Danske Bank Research: Sự trở lại của dữ liệu lạm phát sau thời gian dài bị lu mờ, với tâm điểm là báo cáo CPI tháng 10 của Mỹ
Thành Duy
Junior editor
Nhận định bởi Bộ phận Nghiên cứu tại Danske Bank.
Hôm nay có gì hot?
Dữ liệu quan trọng nhất được công bố hôm nay sẽ là chỉ số CPI tháng 10 của Mỹ. Dự kiến, lạm phát sẽ giảm tốc cả ở thước đo toàn phần và lõi, đạt lần lược 0.1% và 0.2% so với tháng trước sau khi đã điều chỉnh theo mùa (tháng trước: 0.2% và 0.3%). Dù vậy, so với cùng kỳ, lạm phát toàn phần có thể sẽ nóng lên một chút do hiệu ứng cơ sở (cùng kỳ năm ngoái thấp), dự kiến tăng 2.5% (tháng trước: 2.4%).
Về phía Eurozone, trọng tâm sẽ chuyển sang dữ liệu sản xuất công nghiệp tháng 9. Dữ liệu này rất đáng quan tâm bởi các dữ liệu thực tế đã thể hiện tốt hơn so với chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất.
Những diễn biến đáng chú ý gần đây
Mỹ
Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond - Thomas Barkin, nhận định rằng nền kinh tế đang ở trạng thái tốt và việc người tiêu dùng nhạy cảm với giá cả có thể giúp kiềm chế lạm phát, điều này sẽ tạo thêm điều kiện cho Fed hạ lãi suất. Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis - Neel Kashkari cho rằng, bất kỳ dấu hiệu nóng lên nào trong báo cáo lạm phát sắp tới đều có thể cản trở việc cắt giảm lãi suất vào cuộc họp tháng 12, và hơn hết là có thể mất một đến hai năm để đạt được mục tiêu lạm phát 2%.
Về mặt dữ liệu, chỉ số lạc quan doanh nghiệp nhỏ của NFIB cho thấy tâm lý chung đã cải thiện nhẹ trong tháng 10, tăng từ 91.5 lên 93.7 điểm. Các chỉ số liên quan đến thị trường lao động gần như không đổi, trong khi số lượng việc làm trống và kế hoạch tuyển dụng vẫn thấp hơn một chút so với thời điểm trước đại dịch. Ngoài ra, các chi tiết liên quan đến lạm phát cũng chỉ biến động nhẹ. Nhìn chung, các doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ vẫn duy trì tình trạng kinh doanh tốt, đặc biệt là khi bất ổn chính trị đang dần được xoa dịu.
Về chính trị, Đảng Cộng hòa đang tiến gần hơn đến việc giành quyền kiểm soát Hạ viện. Edison Research dự đoán rằng họ sẽ giành được thêm một ghế nữa, đạt ít nhất 216 (chỉ còn cách ngưỡng đa số 2 ghế). Chiến thắng tại Hạ viện sẽ giúp Đảng Cộng hòa hoàn tất cú “hattrick”, trao cho ông Trump toàn quyền triển khai chương trình nghị sự của mình. Như đã đề cập đầu tuần, kịch bản này có thể khiến thâm hụt ngân sách và nợ công gia tăng, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ gây áp lực lạm phát trở lại.
Eurozone
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Phần Lan - Olli Rehn, cho biết ECB có thể sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất, hướng tới mức trung lập vào nửa đầu năm 2025. Mặc dù định hướng đã rõ ràng, nhưng ông nhấn mạnh rằng tốc độ và quy mô sẽ phụ thuộc vào biến động, cũng như triển vọng lạm phát, bên cạnh hiệu quả truyền dẫn của chính sách tiền tệ. Do đó, chúng tôi tin rằng dữ liệu PMI tháng 11 sẽ có sức nặng lớn hơn bình thường đối với quyết định cắt giảm lãi suất của ECB vào cuộc họp tháng 12. Dự kiến, ECB sẽ cắt giảm lãi suất thêm 25 bps.
Đức
Chỉ số ZEW của Đức giảm trên diện rộng trong tháng 11. Cụ thể, chỉ số đánh giá về tình hình hiện tại tiếp tục giảm xuống -91.4 điểm (dự báo: -85.0 điểm, tháng trước: -86.9 điểm), mức thấp nhất kể từ tháng 05/2020. Chỉ số kỳ vọng cũng giảm xuống 7.4 điểm (dự báo: 13.2 điểm, tháng trước: 13.1 điểm), cho thấy mức tăng của tháng trước chỉ mang tính nhất thời. Sẽ rất đáng chú ý nếu chúng ta tiếp tục theo dõi xem liệu các dữ liệu PMI và Ifo tháng 11 có cho thấy bức tranh tương tự hay không. Nhìn chung, chúng tôi vẫn bi quan về triển vọng kinh tế của Đức, khi lĩnh vực sản xuất tiếp tục suy yếu. Một rủi ro khá rõ ràng đối với triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Đức là sự suy yếu đáng kể của thị trường lao động, thể hiện qua số lượng việc làm giảm lần đầu tiên kể từ sau đại dịch trong Q3, và ngày càng nhiều công ty áp dụng các chương trình làm việc ngắn hạn.
Về chính trị, lãnh đạo các đảng phái chính tại Đức đã đồng ý tổ chức bầu cử sớm vào ngày 23/02/2025. Dự kiến cuối ngày hôm nay, Thủ tướng Đức - Olaf Scholz sẽ công bố thời điểm tổ chức cuộc bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ, nhiều khả năng sẽ diễn ra vào ngày 16/12.
Anh
Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) - Huw Pill (thuộc phe diều hâu) một lần nữa nhấn mạnh rằng cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa kết thúc. Ông nêu bật dữ liệu thị trường lao động được công bố hôm qua, cho thấy tốc độ tăng trưởng tiền lương vẫn ở mức cao, đồng thời khẳng định BoE vẫn còn nhiều việc phải làm để kiểm soát lạm phát. Báo cáo thị trường lao động cũng cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4.3% trong Q3, cao hơn một chút so với mức dự báo 4.1% và con số 4.0% của Q2. Dù vậy, do số liệu tháng 6 thấp (3.7%) nên tỷ lệ thất nghiệp của Q3 mặc dù cao hơn cả dự báo và Q2, nhưng thị trường lao động có thẻ không thực sự xấu đi. Hơn nữa, do thước đo này dựa trên dữ liệu từ Khảo sát Lực lượng Lao động (LFS) – vốn có chất lượng thấp – nên trọng tâm phân tích nên đặt vào số liệu tăng trưởng tiền lương. Nhìn về phía trước, báo cáo lạm phát tháng 10 được công bố vào tuần tới là một trong dữ liệu quan trọng cần lưu tâm, và chúng ta có thể sẽ thấy lạm phát tăng nhẹ do tác động từ giá năng lượng. Chúng tôi vẫn lạc quan về GBP, dự kiến EUR/GBP sẽ giảm dần về 0.8100 trong sáu tháng tới.
Nhật Bản
Chỉ số PPI của Nhật Bản tăng từ 3.1% lên 3.4% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 10, vượt kỳ vọng 3.0% của thị trường và đánh dấu mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 07/2023. So với tháng trước, chỉ số này tăng 0.2%, góp phần phản ánh áp lực lạm phát dai dẳng trong lĩnh vực sản xuất của Nhật Bản.
Úc
Dữ liệu công bố sáng nay cho thấy tăng trưởng tiền lương chậm lại trong Q3, với chỉ số giá tiền lương tăng 0.8% so với Q2, thấp hơn một chút so với dự báo 0.9%. So với cùng kỳ, tăng trưởng tiền lương hạ nhiệt từ 4.1% trong Q2 xuống 3.5% vào Q3, thấp hơn dự báo 3.6% và là mức tăng thấp nhất kể từ Q4/2022. Sự giảm tốc này diễn ra sau bốn quý liên tiếp tăng trưởng tiền lương đạt hoặc vượt mức 4.0%, cho thấy áp lực lạm phát do yếu tố này đang giảm bớt.
Dầu mỏ
OPEC tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu cho năm 2024 và 2025, do hoạt động kinh tế yếu hơn tại Trung Quốc và các thị trường Châu Á khác. Đây là lần thứ tư liên tiếp OPEC điều chỉnh giảm dự báo cho năm 2024.
Chứng khoán
Chứng khoán toàn cầu giảm điểm trong hôm qua, với đà bán tháo tập trung chủ yếu tại thị trường Châu Âu và Châu Á. Một số “Trump Trade” vẫn đang tiếp diễn, nhưng đồng thời, hoạt động luân chuyển vốn liên quan đến Trung Quốc cũng thể hiện rõ nét thông qua việc nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu chịu áp lực bán mạnh nhất trên thị trường. Đáng chú ý, bất chấp sự suy giảm của thị trường chứng khoán toàn cầu, lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) lại tăng mạnh, nhóm cổ phiếu chu kỳ vượt trội và chỉ số đo lường biến động VIX giảm nhẹ. Điều này cho thấy thị trường không quá lo ngại về triển vọng tăng trưởng, mà đơn giản là đang điều chỉnh để thích ứng với một thực tế mới. Kết phiên hôm qua, S&P 500 giảm 0.3%, trong khi Nasdaq Composite giảm nhẹ 0.1% sau những nỗ lực phục hồi vào cuối phiên. Dow Jones Industrial Average diễn biến tiêu cực hơn khi giảm mạnh tới 0.9%.
Ngoại hối
EUR/USD
USD tiếp tục bành trướng, với chỉ số DXY chạm mức cao nhất kể từ tháng 11/2022. EUR/USD theo đó nhúng qua mốc 1.0600, chạm đáy mới trong năm, sau đó được kéo trở lại và giao dịch gần 1.0610 tại thời điểm viết bài. Chênh lệch lợi suất TPCP kỳ hạn ngắn giữa Mỹ và Eurozone đã có tác động đáng kể đến cặp tiền này trong tháng qua, với hiệu số giữa lợi suất TPCP Mỹ và Đức kỳ hạn 2 năm mở rộng thêm 20 bps kể từ thứ Sáu.
Kết quả khảo sát ZEW yếu hơn dự kiến hôm qua không mang lại tín hiệu tích cực nào cho triển vọng kinh tế ảm đạm của Đức, vốn đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn bởi bất ổn chính trị. Mặt khác, trong khi lạm phát là tâm điểm thứ yếu trong những tháng gần đây, thì hôm nay, sự chú ý của thị trường sẽ quay trở lại với dữ liệu CPI tháng 10 của Mỹ. Dự kiến, lạm phát sẽ giảm tốc cả ở thước đo toàn phần và lõi, đạt lần lược 0.1% và 0.2% so với tháng trước sau khi đã điều chỉnh theo mùa (tháng trước: 0.2% và 0.3%). So với cùng kỳ, lạm phát toàn phần có thể sẽ nóng lên một chút do hiệu ứng cơ sở. Nếu dự báo của chúng tôi là chính xác, lợi suất TPCP Mỹ có thể giảm nhẹ và đà tăng của USD sẽ chững lại trong hôm nay.
USD/CNY
Nhân dân tệ tiếp tục suy yếu so với đồng bạc xanh. USD/CNY theo đó tăng chạm mức cao 7.235 trong phiên giao dịch hôm qua. Điều này có thể đang phản ánh dự đoán về việc Mỹ sẽ áp đặt các mức thuế quan mới lên hàng hóa Trung Quốc trong năm tới. Khi những nhân vật “diều hâu” với Trung Quốc nắm giữ các vị trí chủ chốt trong chính quyền ông Trump, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể sẽ phải đối mặt với nhiều lệnh trừng phạt liên quan đến công nghệ hơn.
Liệu Trung Quốc có tiến hành phá giá tiền tệ?
Chúng tôi cho rằng họ sẽ không làm như vậy, nhưng có thể sẽ cho phép đồng nội tệ mất giá ở mức độ đủ để phản ánh những thay đổi trong các yếu tố cơ bản, mà thuế quan sẽ là một trong số đó. Mặc dù vậy, họ vẫn sẽ hướng tới việc kiểm soát tốc độ mất giá ở mức vừa phải. Việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) liên tục ấn định tỷ giá trung tâm hàng ngày thấp hơn tỷ giá giao ngay trong những ngày gần đây cho thấy họ có thể đang muốn kiềm chế tốc độ biến động. Chúng tôi dự kiến USD/CNY sẽ tiếp tục xu hướng tăng do câu chuyện thuế quan, tuy nhiên, khả năng tăng sốc là không cao.
Danske Bank Research