Danske Bank Research: CPI nối dài chuỗi dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ, USD giảm, lợi suất sụt mạnh; xung đột địa chính trị chuyển biến khả quan

Danske Bank Research: CPI nối dài chuỗi dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ, USD giảm, lợi suất sụt mạnh; xung đột địa chính trị chuyển biến khả quan

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

15:34 16/01/2025

Nhận định bởi Bộ phận Nghiên cứu tại Danske Bank.

Điểm nhấn hôm nay

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu và doanh số bán lẻ của Mỹ được công bố vào tối nay sẽ cung cấp cho thị trường những bằng chứng về sức khỏe của nền kinh tế tiêu dùng và tình hình việc làm. Dự báo chung cho số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu là 210,000 (kỳ trước: 201,000) và doanh số bán lẻ tháng 12 dự kiến tăng 0.6% so với tháng trước (kỳ trước: 0.7%). Ở một diễn biến khác, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ công bố biên bản họp tháng 12 vào lúc 19:30 theo giờ Việt Nam.

Diễn biến đáng chú ý gần đây

Địa chính trị

Sau 15 tháng xung đột, một lệnh ngừng bắn tại Gaza đã được công bố. Các cuộc đàm phán đã đạt được một thỏa thuận nhiều giai đoạn nhằm chấm dứt chiến tranh. Lệnh ngừng bắn dự kiến có hiệu lực từ ngày 19/01. Thỏa thuận này bao gồm giai đoạn ngừng bắn ban đầu kéo dài sáu tuần, đi kèm việc Israel rút quân đội khỏi Dải Gaza, trả tự do con tin và tạo điều kiện cho người dân Palestine di tản trở về.

Ở một diễn biến khác, lời hứa của Tổng thống đắc cử Donald Trump về việc đạt được lệnh ngừng bắn ở Ukraine ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức đang đối mặt với nhiều thách thức. Các cố vấn của ông hiện thừa nhận rằng việc giải quyết xung đột Ukraine sẽ mất nhiều tháng, thậm chí có thể lâu hơn, mang đến một cái nhìn thực tế về lời hứa chính sách đối ngoại quan trọng này. Việc đạt được một thỏa thuận chỉ trong vòng 24 giờ luôn là điều phi thực tế, và dường như sự phức tạp của cuộc xung đột này giờ đây đã được nhìn nhận một cách thấu đáo hơn.

Kinh tế Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 của Mỹ gần như đúng với dự đoán, với các chi tiết tiếp tục cho thấy lạm phát cơ bản đang hạ nhiệt. Lạm phát toàn phần tăng 0.39% so với tháng trước (dự báo: 0.30%), trong khi lạm phát lõi hạ nhiệt còn 0.23% (dự báo: 0.20%). Cả hai chỉ số đều bám sát dự báo chung. Mức tăng của lạm phát toàn phần chủ yếu đến từ giá năng lượng, trong khi các thành phần của lạm phát lõi lại cho thấy tín hiệu tích cực. Lạm phát giá nhà ở đã hạ nhiệt sau khi giá khách sạn tăng vọt vào tháng 11. Bên cạnh đó, cả giá cả trên thị trường cho thuê và nhà ở đều đang có xu hướng giảm. Lạm phát dịch vụ phi nhà ở tăng nhẹ. Giá hàng hóa lõi và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng góp phần kiềm chế lạm phát lõi. Mặc dù thị trường lo ngại rằng lạm phát sẽ nóng lên, nhưng dữ liệu lại nói không. Phản ứng với điều này, lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ ghi nhận phiên giảm mạnh nhất trong nhiều tháng và EUR/USD tăng sau khi dữ liệu được công bố.

Kinh tế Anh

Dữ liệu lạm phát tháng 12 của Anh gây bất ngờ lớn khi giảm mạnh hơn dự kiến, với chỉ số toàn phần tăng 2.5% so với cùng kỳ năm trước (dự báo: 2.6%, kỳ trước: 2.6%), trong khi lõi ở mức 3.2% (dự báo: 3.4%, kỳ trước: 3.5%). Đáng chú ý, lạm phát dịch vụ đã giảm mạnh xuống 4.4% so với cùng kỳ năm trước (dự báo: 4.8%, kỳ trước: 5.0%). Mặc dù xu hướng giảm này diễn ra trên diện rộng, nhưng giá vé máy bay mới là động lực chính. Lạm phát dịch vụ, vốn là mối quan tâm hàng đầu của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), nay đã thấp hơn mức dự báo 4.7% của BoE. Chưa kể, thước đo lạm phát dịch vụ lõi (loại trừ các thành phần biến động như giá vé máy bay) tiếp tục hạ nhiệt, một tín hiệu đáng mừng cho BoE. Kết hợp với dữ liệu lạm phát của Mỹ thấp hơn dự kiến được công bố vào buổi tối, điều này đã xoa dịu đáng kể áp lực lên thị trường Anh sau đợt bán tháo gần đây.

Kinh tế Đức

GDP của Đức trong năm 2024 giảm 0.2% so với cùng kỳ năm trước (kỳ trước: giảm 0.3%), thêm bằng chứng cho một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế dai dẳng nhất của quốc gia này trong nhiều thập kỷ qua, và thời điểm dữ liệu được công bố chỉ cách cuộc bầu cử quan trọng sáu tuần. Ước tính ban đầu về tăng trưởng GDP trong Q4/2024 là giảm 0.1% so với quý trước, tuy nhiên con số này vẫn còn nhiều bất định do thiếu dữ liệu. Dù sao, mức giảm này vẫn phù hợp với kỳ vọng tăng trưởng và không quá nghiêm trọng như những lo ngại trước đó, đặc biệt khi xét đến tâm lý kinh tế đang ảm đạm.

Chứng khoán

Chứng khoán toàn cầu tăng điểm hôm qua, với nhiều chỉ số đã đóng cửa ở mức cao nhất trong ngày, nhờ tâm lý lạc quan được thúc đẩy bởi số liệu CPI lõi của Mỹ thấp hơn dự kiến. Đối với một vài chỉ số, đây là phiên giao dịch tích cực nhất kể từ sau đợt tăng điểm hậu bầu cử Mỹ. Không ngạc nhiên khi nhóm cổ phiếu chu kỳ, đặc biệt là tại Mỹ, dẫn đầu đà tăng trưởng. Dù vậy, mức độ vượt trội của nhóm cổ phiếu này vẫn gây bất ngờ. Điều đó củng cố thêm quan điểm cho rằng cổ phiếu chu kỳ sẽ tiếp tục tăng trưởng vượt bậc miễn là môi trường kinh tế vĩ mô vẫn thuận lợi, bất chấp việc định giá của nhóm này đang ở mức cao chưa từng thấy so với cổ phiếu phòng thủ trong hơn 15 năm. Kết phiên hôm qua, Dow Jones, S&P 500, Nasdaq và Russell 2000 tăng lần lượt 1.7%, 1.8%, 2.5% và 2.0%.

Ngoại hối 

EUR/USD ban đầu tăng vượt 1.0300 sau khi dữ liệu CPI của Mỹ được công bố thấp hơn dự kiến. Đến phiên Mỹ, USD đã thu hẹp đà giảm, khiến EUR/USD rơi trở lại dưới mốc 1.0300. Dữ liệu CPI lõi của Mỹ thấp hơn dự kiến đã tác động đến lợi suất TPCP Mỹ trên toàn bộ kỳ hạn, kéo theo kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cắt giảm lãi suất trong năm nay tăng thêm 9-10 bps. Cho đến thời điểm viết bài, thị trường đang dự đoán tổng mức cắt giảm là 40 bps trong năm 2025, với lần đầu tiên khả năng cao sẽ rơi vào tháng 7.

Sự sụt giảm của CPI lõi đến từ lạm phát giá nhà ở, hàng hóa lõi và chăm sóc sức khỏe, trong khi lạm phát dịch vụ lõi (không bao gồm nhà ở) gần như không đổi so với tháng trước. Nhìn chung, các chi tiết khá khả quan, cho thấy áp lực lạm phát cơ bản tiếp tục hạ nhiệt. Về mặt dữ liệu, trọng tâm hôm nay sẽ chuyển sang số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu và doanh số bán lẻ tháng 12 của Mỹ. Xét về triển vọng, chúng tôi tin rằng nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ USD đã bị đánh giá quá cao trong ngắn hạn, khiến đồng bạc xanh dễ bị tổn thương và tiềm ẩn nguy cơ điều chỉnh giảm sâu hơn do những bất ngờ tiêu cực từ dữ liệu của Mỹ hoặc các chính sách thuế quan ở giai đoạn đầu nhẹ nhàng hơn dự kiến từ chính quyền Trump. Ngoài ra, việc tâm lý thị trường đang nghiêng mạnh về chiều mua USD càng làm gia tăng rủi ro suy giảm hơn nữa.

Ở mặt trận khác, sau một khởi đầu năm mới đầy khó khăn, thị trường Anh đã có thể thở phào nhẹ nhõm phần nào trong phiên giao dịch hôm qua, với EUR/GBP giảm nhẹ về gần ngưỡng 0.8400 và lợi suất TPCP Anh kỳ hạn 10 năm sụt mạnh 15 bps. Mặc dù lạc quan rằng những biến động gần đây của thị trường Anh và GBP là có phần thái quá, chúng tôi vẫn giữ một thái độ thận trọng và tiếp tục duy trì quan điểm giảm đối với EUR/GBP.

Danske Bank Research

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ