'Đại Nghỉ việc' ở Mỹ
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Trong vài tháng qua, số lượng người Mỹ nghỉ việc ngày càng tăng, lên hơn 4,4 triệu người chỉ tính trong tháng 9.
Báo cáo về hiện tượng nghỉ việc hàng loạt không ngừng tăng lên trong khoảng thời gian gần đây.
Trong vòng vài tháng qua, số lượng người lao động Mỹ bỏ việc đang tăng lên ở mức báo động - hơn 4,4 triệu người chỉ tính trong tháng 9.
Trong suốt quãng thời gian đó, xuất hiện không ít những câu chuyện kể về những nhân viên đã quá mệt mỏi trong suốt thời gian dịch bệnh, mong muốn rời bỏ công việc hiện tại nếu không được tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc.
Sự bất mãn là nguyên nhân rõ ràng nhất đằng sau “phong trào” nghỉ việc này, và do đó, các nhà tuyển dụng lao động trong khoảng thời gian gần đây đã chú ý hơn tới việc bằng cách nào họ có thể tìm ra những động lực thích đáng để giữ chân nhân viên.
Tuy nhiên, vấn đề này có vẻ phức tạp hơn so với nhiều người nhìn nhận và nguyên nhân phần nào bắt nguồn từ dịch bệnh.
Các nhà kinh tế học tại ngân hàng Barclays lại đưa ra một giả thiết hoàn toàn khác. Họ cho rằng xu hướng này thể hiện sự do dự, hay sự lo lắng về những yếu tố có liên quan tới đại dịch Covid-19 sẽ biến mất trong tương lai.
Nhiều người chưa quay trở lại làm việc
Dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy trong khi số lượng người bỏ việc đang tăng cao thì số vị trí tuyển dụng mới cũng đang tăng mạnh, đạt 6,5 triệu trong tháng 9, nhiều hơn 2 triệu so với số lượng người nghỉ việc.
Cho dù số lượng tuyển dụng mới có đôi phần giảm sút so với mùa hè năm nay, nhưng đó vẫn là con số cao nếu như so sánh với thời điểm trước đại dịch. Cũng trong giai đoạn này, tỷ lệ người lao động phải nghỉ việc tạm thời vẫn duy trì ở mức ổn định trong phần lớn năm nay, được phản ánh quá số lượng hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp hàng tuần, thậm chí còn ít hơn đôi chút so với thời điểm trước khi đại dịch ập tới.
Tất cả góp phần tạo nên một thị trường việc làm trong đó xu hướng người lao động nghỉ việc bắt nguồn nhiều hơn từ các mối lo ngại tạm thời liên quan tới Covid-19, theo nhận định của nhiều người.
“Chúng tôi tin rằng làn sóng người lao động nghỉ việc phần nhiều là biểu hiện của một loạt các động cơ ngầm khác đang ảnh hưởng tới tỷ lệ tham gia thị trường lao động”, theo Jonathan Millar, nhà kinh tế học tại Barclays.
“Trên thực tế, tỷ lệ người lao động bỏ việc cao là một ý niệm đánh lạc hướng chúng ta khỏi thực tế rằng có rất ít người quay trở lại làm việc sau đại dịch Covid-19, theo quan điểm của chúng tôi”, Millar viết. Thay vào đó, nguyên nhân sâu xa đó chính là sự do dự của người lao động khi quay trở lại làm việc, bắt nguồn từ những ảnh hưởng gắn liền với đại dịch như tỷ lệ lây nhiễm, các bệnh liên quan tới việc nhiễm Covid-19, và sự thiếu hụt khả năng chăm sóc con cái”.
Điều đó cho chúng ta thấy một mặt hoàn toàn khác của xu hướng người lao động bỏ việc hàng loạt này.
Hiện tại, vấn đề về sự giảm sút lực lượng lao động là tương đối nghiêm trọng, và đang “làm khó” các nhà hoạch định chính sách tại Fed cũng như nhiều cơ quan chính phủ khác.
Tỷ lệ gia nhập thị trường lao động, một phương pháp tính dựa trên tỷ lệ người lao động hoặc người đang tìm việc làm trên tổng số lượng người trong độ tuổi lao động, đang ở 61,6% - thấp hơn 1,7% so với thời điểm trước đại dịch- tương đương với khoảng 3 triệu người kể từ tháng 2/2020.
Các quan chức Fed cho biết họ sẽ không tăng lãi suất cho tới khi thị trường lao động tiến gần tới mức trước đại dịch, và việc theo dõi mức độ ổn định của tỷ lệ gia nhập thị trường lao động sẽ là một phần trong quá trình đánh giá đó. Dung lượng thị trường lao động hiện tại cao hơn khoảng 1,4 triệu người so với hồi đầu năm 2021, những vẫn chưa chạm tới mức kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách.
Barclays cho biết sự sụt giảm trong tỷ lệ gia nhập thị trường lao động chủ yếu đến từ những người đã lập gia đình mà người phối ngẫu của họ đã rời khỏi thị trường lao động trong khoảng thời gian cuối mùa hè năm 2020, và chưa quay trở lại.
“Tình hình hiện tại khiến chúng tôi tin rằng nhiều người trong số đó sẽ dần dần quay trở lại làm việc. Điều này được củng cố bằng kết quả các cuộc khảo sát, cho thấy các nỗi lo liên quan tới dịch bệnh Covid-19, ví dụ như rủi ro lây nhiễm, các triệu chứng bệnh và những hỗ trợ thu nhập mùa dịch, vẫn là những yếu tố quan trọng khiến cho nhiều người lao động đắn đo việc gia nhập lại thị trường.
Những người bỏ việc tới từ đâu?
Khoảng một nửa số người lao động nghỉ việc trong năm nay được ghi nhận trong lĩnh vực lưu trú, nghỉ dưỡng - ngành phải chịu áp lực ghê gớm từ dịch bệnh, và những quy định phòng dịch ngặt nghèo.
Tuy nhiên, khoảng 20% trong số đó lại đến từ những lĩnh vực dịch vụ kinh doanh, chuyên nghiệp, theo DataTrek Research. Với nhiều trường hợp nghỉ việc tới từ các vị trí lãnh đạo, bao gồm cả CEO, xu hướng này “dường như là một tín hiệu tích cực đối với thị trường lao động”, nhà đồng sáng lập DataTrek, viết trong một báo cáo gần đây.
“Tỷ lệ người lao động nghỉ việc từ xưa vốn là một phương pháp đo lường mức độ tự tin về khả năng tài chính, khi người lao động thường tự nguyện bỏ việc sau khi nhận được một cơ hội tốt hơn”, Rabe bổ sung. “Tỷ lệ người nghỉ việc cao sẽ góp phần gây áp lực lên chế độ đãi ngộ, lương thưởng trong bối cảnh lạm phát và chi tiêu tiêu dùng của người dân tăng cao".
Trên thực tế, mức lương đã bắt đầu tăng trọng khoảng thời gian gần đây, hiện cao hơn khoảng 4,9% so với tháng 10/2020.
Tuy nhiên, đó cũng có thể là một mặt tiêu cực, khi sự khó khăn trong công tác tìm kiếm người lao động sẽ thúc đẩy các chủ doanh nghiệp nâng cao mức độ tự động hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đó là một lý do cho thấy những động cơ đằng sau xu hướng nghỉ việc hàng loạt có thể thay đổi một cách nhanh chóng.
“Trong bối cảnh này, chúng tôi tự báo xu hướng tự động hóa sẽ gia tăng khi mà các doanh nghiệp gặp khó trong việc tìm kiếm người lao động, và phải đối mặt với áp lực lớn từ chi phí nhân công”, Rabe viết.
“Đây sẽ là một xu hướng quan trọng mà chúng ta cần phải theo dõi khi nó có thể hình thành nên hình hài của thị trường lao động trong dài hạn, vì một khi tự động hóa đã được áp dụng, sẽ rất khó để có thể đảo ngược”.
Link gốc tại đây.
Theo NDH