị trường liên ngân hàng của Trung Quốc, đã cảnh báo rằng nhà đầu tư không nên hiểu sai thông báo của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc rằng đây là một dấu hiệu cho thấy ngân hàng trung ương đang mua cổ phiếu.

Ông cũng bày tỏ lo ngại về việc các quỹ sử dụng đòn bẩy đầu tư vào cổ phiếu, điều này đã từng xảy ra trong bong bóng thị trường chứng khoán Trung Quốc năm 2015. Cảnh báo của ông có thể đã giúp làm xoa dịu cơn sốt trên thị trường.

Liệu có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sắp triển khai một gói kích cầu lớn không?

Mặc dù chưa có thông tin mới từ NDRC, nhiều người vẫn hy vọng Trung Quốc sẽ công bố các kế hoạch cụ thể hơn trong những tuần tới, đặc biệt là từ cuộc họp báo của Bộ Tài chính sắp tới.

Vào thứ Ba, NDRC thông báo họ đang " phối hợp với các bộ phận liên quan để mở rộng đầu tư một cách hiệu quả" và sẽ "thực hiện nhanh chóng" các bước mà bộ chính trị đã đề ra. Các nhà phân tích từ HSBC cho rằng điều này mang tính "xây dựng". Họ cũng dự đoán sẽ có "cơ hội hành động" khi Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc tổ chức cuộc họp vào cuối tháng 10.

Các chuyên gia phân tích của Goldman Sachs cho rằng nếu có một gói kích thích lớn, nó có thể cần sự phối hợp từ nhiều bộ khác nhau, như Bộ Tài chính, cơ quan quản lý nhà ở và Bộ chính trị.

Tuy nhiên, các nhà phân tích của CreditSights cảnh báo rằng mặc dù không loại trừ khả năng có thêm các biện pháp kích thích kinh tế, quy mô của gói kích thích này có thể không đạt kỳ vọng của thị trường.

Gói kích cầu có thể được triển khai như thế nào?

Các nhà đầu tư đã đưa ra nhiều ý kiến khác nhau về quy mô gói kích thích, từ 1,000 tỷ Nhân dân tệ đến 10,000 tỷ Nhân dân tệ.

Citi ước tính một kịch bản hợp lý là khoảng 3,000 tỷ Nhân dân tệ trong năm nay, bao gồm 1,000 tỷ để bù đắp cho khoản thâm hụt ngân sách của chính quyền địa phương, 1,000 tỷ để thúc đẩy tiêu dùng, và 1,000 tỷ để giúp tái cấp vốn cho các ngân hàng.

Green cho biết việc hỗ trợ các ngân hàng lớn không thực sự "cần thiết", nhưng có thể có lợi nếu những khoản tiền này được chuyển đến các ngân hàng nhỏ đang gặp khó khăn do khủng hoảng bất động sản kéo dài.

Nicholas Yeo, giám đốc đầu bộ phận phân tích thị trường chứng khoán Trung Quốc tại Abrdn, nhấn mạnh rằng vấn đề chính vẫn "không phải là tín dụng sụt giảm mà là nhu cầu suy yếu", và cho rằng bất kỳ gói kích thích nào cũng cần giúp chi tiêu tiêu dùng tăng lên để có tác động tích cực lâu dài.

Điều này có đủ để cải thiện nền kinh tế Trung Quốc không?

Trong bốn năm qua, cả nhà đầu tư và người dân Trung Quốc đều hy vọng chính quyền của Tập Cận Bình sẽ ưu tiên tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, chưa thể chắc chắn liệu các biện pháp kích cầu có thể phục hồi niềm tin sau những tổn thất do đại dịch, sự sụp đổ của ngành bất động sản và sự kiểm soát của Đảng đối với kinh tế hay không.

Aaditya Mattoo, chuyên gia kinh tế tại World Bank, cho biết các vấn đề lâu dài như dân số già hoá nhanh chóng và chế độ bảo trợ xã hội hạn chế đang làm cho tình hình khó khăn hơn khi giá bất động sản giảm và thu nhập tăng chậm, buộc các hộ gia đình Trung Quốc phải tiết kiệm thay vì chi tiêu. Những vấn đề này có thể không được giải quyết chỉ bằng các gói kích thích kinh tế.

Nhiều nhà phân tích cũng cho rằng sự do dự của Bắc Kinh trong việc hành động mạnh mẽ hơn có thể phản ánh mối lo ngại về việc cần duy trì nguồn lực tài chính để thực hiện một gói kích thích lớn hơn trong trường hợp Donald Trump đắc cử tổng thống và áp thuế cao hơn với hàng hóa Trung Quốc.

Financial Times

Broker listing

Cùng chuyên mục

Loạt thách thức sắp tới đòi hỏi nguồn lực tài chính vững mạnh hơn của Liên minh châu Âu
Đặng Thùy Linh

Đặng Thùy Linh

Junior Analyst

Loạt thách thức sắp tới đòi hỏi nguồn lực tài chính vững mạnh hơn của Liên minh châu Âu

Các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề trong 5 năm tới: Khôi phục nền kinh tế, giảm phát thải khí carbon, cải thiện hạ tầng năng lượng và kỹ thuật số, thiết lập khả năng phòng thủ vững chắc, và xử lý các cú sốc bất ngờ khác.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cần nhanh chóng hành động để không bị đẩy vào thế khó
Huyền Trần

Huyền Trần

Junior Analyst

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cần nhanh chóng hành động để không bị đẩy vào thế khó

Cơn sốt cổ phiếu ấn tượng của Trung Quốc có thể tan biến chỉ sau một đêm nếu chính phủ không có hành động cụ thể. Mặc dù nhà đầu tư vẫn giữ niềm tin vào Tập Cận Bình, nhưng sự thiếu hụt thông tin từ các nhà hoạch định chính sách đã khiến chỉ số Hang Seng lao dốc 9.4% ngay lập tức. Nếu không có động thái mạnh mẽ ngay bây giờ, Tập Cận Bình có thể đánh mất không chỉ cơ hội phục hồi nền kinh tế mà còn cả uy tín cá nhân của mình.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ