MUFG Research: GBP/USD - Áp lực kép từ thị trường Gilt và dữ liệu việc làm Mỹ sắp công bố

MUFG Research: GBP/USD - Áp lực kép từ thị trường Gilt và dữ liệu việc làm Mỹ sắp công bố

Phạm Phương Anh

Phạm Phương Anh

Junior Editor

17:35 01/11/2024

Nhận định từ Bộ phận Research của Ngân hàng MUFG.

USD: Liệu đà tăng trưởng việc làm tại Mỹ có tiếp tục trong tháng 10?

Các cặp tiền trong nhóm G10 vẫn đang duy trì ổn định tại phiên Á, trước thời điểm công bố báo cáo việc làm phi nông nghiệp mới nhất cho tháng 10. Đồng USD đã tăng mạnh sau khi dữ liệu việc làm tháng 9 cho thấy nền kinh tế Mỹ tạo thêm 254,000 việc làm và tỷ lệ thất nghiệp giảm 0.1% xuống còn 4.1%. Điều này cho thấy sự phục hồi bất ngờ trong thị trường lao động Mỹ, kết hợp với khả năng Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày càng tăng đã khiến thị trường phải định giá lại kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất theo hướng thận trọng hơn. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm đã tăng khoảng 40-45 điểm cơ bản kể từ đầu tháng 10. Việc các nhà giao dịch dự báo Fed sẽ hạ lãi suất từ tốn hơn khiến lợi suất TPCP Mỹ và đồng USD khó có thể tăng mạnh thêm dựa vào báo cáo việc làm hôm nay, nhất là khi cuộc bầu cử Mỹ đang đến gần. Do kết quả Tổng thống Mỹ sẽ tác động lớn đến xu hướng của USD từ nay đến cuối năm, các nhà giao dịch có thể sẽ không mạnh dạn gia tăng vị thế dựa vào dữ liệu hôm nay, trừ khi có những con số gây bất ngờ lớn.

Thị trường dự báo số việc làm mới trong tháng 10 sẽ giảm xuống còn 100,000 chủ yếu do ảnh hưởng tạm thời từ các cuộc đình công và cơn Bão Milton. Tuy nhiên, báo cáo việc làm tư nhân ADP mới nhất và số liệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp cho thấy mức độ ảnh hưởng có thể không lớn như dự kiến. Cụ thể, ADP ước tính khu vực tư nhân vẫn tạo được 233,000 việc làm trong tháng 10, trong khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp chỉ tăng nhẹ lên 260,000 nghìn. Bỏ qua các yếu tố tạm thời, Fed đang tập trung đánh giá tình hình cơ bản của thị trường lao động. Số việc làm mới trung bình trong 9-12 tháng qua đạt khoảng 200,000/tháng, thấp hơn mức 251,000/tháng của năm 2023. Tốc độ tạo việc làm đã chậm lại rõ rệt từ quý 1 cho đến khi có sự bứt phá bất ngờ trong tháng 9. Báo cáo việc làm hôm nay sẽ cho thấy rõ hơn liệu đà tăng tháng 9 có phải là điểm khởi đầu cho giai đoạn tăng trưởng mới hay chỉ là một cú bật tăng đột biến. Chúng tôi thiên về khả năng thứ hai, điều này có thể tạo điều kiện cho Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất. Thêm vào đó, Chỉ số Chi phí Việc làm quý 3 công bố hôm qua cũng tiếp tục ủng hộ khả năng Fed sẽ hạ lãi suất khi đà tăng lương đang chậm lại. Mức tăng lương và tiền công 0.8% trong quý 3 là thấp nhất kể từ quý 2/2021.

PHẢN ỨNG THỊ TRƯỜNG SAU NGÂN SÁCH MINI CỦA TRUSS THÁNG 9 NĂM 2022

Nguồn: Bloomberg, Macrobond & MUFG GMR

GBP: Phản ứng tiêu cực của thị trường Gilt tạo rủi ro giảm giá cho đồng bảng

Đồng bảng Anh tiếp tục giao dịch ở mức thấp hơn sau đợt bán tháo hôm qua. GBP/USD đã giao dịch gần 1.2900 và EUR/GBP đã ổn định quanh vùng 0.8400-0.8450. Phản ứng tiêu cực của thị trường đối với Ngân sách của chính phủ đã khiến đồng bảng suy yếu nhẹ, mặc dù vẫn là đồng tiền có hiệu suất tốt nhất trong nhóm G10 năm nay. Đồng bảng Anh đã giảm khoảng 0.6% so với đồng USD và hơn 1.0% so với đồng EUR kể từ khi chi tiết Ngân sách được công bố vào thứ Tư. Phản ứng mạnh nhất của các nhà đầu tư được phản ánh trên thị trường Gilt, với lợi suất tăng đáng kể ở cả đầu ngắn hạn và dài hạn của đường cong lợi suất. Lợi suất Gilt kỳ hạn 2 năm và 10 năm đã tăng lần lượt khoảng 25 và 20 điểm cơ bản. Đợt bán tháo đã gợi nhớ đến phản ứng tiêu cực sau Ngân sách mini tháng 9 năm 2022 đã khiến cựu Thủ tướng Liz Truss phải từ chức. Vào thời điểm khủng hoảng năm 2022, chỉ số trung bình đồng bảng Anh so với các đồng tiền đối trọng đã giảm 3.5%, đồng thời lợi suất trái phiếu chính phủ Anh tăng rất mạnh - kỳ hạn 2 năm tăng 126 điểm và kỳ hạn 10 năm tăng 120 điểm cơ bản. So với lần đó, đợt bán tháo trái phiếu chính phủ hiện tại chưa đủ mạnh để có thể gây sức ép làm Đồng Bảng Anh giảm sâu hơn.

Thị trường đã phản ứng tiêu cực do lo ngại về khả năng đáp ứng nhu cầu vay mượn của chính phủ. Mặc dù chính phủ giải thích rằng họ cần 20 tỷ bảng Anh để bù đắp thâm hụt từ chính quyền trước, nhưng quyết định chi tiêu thêm 70 tỷ bảng mỗi năm trong 5 năm tới, trong khi chỉ thu được 36 tỷ bảng từ tăng thuế, đã khiến nhiều người nghi ngờ về khả năng cân đối ngân sách của họ.

Kết quả là chính phủ sẽ phải vay thêm khoảng 32 tỷ bảng mỗi năm trong 5 năm tới. Đáng chú ý là 2/3 số tiền vay được dùng cho chi tiêu thường xuyên, chỉ 1/3 dành cho đầu tư phát triển. Lãi suất trái phiếu chính phủ tăng cao cũng phản ánh lo ngại về việc chi tiêu thêm của chính phủ có thể thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát trong ngắn hạn. Các nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng về khả năng hạ lãi suất của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), khi dự báo lãi suất sẽ duy trì trên 4% trong năm tới.

Chúng tôi vẫn kỳ vọng BoE sẽ giảm lãi suất nhiều hơn dự đoán của thị trường. Tuy nhiên, việc duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài có thể giúp đồng bảng Anh mạnh lên khi trái phiếu chính phủ ổn định trở lại.

MUFG Research

Broker listing

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ