Danske Bank Research: Chính phủ Anh 'nóng mặt' khi lợi suất tăng trên diện rộng; tâm điểm chú ý chuyển hướng sang báo cáo NFP
Thành Duy
Junior editor
Nhận định bởi Bộ phận Nghiên cứu tại Danske Bank.
Điểm nhấn hôm nay
Bảng lương phi nông nghiệp (NFP) tháng 12 của Mỹ, dữ liệu được mong đợi nhất tuần sẽ được công bố vào lúc 20:30 theo giờ Việt Nam. Chúng tôi dự báo tăng trưởng việc làm phi nông nghiệp sẽ chậm lại với 170,000 việc làm mới (thấp hơn đáng kể con số 227,000 của tháng trước), tỷ lệ thất nghiệp giữ ổn định ở mức 4.2% và tăng trưởng lương trung bình theo giờ đạt 0.3% so với tháng trước (đã điều chỉnh theo mùa). Ngoài ra, khảo sát sơ bộ về tâm lý người tiêu dùng tháng 1 của Đại học Michigan cũng sẽ được công bố vào tối nay.
Những diễn biến đáng chú ý gần đây
Trung Quốc
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tuyên bố ngừng mua trái phiếu chính phủ (TPCP) cho đến "thời điểm thích hợp" do nguồn cung khan hiếm trên thị trường. Quyết định này được đưa ra vài tháng sau khi PBOC thông báo sẽ bắt đầu mua TPCP như một phần trong các biện pháp bơm thêm thanh khoản cho thị trường. Lợi suất TPCP Trung Quốc đã nhích tăng nhẹ sau thông tin này.
Eurozone
Doanh số bán lẻ tăng 0.1% so với tháng trước vào tháng 11 (đã điều chỉnh theo mùa), sau khi giảm 0.3% trong tháng 10. Đà phục hồi của doanh số bán lẻ kể từ nửa cuối năm 2023 đã có dấu hiệu chững lại gần đây, tương tự như xu hướng của niềm tin người tiêu dùng. Đây là một tín hiệu đáng quan ngại cho triển vọng GDP của khu vực, bởi tiêu dùng được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng chính trong năm 2025.
Đức
Sản xuất công nghiệp đã phục hồi trong tháng 11, tăng 1.5% so với tháng trước (đã điều chỉnh theo mùa) sau khi giảm 0.4% vào tháng 10. Sự tăng trưởng này diễn ra trên diện rộng ở các lĩnh vực sản xuất, xây dựng và năng lượng. Xu hướng giảm sút của sản xuất công nghiệp đã bớt nghiêm trọng hơn trong nửa cuối năm 2024. Xu hướng này cũng được phản ánh qua "lượng xe tải lưu thông qua trạm thu phí", mặc dù vẫn ở mức thấp nhưng hiện đã ổn định. Những dữ liệu thực tế này có phần trái ngược với chỉ số PMI vẫn đang ở mức thấp. Nhìn chung, chúng tôi dự báo xu hướng giảm của sản xuất công nghiệp sẽ tiếp diễn, có thể kéo theo GDP giảm nhẹ trong cả Q4/2024 và Q1/2025, trước khi mức lãi suất thấp hơn và lương thực tế tăng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tăng trưởng tạm thời trong nửa cuối năm nay và 2026.
Anh
GBP và TPCP Anh (Gilts) tiếp tục chịu áp lực. Lợi suất Gilt kỳ hạn 30 năm đã đạt mức cao nhất kể từ năm 1998, vượt mốc 5.35%. Trong bối cảnh điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt và lợi suất tăng, Anh đang ở vị thế dễ bị tổn thương do tình hình tài khóa kém ổn định với nợ công và thâm hụt ngân sách lớn. Ngân sách mở rộng của chính phủ Lao động công bố cuối tháng 10 đang chịu áp lực do lợi suất nhảy vọt, trong khi tăng trưởng kinh tế lại yếu hơn dự kiến. Như chúng tôi đã phân tích trước đó, chính phủ Anh có thể sẽ buộc phải xem xét lại một số biện pháp hoặc tăng thuế trong phiên họp tài khóa tiếp theo vào tháng 3.
Địa chính trị
Hôm qua, chúng tôi đã công bố bản cập nhật báo cáo tình hình địa chính trị, trong đó, những điểm chính cần lưu ý vào tháng 1 bao gồm: lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump; ngày hết hạn lệnh ngừng bắn giữa Hezbollah - Israel; liệu EU và Trung Quốc có thể đạt được tiến triển nào trong đàm phán thuế quan hay không.
Chứng khoán
Thị trường chứng khoán toàn cầu nhìn chung không có nhiều biến động trong ngày hôm qua. Chứng khoán Châu Âu tăng điểm, trái ngược với Châu Á, trong khi thị trường Mỹ đóng cửa. Khẩu vị rủi ro tại Châu Âu đã có sự cải thiện nhẹ, tuy nhiên, hôm qua không phải là một ngày có nhiều thông tin vĩ mô tích cực. Dù vậy, không thể phủ nhận việc chứng khoán Châu Âu gần đây đã có diễn biến khá tốt, vượt trội so với thị trường Mỹ. Điều này cho thấy kỳ vọng dành cho nền kinh tế Châu Âu hiện đang ở mức tương đối thấp. Kết phiên hôm qua, STOXX 600, FTSE 100 và CAC 40 tăng lần lượt 0.4%, 0.8% và 0.5%, trong khi DAX giữ nguyên.
Lợi suất
Áp lực lên TPCP Eurozone tiếp tục gia tăng trong phiên giao dịch hôm qua, khi thị trường tập trung vào nguồn cung lớn đang được tung ra thị trường. Câu chuyện nợ công đang là tâm điểm chú ý tại thị trường trái phiếu Anh, và lợi suất Gilt kỳ hạn 30 năm đã chạm mức cao nhất kể từ năm 1998 trong ngày hôm qua. Trong bối cảnh điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt do lợi suất tăng, câu hỏi đặt ra là liệu các ngân hàng trung ương có nên can thiệp và họ sẽ phản ứng như thế nào. Hiện tại, cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) dường như đều đang tỏ ra thận trọng, có thể là do họ đang chờ đợi để đánh giá mức độ bền vững của xu hướng biến động gần đây. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Anh đã ra tuyên bố công khai, khẳng định rằng khả năng lặp lại cuộc khủng hoảng Gilts năm 2022 là rất thấp, nhờ vào mức độ thanh khoản và tài sản thế chấp cao hơn đáng kể của các nhà đầu tư tổ chức hiện nay.
Ngoại hối
EUR/USD dao động quanh ngưỡng 1.0300 khi các nhà giao dịch tỏ ra thận trọng trước thềm báo cáo việc làm NFP được công bố tối nay. Dữ liệu thị trường lao động Mỹ trong tuần này mang đến bức tranh khá trái chiều. Báo cáo việc làm của ADP thấp hơn dự kiến (vốn được coi là một chỉ báo kém tin cậy cho NFP), trong khi cả JOLTS và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đều cho thấy sự phục hồi của thị trường lao động. Chúng tôi dự kiến số lượng việc làm phi nông nghiệp mới sẽ đạt 170,000 (dự báo của thị trường: 163,000, tháng trước: 227,000). Nếu dữ liệu thực tế gần hoặc khớp với dự báo, phản ứng của thị trường có thể sẽ không quá mạnh, trừ khi có bất ngờ đáng kể về tỷ lệ thất nghiệp hoặc tăng trưởng lương trung bình theo giờ (thị trường dự báo ở mức lần lượt là 4.2% và 0.3% so với tháng trước). Chúng tôi vẫn duy trì quan điểm giảm đối với USD trong ngắn hạn, đồng thời cơ hội phục hồi cho EUR/USD theo đó cũng mở ra.
Bảng Anh tiếp tục trải qua một ngày giao dịch đầy thách thức khi GBP/USD tiếp đà giảm và EUR/GBP vượt mốc 0.8400. Do đồng bạc xanh mạnh lên cùng với lợi suất, chúng tôi đã quyết định đóng vị thế mua GBP/USD. Như chúng tôi đã phân tích trước đó, chính phủ Anh có thể sẽ buộc phải cân nhắc lại một số biện pháp hoặc tăng thuế trong phiên họp tài khóa tiếp theo dự kiến diễn ra vào tháng 3. Đối với GBP, nếu so với EUR, việc điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt và lợi suất TPCP Mỹ tăng cao thường là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng cho đến khi khẩu vị rủi ro toàn cầu trở nên tiêu cực. Nguyên nhân là do Anh đang phải đối mặt với thâm hụt tài khoản vãng lai lớn, khiến GBP dễ bị ảnh hưởng khi dòng vốn đầu tư nước ngoài suy yếu. Mặc dù lạc quan rằng áp lực bán mạnh gần đây là có phần thái quá, cùng với việc GBP có dấu hiệu phục hồi trong phiên giao dịch đêm qua, chúng tôi vẫn giữ một thái độ thận trọng. Nếu tâm lý e ngại rủi ro tiếp tục gia tăng, diễn biến trên có thể sẽ còn kéo dài.
Danske Bank Research