JPMorgan Asset Management: Nhìn lại 2024 - Năm của những bất ngờ
Thành Duy
Junior editor
2024 là một năm đầy những bất ngờ, khi thị trường chứng khoán liên tục thách thức các dự đoán - đôi khi theo hướng tích cực, đôi khi lại tiêu cực - nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì một danh mục đầu tư đa dạng.
Năm 2024 chứng kiến nhiều sự kiện đáng chú ý: tăng trưởng kinh tế toàn cầu có sự phân hóa rõ rệt trong bối cảnh bất ổn gia tăng; gần một nửa dân số thế giới tham gia các cuộc bầu cử, làm dấy lên nhiều tranh luận về chính sách; lạm phát hạ nhiệt tại các nền kinh tế lớn, cho thấy các nhà hoạch định chính sách dường như đã thành công trong việc tạo ra một cú “hạ cánh mềm"; và lớp tài sản rủi ro ghi nhận một năm thắng lớn, tuy nhiên có sự phân hóa rõ rệt.
Vậy đâu là nguyên nhân đằng sau những biến động thị trường này? Để giải đáp, chúng ta cần phân tích một số chủ đề then chốt đã định hình nên năm vừa qua:
- Ngoại lệ tăng trưởng của Mỹ vẫn tiếp diễn: Đầu năm 2024, các dự báo đồng thuận đều cho rằng tăng trưởng của Mỹ sẽ bình thường hóa. Thực tế, nền kinh tế Mỹ đã tạo nên cú hích bất ngờ theo chiều hướng tích cực, nhờ vào chi tiêu tiêu dùng ổn định và đầu tư tư nhân mạnh mẽ vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Ước tính hiện tại cho thấy kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 2.8% trong năm 2024, cao gấp đôi so với dự đoán ban đầu và tạo nên khoảng cách đáng kể với các nền kinh tế phát triển khác. Trong nhóm các nền kinh tế đang phát triển, Ấn Độ dẫn đầu về tăng trưởng, trong khi Trung Quốc cũng đạt được mục tiêu 5.0% nhờ vào gói kích thích kinh tế được triển khai vào cuối năm.
- Lãi suất giảm, nhưng thị trường trái phiếu vẫn chưa khởi sắc: 2024 từng được kỳ vọng là "năm của trái phiếu" khi thị trường dự đoán các ngân hàng trung ương tại những quốc gia phát triển top đầu sẽ cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, quá trình cắt giảm diễn ra không đồng đều: lạm phát dai dẳng (kèm theo những rủi ro liên quan đến chính sách được dự báo cho năm 2025) và tăng trưởng kinh tế nóng hơn đã đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn dài lên cao, đồng thời làm dịch chuyển kỳ vọng lãi suất theo hướng thận trọng hơn trong năm nay. Mặc cho thị trường trái phiếu chính phủ gây thất vọng trong năm 2024, kênh trái phiếu doanh nghiệp lại hoạt động khá tốt bất chấp chênh lệch tín dụng hẹp, được hỗ trợ bởi tỷ lệ vỡ nợ thấp và lãi suất cơ bản hấp dẫn.
- Vàng và USD tăng phi mã: Lớp tài sản trú ẩn an toàn lên ngôi trong năm 2024, với giá vàng tăng vọt 27% trong bối cảnh nhu cầu mua vào kỷ lục từ các ngân hàng trung ương, trong khi USD tăng khoảng 7% nhờ các yếu tố vĩ mô thuận lợi — như tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và lợi suất cao tại Mỹ — bên cạnh những lo ngại địa chính trị. Kết quả là, mối tương quan nghịch truyền thống giữa vàng và USD đã bị phá vỡ.
- Lớp tài sản rủi ro tiếp tục ghi nhận một năm thắng lợi: Bất chấp những dự đoán kém sắc vào đầu năm 2024, thị trường chứng khoán Mỹ đã vượt qua mọi kỳ vọng, ghi nhận năm thứ hai liên tiếp với mức tăng trưởng trên 20%, một thành tích chỉ đạt được bốn lần kể từ thập niên 1930. Một lần nữa, động lực tăng trưởng này đến từ các cổ phiếu vốn hóa lớn, được thúc đẩy bởi kết quả kinh doanh khả quan, tâm lý lạc quan xoay quanh công nghệ AI và tiềm năng nới lỏng quy định dưới thời chính quyền mới. Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán Châu Âu gặp khó khăn do nền kinh tế suy yếu, trong khi Nhật Bản và các thị trường mới nổi lại thể hiện tốt hơn, đặc biệt là Đài Loan và Ấn Độ. Cùng lúc đó, Bitcoin đã tăng giá hơn gấp đôi sau khi ETF giao ngay được chấp thuận và tâm lý lạc quan về những thay đổi chính sách tiềm năng.
Sau cùng, 2024 là một năm đầy biến động và khó lường - với cả những gam màu sáng và tối - một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì một danh mục đầu tư đa dạng. Hơn nữa, sự phân hóa giữa các tài sản có thể khiến danh mục đầu tư bị lệch lạc, tiềm ẩn rủi ro tập trung. Do đó, khi hướng tới năm 2025, các nhà đầu tư không chỉ nên xây dựng mà còn phải duy trì chiến lược phân bổ tài sản một cách hiệu quả.
Lợi nhuận theo loại tài sản trong năm 2024. Dữ liệu tính đến ngày 07/01/2025. Nguồn: Bloomberg, FactSet, MSCI, Russell, Standard & Poor’s, J.P. Morgan Asset Management. Large cap: S&P 500, Small cap: Russell 2000, Growth: Russell 1000 Growth, Value: Russell 1000 Value, EM Equity: MSCI EM Equity (USD), Europe: MSCI Europe Equity (USD), Japan: MSCI Japan Equity (USD), U.S. Agg: Bloomberg US Aggregate, High Yield: Bloomberg U.S. HY Index, Cash: Bloomberg 1-3m Treasury, EM Debt (LCL): Bloomberg EM Local Currency Government, Euro Agg. (LCL): Bloomberg Euro Aggregate Government Treasury, Gold: NYMEX Gold near term, Bitcoin: CoinMarketCap.
JPMorgan