Đình lạm do thuế quan tăng cao: Liệu tình hình những năm 1970 có lặp lại?
Tạ Thị Giang
Junior Analyst
Việc tăng thuế quan có thể sẽ gây ra một cú sốc đình lạm nhẹ cho nền kinh tế Hoa Kỳ.
Tóm tắt:
- Tổng thống Biden gần đây đã tăng thuế đối với 18 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, và cựu Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế quan 60% đối với Trung Quốc và mức thuế quan 10% đối với các đối tác thương mại khác nếu ông quay trở lại Nhà Trắng vào năm 2025. Việc tăng thuế này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế Hoa Kỳ?
- Một mô hình kinh tế vĩ mô lớn được sử dụng để phân tích bốn kịch bản. Kịch bản "cơ sở" giả định thuế quan không tăng, theo dõi diễn biến của nền kinh tế từ năm 2025 đến năm 2029. Trong kịch bản "Biden", mức thuế quan 50% được áp dụng lên 18 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Kịch bản “Trump” áp đặt mức thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và mức thuế 10% đối với các đối tác thương mại khác. Kịch bản thứ tư lặp lại phân tích của kịch bản “Trump” nhưng giả định rằng các nền kinh tế nước ngoài sẽ trả đũa bằng việc áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ.
- Kịch bản “Biden” về cơ bản giống với kịch bản cơ sở vì mức thuế áp dụng cho 18 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc không ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế trị giá 28 nghìn tỷ USD. Trong kịch bản “Trump”, tăng trưởng GDP sẽ giảm đáng kể vào năm 2025 so với kịch bản cơ sở, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng thêm nửa điểm phần trăm. Theo kịch bản "Trump", lạm phát trong năm 2025 sẽ cao hơn so với kịch bản cơ sở. Nếu các nước khác trả đũa bằng các mức thuế riêng của họ, thì dự kiến GDP của Mỹ sẽ giảm vào năm tới và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng cao hơn nữa.
- Tác động làm giảm tăng trưởng của thuế quan bắt nguồn từ ảnh hưởng của chúng lên Chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Giá cả tăng cao làm xói mòn tăng trưởng thu nhập thực tế, dẫn đến tăng trưởng chi tiêu thực tế của người tiêu dùng chậm lại. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ giúp giảm bớt tác động tiêu cực của thuế quan lên nền kinh tế thực. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể coi trọng mức chênh lệch của lạm phát so với mục tiêu hơn là mô hình giả định. Nếu vậy, tăng trưởng GDP thực có thể chậm hơn và tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng cao hơn so với kết quả mô phỏng đề xuất.
- Chỉ số khốn khổ (Misery index), được tính bằng tổng của tỷ lệ lạm phát CPI và tỷ lệ thất nghiệp, đã tăng từ 9% vào năm 1972 lên hơn 20% vào năm 1980 do cú sốc giá dầu những năm 1970. Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lạm phát đều sẽ tăng lên đáng kể nếu thuế quan được áp dụng rộng rãi, nhưng tổng của hai biến số này có khả năng vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh đạt được vào cuối những năm 70/ đầu những năm 80. Tóm lại, việc tăng thuế quan sẽ gây ra một cú sốc đình lạm nhẹ cho nền kinh tế.
Kinh tế chính trị Mỹ: Rời xa thương mại tự do
Các vấn đề về thương mại quốc tế, vốn ít được nhắc đến trong kinh tế chính trị Hoa Kỳ vào những năm đầu thế kỷ 21, đã trở nên quan trọng hơn trong những năm gần đây. Thâm hụt thương mại dai dẳng của Mỹ, đặc biệt là thâm hụt song phương lớn với Trung Quốc, đã làm nền cho sự chú ý trở lại đối với các vấn đề thương mại quốc tế (Hình 1). Hơn nữa, việc mất gần sáu triệu việc làm trong ngành sản xuất trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này, mà một số nhà quan sát cho rằng có liên quan đến làn sóng nhập khẩu, cũng đã khơi dậy nhận thức của công chúng về các vấn đề chính sách thương mại. Tổng thống Trump đã tăng thuế đối với nhiều đối tác thương mại của Mỹ bắt đầu từ năm 2018. Thuế suất hiệu lực đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, vốn chưa đến 3%, đã tăng lên khoảng 9% (Hình 2).
Hình 1: Cán cân thương mại song phương của Mỹ
Hình 2: Thuế suất trung bình theo trọng số thương mại của Hoa Kỳ
Sau đó, tổng thống Biden đã bãi bỏ các mức thuế quan của Trump đối với các đối tác thương mại không phải Trung Quốc, nhưng vẫn duy trì phần lớn các mức thuế hiện hành đối với hàng hóa Trung Quốc. Gần đây hơn, vào ngày 14 tháng 5, tổng thống Biden đã tuyên bố tăng thuế quan đối với khoảng 18 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Các sản phẩm bị ảnh hưởng bao gồm thép, nhôm, chất bán dẫn, xe điện, pin, pin mặt trời, cần cẩu bờ biển và một số sản phẩm y tế. Mức thuế mới đối với các sản phẩm này dao động từ 25% đến 100%. Nếu cựu Tổng thống Trump giành lại Nhà Trắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, ông đã tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu và sẽ nâng mức thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên 60%. Các mức thuế mới được công bố bởi Tổng thống Biden, cùng với những đe dọa của cựu Tổng thống Trump, sẽ có tác động gì đến nền kinh tế Mỹ?
Thuế quan sẽ dẫn đến tăng trưởng chậm lại vào năm 2025 và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng
Một mô hình kinh tế vĩ mô lớn được sử dụng để xem xét bốn kịch bản khác nhau. Kịch bản đầu tiên là dự báo cơ sở, giả định không có mức thuế mới. Kịch bản thứ hai gọi là “Biden”, xem xét tác động của việc đánh thuế 50% lên 18 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.1 Mô hình được gây sốc bằng các mức thuế mới bắt đầu từ quý 3 năm 2024 và duy trì ở mức cao đến năm 2029 (cuối giai đoạn dự báo của mô hình). Kịch bản “Trump” phân tích tác động của mức thuế 60% đối với tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và mức thuế quan 10% đối với các đối tác thương mại khác của Mỹ bắt đầu từ năm 2025. Kịch bản thứ tư gọi là “Trump + trả đũa,” lặp lại phân tích của kịch bản thứ ba nhưng nhưng bổ sung mức thuế trả đũa 10% đối với hàng xuất khẩu của Mỹ đến các đối tác thương mại. Xét thấy nhiều nền kinh tế nước ngoài đã đánh thuế các sản phẩm của Mỹ vào năm 2018 và 2019, khả năng họ áp dụng thuế quan trả đũa trong những năm tới là hoàn toàn có thể xảy ra, nếu Hoa Kỳ công bố các mức thuế của riêng mình.
Tác động của các kịch bản khác nhau lên mức GDP thực và tỷ lệ thất nghiệp lần lượt được hiển thị trong Hình 3 và Hình 4. Theo kịch bản cơ sở (tức là không tăng thuế), GDP thực tăng với mức tích lũy vượt quá 9% trong giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2029. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4.2% vào năm 2026 và duy trì ở mức đó cho đến cuối giai đoạn dự báo. Kịch bản “Biden” về cơ bản giống với kịch bản cơ sở vì mức tăng thuế được công bố gần đây chỉ áp dụng cho 18 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Với tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Mỹ lên tới khoảng 3 nghìn tỷ USD vào năm 2023 và nền kinh tế Mỹ tạo ra khoảng 28 nghìn tỷ USD GDP danh nghĩa vào năm ngoái, thì việc chỉ đánh thuế lên 18 tỷ USD hàng nhập khẩu không ảnh hưởng đáng kể đến các biến số kinh tế vĩ mô chính của Mỹ.
Theo kịch bản “Trump” (tức là áp thuế 60% đối với Trung Quốc và 10% đối với các đối tác thương mại khác của Mỹ), GDP thực gần như không tăng trưởng vào năm 2025, trong khi theo kịch bản cơ sở thì GDP tăng trưởng 1.8% (Hình 3). Sự giảm tốc độ tăng trưởng khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4.6% (Hình 4). Khi tăng trưởng GDP mạnh lên trong những năm tiếp theo, tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm dần về mức cơ sở. Theo kịch bản mà ở đó các đối tác thương mại của Mỹ trả đũa thuế quan của Trump bằng mức thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ, GDP thực sẽ giảm 0.4% vào năm 2025. Tăng trưởng sẽ chuyển biến tích cực trở lại vào năm 2026, một phần nhờ vào việc nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng mức GDP (tức là quy mô của nền kinh tế) không quay trở lại mức cơ sở, ít nhất là cho đến năm 2029. Tỷ lệ thất nghiệp trong kịch bản "Trump + trả đũa" tăng lên 4.8% vào năm 2026 trước khi giảm dần sau đó.
Hình 3: GDP thực
Hình 4: Tỷ lệ thất nghiệp
Thuế quan làm tăng lạm phát vào năm 2025
Tác động làm giảm tăng trưởng của thuế quan bắt nguồn từ ảnh hưởng của chúng đến Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI). Như được minh họa trong Hình 5, CPI tăng 2.5% vào năm 2025 theo kịch bản cơ sở (cũng như theo kịch bản "Biden"). Tuy nhiên, mức thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc và 10% đối với hàng nhập khẩu từ các đối tác thương mại khác theo kịch bản "Trump" khiến CPI tăng vọt 3.7% vào năm 2025. Tóm lại, thuế quan dẫn đến lạm phát cao hơn, ít nhất là trong giai đoạn đầu. Tỷ lệ lạm phát cao hơn làm xói mòn tăng trưởng thu nhập khả dụng thực, gây ra tác động tiêu cực đến tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng thực. Tỷ lệ lạm phát CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, vượt quá tỷ lệ lạm phát tổng thể vào năm 2025 trong cả hai kịch bản "Trump" và "Trump + trả đũa". Thuế quan, hoạt động như một loại thuế đánh vào hàng xuất khẩu nước ngoài sang Hoa Kỳ, dẫn đến tăng trưởng chậm lại ở các nền kinh tế nước ngoài, từ đó gây áp lực giảm giá dầu.
Hình 5: Chỉ số giá tiêu dùng CPI
Các mức thuế của Trump (60% đối với Trung Quốc, 10% đối với các đối tác thương mại khác) sẽ làm tăng giá tiêu dùng cơ bản vào năm 2025 thêm 1.6% so với mức cơ sở. Mức tăng giá tiêu dùng tương đối khiêm tốn này phù hợp với các tài liệu thực nghiệm. Ví dụ, Cavallo và cộng sự (2021) phát hiện rằng phần lớn mức tăng thuế quan trong giai đoạn 2018-19 được chi trả bởi các nhà nhập khẩu Mỹ. (Tức là, các nhà xuất khẩu nước ngoài đã không giảm giá để cố gắng duy trì thị phần tại Hoa Kỳ.) Mặc dù các nhà nhập khẩu Mỹ đã chuyển một phần chi phí cao hơn của hàng hóa bị đánh thuế sang cho người tiêu dùng thông qua việc tăng giá, nhưng phần còn lại họ đã tự chịu bằng cách giảm lợi nhuận. Một báo cáo gần đây đã lưu ý rằng lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp hiện đang ở mức tốt, vì vậy nếu hàng hóa nước ngoài bị đánh thuế trở lại, các nhà nhập khẩu có thể lại lựa chọn tự chịu một phần chi phí tăng thông qua việc giảm lợi nhuận. Tuy nhiên, việc bị ép biên lợi nhuận kéo dài có thể dẫn đến việc cắt giảm việc làm trong các ngành bị ảnh hưởng.
Tốc độ tăng trưởng GDP vào các năm 2025 và 2026 được ước tính bởi mô hình theo kịch bản “Trump” và “Trump + trả đũa” có thể là kết quả tốt nhất. Như được thể hiện trong Hình 6, mô hình ước tính rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm phạm vi mục tiêu cho lãi suất quỹ liên bang nhiều hơn trong hai kịch bản Trump so với kịch bản cơ sở. Những kết quả này phản ánh giả định của mô hình rằng các nhà hoạch định chính sách của Fed đặt trọng số gần như bằng nhau cho độ lệch của lạm phát so với mục tiêu và lỗ hổng sản lượng (output gap). Lỗ hổng sản lượng, đo lường độ lệch của GDP thực tế so với GDP tiềm năng, có mối tương quan chặt chẽ với tỷ lệ thất nghiệp (tức là, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên khi sản lượng thực tế giảm xuống dưới sản lượng tiềm năng và ngược lại). Nói cách khác, mô hình sử dụng Quy tắc Taylor với trọng số gần như bằng nhau cho lạm phát và lỗ hổng sản lượng làm đại diện cho hàm phản ứng của Fed.
Hình 6: Lãi suất quỹ liên bang
Trong quá khứ, các nhà hoạch định chính sách của Fed dường như đã đặt trọng số bằng nhau cho độ lệch của lạm phát so với mục tiêu 2% và lỗ hổng sản lượng. Tuy nhiên, xét đến sự gia tăng lạm phát vài năm trước và quyết tâm của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) trong việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu, có thể lập luận hợp lý rằng các nhà hoạch định chính sách của Fed hiện đang đặt trọng số lớn hơn vào lạm phát so với tỷ lệ thất nghiệp/ lỗ hổng sản lượng. Nếu việc áp dụng thuế quan khiến lạm phát tăng cao, thì FOMC có thể không cắt giảm lãi suất mạnh mẽ như ước tính của mô hình. Do đó, GDP thực có thể sẽ suy yếu hơn nữa theo hai kịch bản “Trump”, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao hơn so với mức hiển thị trong Hình 4.
Cú sốc đình lạm nhẹ do thuế quan tăng cao
Tóm lại, việc áp dụng thuế quan đồng loạt lên các đối tác thương mại của Mỹ sẽ tạo ra một cú sốc đình lạm nhẹ cho nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, các kết quả mô hình cho thấy, sự gia tăng đồng thời của tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lạm phát sẽ không đạt mức đình lạm nghiêm trọng như những gì đã xảy ra vào cuối thập niên 1970 và những năm 1980. Chỉ số khốn khổ, là tổng của tỷ lệ lạm phát CPI và tỷ lệ thất nghiệp, đã tăng vọt từ khoảng 12% vào tháng 9 năm 1973, ngay trước cú sốc giá dầu đầu tiên, lên gần 20% vào đầu năm 1975 (Hình 7). Trong vài năm sau đó, chỉ số này đã giảm xuống nhưng lại tăng vọt trở lại hơn 20% sau cú sốc giá dầu thứ hai vào đầu năm 1979. Như được trình bày trong phụ lục, sự kết hợp giữa tỷ lệ lạm phát CPI hàng năm và tỷ lệ thất nghiệp hàng năm vẫn duy trì dưới 10% trong cả hai kịch bản “Trump” và “Trump + trả đũa”. Ngay cả khi lạm phát cao hơn dẫn đến việc nới lỏng chính sách tiền tệ ít hơn so với giả định của mô hình, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao hơn so với mức hiển thị trong phụ lục, chỉ số khốn khổ có thể vẫn sẽ đạt đến mức đã được ghi nhận vào cuối những năm 70 và đầu những năm 80.
Hình 7: Chỉ số khốn khổ
Tình trạng đình lạm của thời kỳ trước bắt nguồn từ các cú sốc giá dầu năm 1973 và 1979. Giá dầu đã tăng vọt 150% từ quý 3 năm 1973 đến quý 1 năm 1974. Sau khi tăng dần đều trong vài năm tiếp theo, giá dầu lại tăng thêm 150% từ đầu năm 1979 đến giữa năm 1980. Vì dầu là nguồn nhiên liệu đầu vào được sử dụng phổ biến trong nền kinh tế Mỹ thời điểm đó - không chỉ ô tô sử dụng các sản phẩm từ dầu mà các hộ gia đình và nhà máy cũng sưởi ấm bằng dầu - nên các cú sốc giá dầu đã có tác động đình lạm đáng kể.
Đến vài thập kỷ sau, hiện tại, giá trị nhập khẩu hàng hóa chỉ tương đương 11% GDP danh nghĩa, và mức tăng giá do thuế quan tiềm năng gây ra là không đáng kể so với sự tăng vọt của giá dầu trong những năm 1970. Nhưng điều này không có nghĩa rằng tác động của việc tăng thuế quan được đề xuất là không đáng kể. Giá cả tăng cao làm suy giảm tăng trưởng thu nhập thực tế, dẫn đến tăng trưởng GDP thực chậm lại, thậm chí là giảm. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng. Tóm lại, việc tăng thuế sẽ tạo ra một cú sốc đình lạm nhẹ đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, việc lặp lại tình trạng của những năm 1970 và đầu những năm 1980 có lẽ sẽ không xảy ra trừ khi Fed để cho kỳ vọng lạm phát trở nên mất kiểm soát. Xét đến thành tích chống lạm phát đáng khen ngợi của Fed trong vài thập kỷ qua, chúng tôi tin rằng kịch bản như vậy là không có khả năng xảy ra.
PHỤ LỤC
Action Forex