Danske Bank Research: Sau loạt dữ liệu kinh tế khả quan từ Mỹ, "trùm cuối" NFP tháng 10 liệu có khiến thị trường thất vọng?

Danske Bank Research: Sau loạt dữ liệu kinh tế khả quan từ Mỹ, "trùm cuối" NFP tháng 10 liệu có khiến thị trường thất vọng?

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

16:04 01/11/2024

Nhận định của Bộ phận Nghiên cứu tại Danske Bank.

Điểm nóng hôm nay

Báo cáo bảng lương phi nông nghiệp (NFP) tháng 10 sẽ được công bố vào lúc 19:30 theo giờ Việt Nam. Chúng tôi dự kiến số lượng việc làm phi nông nghiệp sẽ giảm đáng kể trong tháng 10, xuống còn 130,000 (so với 254,000 của tháng 9) do ảnh hưởng của các yếu tố theo mùa kém thuận lợi. Bên cạnh đó, tăng trưởng thu nhập bình quân hàng tháng có thể giảm xuống 0.2% (đã hiệu chỉnh yếu tố theo mùa) và tỷ lệ thất nghiệp được dự báo sẽ giữ nguyên ở mức 4.1%. Kế đó, thị trường sẽ tiếp tục bận rộn với PMI sản xuất ISM tháng 10, được công bố vào lúc 21:00 theo giờ Việt Nam. Nhìn chung, các dữ liệu PMI sơ bộ tính đến nay cho thấy tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất vẫn đang trì trệ.

Diễn biến đáng chú ý gần đây

Trung Quốc

Chỉ số PMI Caixin của Trung Quốc tăng lên 50.3 trong tháng 10 (dự báo: 49.7, tháng trước: 49.3), phần lớn nhờ vào các biện pháp kích thích kinh tế đang dần phát huy tác dụng. Đáng chú ý, hoạt động sản xuất đã mở rộng lần đầu tiên kể từ tháng 4, thắp lên tia hy vọng về sự ổn định của nền kinh tế nước này. Bên cạnh đó, điều này còn giúp củng cố thêm bức tranh sáng màu, được thêu dệt bởi các dữ liệu PMI chính thức của tháng 10, cũng cho thấy sự phục hồi kinh tế.

Châu Âu

Chỉ số HICP tháng 10 tăng 2.0% so với cùng kỳ năm ngoái (dự báo: 1.9%, tháng trước: 1.74%), được thúc đẩy chủ yếu bởi lạm phát giá năng lượng và thực phẩm. Mặt khác, lạm phát lõi giữ nguyên ở mức 2.68% so với cùng kỳ năm ngoái (dự báo: 2.6%, tháng trước: 2.66%). Mức tăng 0.2% của lạm phát lõi (đã hiệu chỉnh yếu tố theo mùa) chủ yếu đến từ việc giá dịch vụ tăng 0.3%, trong khi giá hàng hóa không đổi. Về cơ bản, số liệu lạm phát tháng 10 vẫn phản ánh xu hướng chung của những tháng gần đây (ngoại trừ tháng 9), với lạm phát lõi hạ nhiệt dần trong bối cảnh áp lực giá dịch vụ vẫn cao, trong khi giá hàng hóa tăng không quá đáng kể. Điều này cho thấy kết quả của tháng 9 có thể chỉ là một "sự cố". Vì đà giảm lạm phát vẫn đang diễn ra, nhưng không nhanh như dữ liệu tháng 9 cho thấy, số liệu mới chỉ ủng hộ việc Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ cắt giảm lãi suất 25 bps vào tháng 12, thay vì một mức mạnh hơn.

Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp kỷ lục 6.3% trong tháng 9 (dự báo và tháng trước: 6.4%). Dù vậy, số người thất nghiệp lại tăng nhẹ 13,000 người, cho thấy thị trường lao động tại Châu Âu vẫn trì trệ, mặc cho tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục. Số người thất nghiệp tăng nhẹ tại Pháp, trong khi ở Đức lại bất ngờ giảm, theo dữ liệu của Eurostat. Nhìn chung, dữ liệu chính thức về thị trường lao động vẫn tích cực, ủng hộ quan điểm ECB sẽ cắt giảm lãi suất một cách thận trọng, từ tốn.

Mỹ

Dữ liệu lạm phát tháng 9 khá sát với dự báo, với chỉ số PCE lõi tăng 0.3% (dự báo: 0.3%, tháng trước: 0.1%). Lạm phát dịch vụ lõi tăng nhẹ so với tháng trước, đạt 0.3% sau khi đã hiệu chỉnh yếu tố theo mùa (tháng trước: 0.2%), nhưng mức độ là không đáng kể. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần mới nhất giảm xuống 216,000 (dự báo: 230,000; tuần trước: 228,000), trong khi chỉ số chi phí việc làm Q3 chỉ tăng 0.8% so với quý trước (dự báo và quý trước: 0.9%), và nhìn chung đều gây bất ngờ theo hướng tích cực. Mặc dù việc số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm có thể do ảnh hưởng của thời tiết đang mờ dần, nhưng về mặt tổng thể, các dữ liệu này ủng hộ kịch bản "hạ cánh mềm" cho nền kinh tế Mỹ, với áp lực chi phí giảm dần nhưng thị trường lao động vẫn ổn định.

Trung Đông

Điểm qua tình hình tại Trung Đông, trong khi có một số tín hiệu lạc quan về khả năng thông qua lệnh ngừng bắn trong 60 ngày tại Lebanon, Hamas hôm qua đã tuyên bố sẽ từ chối bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào, nếu nó không giúp chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh ở Dải Gaza. Về phía Iran, hai quan chức cấp cao cho biết nước này đang lên kế hoạch đáp trả vụ tấn công bằng tên lửa của Israel. Mặc dù vậy, cách thức và thời điểm Iran sẽ đáp trả vẫn là một ẩn số. Động thái đáp trả gần đây của Israel đã gây thiệt hại nặng nề cho hệ thống phòng thủ của Iran, khiến nước này dễ bị tổn thương hơn trước các cuộc tấn công mới. Các nguồn tin giấu tên ở Iran cho biết họ đang chuẩn bị danh sách các mục tiêu quân sự tại Israel, nhưng cuộc tấn công có thể sẽ chỉ diễn ra sau cuộc bầu cử Mỹ.

Chứng khoán

Chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ vào hôm qua, đánh dấu phiên giảm mạnh đầu tiên sau một thời gian dài, với sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm ngành và lại một lần nữa, không phải do tác động từ những yếu tố vĩ mô. Mặc dù kết quả kinh doanh thực tế vẫn tích cực, nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng kỳ vọng cao của nhà đầu tư, đặc biệt là đối với các công ty công nghệ. Ngành công nghệ toàn cầu giảm 3.0% trong hôm qua, với các công ty tại Mỹ chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Đáng chú ý, hai chỉ số đo lường biến động là VIX đã tăng lên mức 23, trong khi MOVE chạm đỉnh mới trong năm, mặc dù lợi suất TPCP Mỹ dao động tương đối ổn định. Với lượng lớn thông tin vĩ mô và vi mô được công bố, các nhà đầu tư rõ ràng đang lo lắng, đặc biệt là trước thềm cuộc bầu cử Mỹ diễn ra vào ngày 05/11. Kết phiên hôm qua, các chỉ số Dow Jones, S&P 500, Nasdaq và Russell 2000 giảm lần lượt 0.9%, 1.9%, 2.8% và 1.6%.

Lợi suất TPCP

Nhìn chung, thị trường TPCP Mỹ biến động nhẹ trong phiên hôm qua, với lợi suất kỳ hạn 10 năm tăng 5 bps vào đầu phiên, trước khi giảm trở lại và kết phiên ở mức 4.3%. Bên cạnh đó, thị trường TPCP Châu Âu cũng chứng kiến xu hướng tương tự, với lợi suất ban đầu tăng, sau đó giảm vào buổi chiều.

Ngoại hối

EUR/USD: Cặp tiền này đã tiến gần hơn đến mốc 1.0900 trong phiên hôm qua nhưng đã giảm trở lại trong hôm nay. USD/JPY giảm 0.9% sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định giữ nguyên lãi suất với thông điệp có phần "diều hâu", hiện đã thủng mốc 153.00 và giao dịch quanh 152.40 tại thời điểm viết bài. EUR/GBP vượt mốc 0.8400 do GBP là một trong những đồng tiền chịu thiệt hại nặng nề nhất vào phiên hôm qua, với những lo ngại về kế hoạch ngân sách của chính phủ Anh tiếp tục đè nặng lên đồng tiền này.

Dữ liệu lạm phát công bố chiều qua về cơ bản ủng hộ cho kịch bản ECB cắt giảm lãi suất 25 bps vào tháng 12 thay vì một mức điều chỉnh mạnh hơn. Bên cạnh đó, dữ liệu lạm phát tháng 9 của Mỹ nhìn chung phù hợp với kỳ vọng, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm và chỉ số chi phí việc làm Q3 tăng chậm lại so với quý trước, củng cố triển vọng "hạ cánh mềm" với điều kiện thị trường lao động ổn định.

Giờ đây, thị trường sẽ tập trung vào báo cáo việc làm NFP tháng 10 của Mỹ. Chúng tôi dự kiến số lượng việc làm phi nông nghiệp sẽ giảm đáng kể xuống 130,000, thu nhập bình quân theo giờ tăng 0.2% và tỷ lệ thất nghiệp giữ nguyên ở mức 4.1%. Với dự báo chung là khoảng 100,000 việc làm phi nông nghiệp mới được tạo ra, nếu số liệu công bố khả quan hơn mong đợi, USD có thể tăng nhẹ, mặc dù thị trường có thể sẽ cố gắng tránh việc phản ứng thái quá với báo cáo này do ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết khắc nghiệt trước thềm bầu cử Mỹ. Bỏ qua những yếu tố biến động tạm thời, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tập trung đánh giá sức khỏe nền tảng của thị trường lao động. Nhìn lại, số lượng việc làm phi nông nghiệp mới đạt trung bình khoảng 200,000 việc làm/tháng trong giai đoạn 9 đến 12 tháng qua, thấp hơn đáng kể so với mức 251,00 việc làm/tháng của năm 2023. Xu hướng giảm tốc đã thể hiện rõ rệt kể từ Q1, ít nhất là cho đến khi có sự phục hồi mạnh mẽ bất ngờ trong tháng 9. Báo cáo việc làm NFP hôm nay có thể cung cấp bằng chứng rõ ràng hơn, liệu diễn biến tích cực bất ngờ trong tháng 9 chỉ là một hiện tượng mang tính nhất thời hay dấu hiệu khởi đầu cho một giai đoạn tăng trưởng việc làm mạnh mẽ hơn.

CHF: Chỉ số CPI toàn phần tháng 10 của Thụy Sĩ vừa được công bố thấp hơn kỳ vọng khi chỉ tăng 0.6% so với cùng kỳ (dự báo và tháng trước: 0.8%). CPI lõi cũng hạ nhiệt với mức tăng 0.8% so với cùng kỳ (dự báo và trước đó: 1.0%). Như vậy, lạm phát tại Thụy Sĩ hiện đang ở mức khá thấp trong phạm vi mục tiêu 0-2% của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB). Điều này càng làm gia tăng áp lực buộc SNB phải đẩy nhanh tốc độ cắt giảm lãi suất. Cần lưu ý rằng sẽ có thêm một báo cáo lạm phát nữa trước thềm cuộc họp chính sách tiếp theo của SNB vào tháng 12. Chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm về việc SNB sẽ đưa lãi suất chính sách về mức 0.5% vào tháng 03/2025, với chênh lệch lãi suất thu hẹp sẽ hỗ trợ CHF. Do đó, chúng tôi dự báo EUR/CHF sẽ giảm dần về 0.9100 trong 12 tháng tới.

GBP: Bảng Anh một trong những đồng tiền chịu thiệt hại nặng nề nhất trong hôm qua do lo ngại về kế hoạch ngân sách mới của chính phủ nước này. GBP/USD theo đó đã thủng 1.2900, trong khi EUR/GBP vượt 0.8400 và lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Anh thì tiếp tục tăng. Chúng tôi cho rằng những lo ngại này sẽ vơi dần và thị trường cũng bình tĩnh trở lại sau cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vào tuần tới. Dù vậy, ngân sách mở rộng chủ yếu dựa vào vay nợ, cùng với việc lợi suất tăng cao gần đây (tức chi phí/lãi vay tăng), đang khiến công cuộc duy trì sự ổn định tài khóa trở nên ngày càng khó khăn. Điều này có thể sẽ buộc chính phủ Anh phải xem xét lại một số biện pháp.

Danske Bank Research

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ