Scotiabank: Doanh số bán lẻ đầu mùa mua sắm cuối năm khởi sắc góp phần thúc đẩy đà tăng của USD và lợi suất TPCP Mỹ
Thành Duy
Junior editor
Bản tin từ Scotiabank.
Diễn biến chính
- Lợi suất TPCP Mỹ tăng do doanh số bán lẻ mùa lễ mua sắm khởi sắc và những tiến triển trong đàm phán thuế quan.
- Mua sắm trực tuyến chiếm ưu thế trong mùa lễ tiêu dùng sôi động tại Mỹ.
- Cuộc gặp giữa Thủ tướng Canada Trudeau và Tổng thống đắc cử Trump cùng các quan chức khác phát đi tín hiệu tích cực.
- Bất ổn chính trị tại Pháp khiến chênh lệch lợi suất TPCP Pháp-Đức tiếp tục nới rộng.
- Dữ liệu PMI sản xuất ISM và chi tiêu xây dựng của Mỹ sẽ được công bố vào tối nay.
- CAD suy yếu bất chấp dữ liệu kinh tế khả quan.
Bức tranh chung
Nhìn chung, thị trường khởi động tuần cũng như tháng mới khá êm đềm, tập trung vào một vài diễn biến chính trị, cùng với các dữ liệu kinh tế từ Mỹ. Lợi suất TPCP Mỹ tăng khoảng 4 bps trên hầu hết kỳ hạn, một phần do doanh số bán lẻ mùa lễ tiêu dùng tại Mỹ khởi đầu mạnh mẽ và tâm lý lo ngại về thuế quan đã dịu bớt. Chênh lệch lợi suất TPCP Pháp-Đức tiếp tục nới rộng, với kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 85 bps, trong bối cảnh thời điểm quyết định về kiến nghị bất tín nhiệm đang đến gần. USD nhìn chung tăng giá; hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ giảm nhẹ trong khi thị trường Châu Âu biến động trái chiều, với mức giảm 0.5% của chỉ số CAC 40 là một điểm đáng lưu ý.
Chênh lệch lợi suất TPCP Pháp-Đức nới rộng
Doanh số bán lẻ mùa lễ tiêu dùng tại Mỹ khởi đầu khả quan
Các chỉ số về doanh số bán lẻ mùa lễ tại Mỹ cho đến nay khá tích cực. Điển hình, chỉ số ‘Spendingpulse’ của Mastercard về doanh số bán lẻ tính theo giá trị danh nghĩa (không bao gồm ô tô) tăng 3.4% so với cùng kỳ năm ngoái trong ngày Black Friday, bao gồm cả mua sắm trực tiếp và trực tuyến. Doanh số bán hàng trực tuyến tăng 14.6% trong khi doanh số tại cửa hàng gần như không đổi (0.7%). Bên cạnh đó, chỉ số bán hàng trực tuyến của Adobe cho thấy doanh số tính theo giá trị danh nghĩa trong ngày Black Friday tăng 10.2% so với cùng kỳ năm ngoái. Salesforce cũng ghi nhận mức tăng 7.0%.
Bất ổn chính trị tại Pháp
Pháp đang tiến gần đến hạn chót 15:00 (22:00 theo giờ Việt Nam) do lãnh đạo Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) - Marine Le Pen, đặt ra cho Thủ tướng Michel Barnier để đáp ứng các yêu cầu về ngân sách. Ông Barnier ước tính rằng các yêu cầu mở rộng ngân sách của RN sẽ sinh ra thêm 10 tỷ Euro áp lực lên ngân sách, trong khi chính phủ đang nỗ lực cắt giảm 60 tỷ Euro để “cứu” khoản thâm hụt lớn của Pháp, dự kiến là hơn 6% GDP trong năm tới (cao hơn cả Mỹ). Các yêu cầu này bao gồm việc hủy bỏ kế hoạch tăng thuế, điều chỉnh lương hưu theo lạm phát, kiểm soát nhập cư, lập trường cứng rắn hơn về tội phạm và hủy bỏ kế hoạch hỗ trợ chi phí thuốc men. Nếu các yêu cầu không được đáp ứng, Le Pen cho biết bà sẽ sử dụng vị thế của RN là Đảng lớn thứ hai trong Quốc hội để thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào cuối tuần này. Nếu thành công, điều này có thể dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ và gây khó khăn cho việc thông qua ngân sách khi thời hạn cuối năm tài chính ngày 31/12 đang đến gần.
Đàm phán thuế quan Canada-Mỹ
Cuộc gặp gỡ vào cuối tuần trước giữa Thủ tướng Trudeau, Tổng thống đắc cử Trump và các quan chức khác được cả hai bên đánh giá là hiệu quả và tích cực, nhưng chưa có bất kỳ cam kết cụ thể nào về những bước tiếp theo. Canada cam kết tăng chi tiêu cho an ninh biên giới, và hy vọng Mỹ cũng sẽ làm như vậy. Bởi đó là biên giới chung và do những lo ngại của Canada về các vấn đề như dòng người nhập cư tiềm năng từ Mỹ khi ông Trump thắt chặt chính sách nhập cư và nạn buôn bán súng bất hợp pháp. Bên cạnh đó, hình ảnh của cuộc gặp gỡ cũng gây ra một số thắc mắc. Đầu tiên là về sự hiện diện của một ông chủ quỹ đầu cơ, người chưa được Thượng viện Mỹ phê chuẩn và vẫn đang điều hành công ty tư nhân, trong bối cảnh bất cứ điều gì được đưa ra thảo luận đều tiềm ẩn những tác động lớn đến thị trường. Vấn đề thứ hai liên quan đến sự xuất hiện của nhiều người khác tại các bàn xung quanh trong cuộc thảo luận tại khu nghỉ dưỡng của ông Trump.
Chỉ số PMI sản xuất ISM của Mỹ và phát biểu từ các quan chức Fed
Vào lúc 22:00 theo giờ Việt Nam, một vài dữ liệu vĩ mô sẽ được công bố, đáng chú ý nhất là chỉ số PMI sản xuất ISM của Mỹ. Nhiều chuyên gia nhận định, chỉ số này có thể tiềm ẩn tác động đến thị trường lớn hơn so với tầm quan trọng thực tế, đặc biệt khi so sánh với PMI dịch vụ ISM (được công bố vào thứ Tư). Hai quan chức hàng đầu của Fed cũng sẽ có bài phát biểu vào rạng sáng mai, bao gồm Chủ tịch Christopher Waller và sau khi phiên giao dịch đóng cửa, Chủ tịch Fed chi nhánh New York John Williams.
Scotiabank