Đà tăng ngắn ngủi của dầu chấm dứt trong sự lo âu về nhu cầu năng lượng dài hạn
Lê Bảo Khánh
Founder
Mỹ, trong những nỗ lực cứu vớt ngành công nghiệp dầu đá phiến, chắc chắn sẽ đưa ra các biện pháp mạnh mẽ nhằm hỗ trợ giá dầu. Tuy nhiên, chỉ những thay đổi tích cực về nhu cầu năng lượng toàn cầu trong dài hạn mới có thể đem đến những sự hỗ trợ thật sự bền vững cho giá dầu.
Việc giá dầu thế giới có pha điều chỉnh bật lên tới gần 45% đến từ 2 tác nhân chính. Thứ nhất, sự sụt giảm khủng khiếp trong thời gian qua khiến dầu trở thành 1 món hời đối với 1 số nhà đầu tư, với niềm tin rằng cuộc bán tháo vừa qua là 1 sự phản ứng thái quá của thị trường. Thứ hai, tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu phát đi những tín hiệu về việc sẽ đưa ra những can thiệp đối với cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Ả Rập Xê Út vào thời điểm thích hợp.
Có những nguồn tin cho biết chính quyền Tổng thống Trump đang xem xét tiến hành các nỗ lực ngoại giao để Ả Rập Xê Út hạn chế nguồn cung dầu mỏ, đồng thời sử dụng những biện pháp đe dọa trừng phạt đối với Nga để buộc nước này phải trở lại bàn đàm phán. Những thông tin trên nếu chính xác, sẽ trở thành những tín hiệu hỗ trợ tích cực cho giá dầu, trong bối cảnh Bộ Năng lượng Mỹ cho biết họ sẽ mua tới 30 triệu thùng dầu thô để dự trữ chiến lược tới cuối tháng 6/2020.
Tuy nhiên, cần phải đặc biệt lưu ý rằng yếu tố quyết định mạnh mẽ nhất đối với giá dầu không phải những sự can thiệp của Mỹ vào cuộc chiến giá dầu của Nga - Ả Rập Xê Út hay những quyết định mua bổ sung dự trữ quốc gia, mà chính là nhu cầu năng lượng toàn cầu trong thời gian tới.
Các con số ước tính liên tục bị điều chỉnh theo chiều hướng tiêu cực. Goldman Sachs nhận định nhu cầu sẽ giảm tới 8 triệu thùng 1 ngày vào cuối tháng 3, trong khi 1 báo cáo mới đây của Rystad Energy cho thấy nhu cầu thậm chí sẽ giảm tới 10 triệu thùng/ngày trong tháng 4 tới, so với cùng kì năm trước.
Những nhận định trên hoàn toàn có cở sở nếu xem xét những thông tin vô cùng tiêu cực xuất hiện hàng ngày trên mặt báo. Thống đốc tiểu bang California mới đây đã ban hành lệnh yêu cầu 40 triệu dân ở nhà, điều chắc chắn sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhu cầu năng lượng toàn cầu, cân nhắc rằng quy mô nền kinh tế tiểu bang này nếu tách riêng sẽ đứng tới thứ Năm toàn cầu.
Sự sụt giảm của giá dầu hoàn toàn có thể kéo dài trong bối cảnh đang xuất hiện những lo ngại về thời gian các quốc gia áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19. Mới đây, nhóm cố vấn khoa học về các vấn đề khẩn cấp của Anh cho rằng các biện pháp hạn chế giao tiếp xã hội có thể kéo dài tới 1 năm.
Những kịch bản như vậy là mối nguy hiểm chính cho nhu cầu dầu và giá dầu trong dài hạn. Còn trong ngắn hạn, chắc chắn chúng ta sẽ được chứng kiến những sự biến động khủng khiếp của giá dầu, với những phiên bán tháo điên cuồng, và thỉnh thoảng cũng kéo theo những pha bật tăng điều chỉnh mạnh.