Điểm tin sáng - Westpac IQ: Chứng khoán, câu chuyện lãi suất, ngoại hối, hàng hóa, chuyển động vĩ mô
Thành Duy
Junior editor
Bản tin sáng từ Ngân hàng Westpac.
Sơ lược những điểm chính
Nhìn chung, thị trường khởi đầu tuần mới tương đối êm ả. Chứng khoán Mỹ tiếp tục đà tăng, dù ở mức độ vừa phải, riêng chỉ số S&P 500 chạm đỉnh mới. Làn sóng tâm lý ưa chuộng rủi ro (risk-on) cũng lan tỏa khắp Châu Âu, đẩy chỉ số DAX của Đức vượt đỉnh lịch sử.
Lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) nhích nhẹ trên toàn bộ kỳ hạn tại Mỹ, trong khi giảm điểm ở Châu Âu, ngoại trừ OAT của Pháp, vốn chịu áp lực từ bất ổn chính trị dai dẳng.
USD nhanh chóng lấy lại vị thế sau thử thách từ hoạt động tái cơ cấu cuối tháng, với chỉ số DXY đã trở lại vùng giao dịch quen thuộc gần đây là 106-107. Phần lớn các đồng tiền chủ chốt đều suy yếu so với đồng bạc xanh, AUD/USD giảm thủng mốc 0.6500.
Chứng khoán
Chứng khoán Mỹ mở đầu tuần mới với sắc xanh nhẹ và chỉ số S&P 500 tiếp tục chạm mức cao kỷ lục mới. Kết phiên, S&P 500 và Nasdaq tăng lần lượt 0.2% và 1.0%, ngược lại Dow Jones giảm nhẹ 0.3%. Đáng chú ý, chỉ số đo lường biến động VIX lùi về mức thấp nhất kể từ tháng 7.
Làn sóng risk-on vẫn diễn biến mạnh mẽ trên khắp Châu Âu. Chỉ số Euro Stoxx 50 và FTSE 100 của Anh tăng lần lượt 0.9% và 0.3%, trong khi DAX của Đức bứt phá 1.6%, lập đỉnh lịch sử mới.
Lợi suất
Lợi suất TPCP Mỹ nhích nhẹ, với kỳ hạn 2 năm tăng 3 bsp lên 4.18%; trong khi kỳ hạn 10 năm tăng 2 bps lên 4.19%, và kỳ hạn 30 năm giữ nguyên ở mức 4.36%. Kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng này tiếp tục được củng cố, tăng lên khoảng 76% so với mức gần 50% đầu tuần trước. Về dài hạn, kỳ vọng của thị trường gần như không đổi, với mức cắt giảm tổng cộng khoảng 80 bps cho đến cuối năm 2025.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, lợi suất TPCP tại Châu Âu có diễn biến trái chiều so với Mỹ, với kỳ hạn 2 năm giảm 2-5 bps. Bên cạnh đó, lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm tại Châu Âu cũng giảm 1-6 bps, trừ Pháp, nơi bất ổn chính trị tiếp tục gây sức ép.
Hợp đồng tương lai TPCP Úc tăng giá trong phiên giao dịch đêm qua, lợi suất kỳ hạn 3 năm theo đó giảm 5 bps xuống 3.90%, trong khi kỳ hạn 10 năm giảm 6 bps về mức 4.29%. Hiện tại, thị trường vẫn đặt cược rằng Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) sẽ khởi động chu kỳ nới lỏng chính sách vào tháng 05/2025, nhưng mức cắt giảm dự kiến chỉ còn khoảng 60 bps cho cả năm.
Ngoại hối
USD nhanh chóng lấy lại sức mạnh sau áp lực từ hoạt động tái cơ cấu cuối tháng, với chỉ số DXY đã trở lại biên độ quen thuộc gần đây là 106-107. Vùng giao dịch này có thể sẽ được duy trì trong ngắn hạn, với rủi ro chính đến từ cuộc họp của Fed trong tháng 12 và diễn biến liên quan đến chính quyền Trump sắp tới. Dù khó lường, các yếu tố liên quan đến chính quyền mới nhìn chung vẫn hỗ trợ đồng bạc xanh. Niềm tin vào việc Fed cắt giảm lãi suất trong tháng 12 đang ngày càng tăng, khiến rủi ro đối với triển vọng của USD có phần lệch về một phía. Mặc dù vậy, định hướng về triển vọng năm 2025 mới là yếu tố then chốt định hình xu hướng của đồng tiền này trong tương lai.
AUD/USD kiểm nghiệm lại vùng đáy 0.6440 do USD mạnh lên, và trước đó cũng chật vật vượt mốc 0.6500. Biên độ 0.6430-0.6550 khả năng cao sẽ được duy trì trong ngắn hạn, trừ khi có bất ngờ từ dữ liệu kinh tế Úc hoặc biến động mạnh của đồng bạc xanh. Cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc tháng này có vai trò rất quan trọng với AUD, khi những tác động thương mại tiếp theo từ chính quyền Trump có thể tái xuất đầu năm 2025 khi có thêm thông tin về chính sách.
EUR chịu áp lực bán do bất ổn chính trị tại Pháp. EUR/USD mất hơn một cent, giảm từ 1.0589 xuống 1.0461, nhưng ít nhất vẫn xa đáy hai năm (1.0335) thiết lập hồi tháng 11. Nhìn chung, triển vọng của cặp tiền này vẫn ảm đạm, nhất là khi đồng bạc xanh tiếp tục mạnh lên. Kinh tế yếu kém, bất ổn chính trị và yêu cầu củng cố ngân sách là những rào cản, có thể trầm trọng thêm nếu Mỹ áp thuế quan lên khu vực này.
Mặt khác, Yên Nhật tiếp tục tỏa sáng, là đồng tiền G10 duy nhất tăng giá so với đồng bạc xanh. USD/JPY chạm đáy sáu tuần tại 149.57 do chênh lệch lãi suất Mỹ-Nhật dự kiến thu hẹp trong năm 2025.
Hàng hóa
Giá dầu thô gần như đi ngang sau nỗ lực tăng trước đó, do thỏa thuận hòa bình Israel-Hezbollah lung lay và dữ liệu kinh tế Trung Quốc cuối tuần tích cực, giao dịch quanh mức 68.10 và 71.72 USD/thùng tính đến thời điểm viết bài. Thủ tướng Israel cáo buộc Hezbollah "vi phạm nghiêm trọng" lệnh ngừng bắn sau vụ tấn công bằng tên lửa, dù Hezbollah cho rằng đó là phản ứng trước các vi phạm "lặp đi lặp lại" của Israel. Ông Netanyahu cảnh báo Israel sẽ đáp trả mạnh mẽ "ngay cả khi đó là những vi phạm nhỏ".
Bên cạnh đó, đà tăng bị kìm hãm phần nào khi đồng bạc xanh mạnh lên và lo ngại OPEC trì hoãn cuộc họp. Bloomberg đưa tin sản lượng OPEC tăng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 11, với sản lượng từ Libya bù đắp cho khoản sụt giảm của Iraq, trong khi UAE sản xuất vượt hạn ngạch. Việc Thái tử Ả Rập Xê Út thăm UAE làm dấy lên lo ngại về khả năng đạt được thỏa thuận sản lượng tại cuộc họp OPEC sắp tới.
Giá kim loại biến động nhẹ, đồng giảm 0.3% xuống 8,893 USD/tấn, trong khi nhôm tăng 0.3% lên 2,600 USD/tấn. Mặt khác, giá kẽm tiếp tục biến động mạnh, giảm 0.7% xuống 3,081 USD/tấn. Giá quặng sắt tiến gần mốc 105 USD/tấn nhờ dữ liệu tích cực từ Trung Quốc, kỳ vọng cắt giảm lãi suất và niềm lạc quan về cuộc họp Bộ Chính trị đầu tháng này (tập trung vào kinh tế và chính sách), cùng với Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương vào giữa tháng 12.
Chuyển động vĩ mô
Úc
Hàng tồn kho doanh nghiệp tư nhân (phi nông nghiệp) giảm 0.9% trong Q3, dự kiến làm giảm 0.5% tăng trưởng GDP. Doanh số bán lẻ tư nhân cho thấy sự cải thiện đáng kể, đánh dấu mức tăng trưởng hàng năm đầu tiên kể từ tháng 12/2023. Kết quả trái chiều giữa các lĩnh vực cho thấy tăng trưởng toàn diện vẫn còn xa. Lĩnh vực xây dựng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.
Ngoài ra, tăng trưởng tiền lương hạ nhiệt từ mức 5.4% so với cùng kỳ năm trước trong Q2 xuống còn 4.0% vào Q3, do ảnh hưởng của việc tăng lương tối thiểu và lương thưởng năm ngoái. Kết quả này nhìn chung phù hợp với mức tăng trưởng trung bình trong thập kỷ trước đại dịch.
Về thị trường bất động sản, giá nhà tăng 0.1% trong tháng 11, tháng tăng thứ 22 liên tiếp. Dẫu vậy, đà tăng đã chậm lại đáng kể do hạn chế về khả năng chi trả và nguồn cung được bổ sung. Đà giảm tốc là xu hướng chung, nhưng sự khác biệt về mức tăng giá giữa các thành phố lớn và vừa vẫn hiện hữu. Lãi suất neo cao trong thời gian dài hơn và khả năng chi trả hạn chế có thể ảnh hưởng đến đà tăng giá ngắn hạn, bất chấp nguy cơ mất cân bằng cung-cầu nhà ở. Sự mất cân bằng này sẽ giúp kiểm soát mức giảm giá. Giấy phép xây dựng tăng 4.2% trong tháng 10, chủ yếu nhờ phân khúc nhà ở nhiều căn hộ (nhà liền kề, căn hộ). Giấy phép xây dựng nhà riêng lẻ giảm 5.2%, mức giảm lớn nhất kể từ đầu năm. Nhìn chung, giấy phép xây dựng nhà ở đang tăng từ mức thấp, nhưng vẫn chưa đủ để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Chi phí xây dựng cao, bất ổn trong việc triển khai dự án và thời gian lập kế hoạch dài vẫn là rào cản đối với nguồn cung mới.
Mặt khác, doanh số bán lẻ tăng 0.6% vào tháng 10, tiếp dài đà tăng trong Q3. Sự phục hồi đáng khích lệ của doanh số nhóm không thiết yếu có thể là tín hiệu tích cực cho chi tiêu tiêu dùng. Mặc dù vậy, cần lưu ý rằng sự gia tăng chi tiêu có thể chỉ phản ánh nhu cầu mua sắm bị dồn nén bấy lâu bộc phát trong thời gian khuyến mãi, và có khả năng dẫn đến sụt giảm chi tiêu trong tháng 12 hoặc tháng 1 năm sau.
Trung Quốc
PMI sản xuất Caixin tăng lên 51.5 trong tháng 11, mức cao nhất trong năm tháng. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động kinh tế đang phục hồi sau các nỗ lực kích thích gần đây.
Eurozone
PMI sản xuất giữ nguyên ở mức 45.2 trong tháng 11, đánh dấu tháng thứ 29 liên tiếp dưới ngưỡng 50.0. Mặc dù tăng trưởng kinh tế yếu, nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp kỷ lục (6.3%) trong tháng 10. Chính phủ Pháp có thể bị giải tán khi các đảng đối lập dự kiến kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm. Việc Thủ tướng sử dụng cơ chế hiến pháp để “né” cuộc bỏ phiếu quốc hội về ngân sách mới đã đẩy nhanh tiến trình này. Do đó, chính phủ nước này phải thông qua ngân sách mới vào cuối năm hoặc sử dụng luật khẩn cấp để tránh bị đóng cửa.
New Zealand
Giấy phép xây dựng mới giảm 5.2% vào tháng 10 sau khi tăng 2.4% (đã điều chỉnh giảm) trong tháng 9. Ngoài ra, giấy phép xây dựng nhà riêng lẻ giảm 6.1%, ghi nhận tháng giảm thứ ba liên tiếp.
Anh
Chỉ số giá nhà Nationwide tăng 1.2% so với tháng trước trong tháng 11, đạt mức 3.7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, mức tăng hàng tháng là mạnh nhất kể từ tháng 03/2022, trong khi mức tăng hàng năm là cao nhất kể từ tháng 11/2022. PMI sản xuất tháng 11 được điều chỉnh giảm nhẹ xuống 48.0 so với số liệu sơ bộ là 48.6, và đây là tháng giảm thứ hai liên tiếp.
Mỹ
Phát biểu vào rạng sáng nay, Chủ tịch Fed Christopher Waller "nghiêng" về việc ủng hộ cắt giảm lãi suất trong tháng này, trừ khi có bất ngờ tiêu cực về lạm phát. Mặt khác, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta - Raphael Bostic vẫn chưa đưa ra quan điểm rõ ràng về quyết định trong cuộc họp tháng này, nhưng vẫn ủng hộ việc hạ lãi suất trong những tháng tới.
Về mặt dữ liệu, PMI sản xuất ISM tăng lên 48.4 trong tháng 11, mức cao nhất kể từ giữa năm, nhưng vẫn cho thấy sản lượng giảm. Chỉ số đơn đặt hàng mới tăng lên 50.4, lần đầu tiên vượt ngưỡng 50.0 trong tám tháng. Các nhà sản xuất đã phản ứng bằng cách đẩy mạnh tuyển dụng, với chỉ số việc làm cũng tăng lên. Bên cạnh đó, PMI sản xuất S&P đạt 49.7 trong tháng 11, tăng nhẹ so với ước tính sơ bộ là 48.8. Đây là tháng cải thiện thứ hai liên tiếp trong hoạt động sản xuất, mặc dù về cơ bản vẫn đang suy giảm nhẹ.
Westpac IQ