Dollar Mỹ vẫn còn sức sống mãnh liệt
Đạt Nguyễn
Currency Analyst
Rất nhiều yếu tố ủng hộ đà giảm của USD trong thời gian qua đang bị thách thức
Đồng bạc xanh đã có một đợt sụt giảm nghiêm trọng trong những tháng gần đây. Nhưng những ngày hè nóng nực nhất sẽ khó có thể kéo dài thêm nữa đối với Dollar Mỹ. Các yếu tố có thể giải thích cho sự suy yếu gần đây của USD có thể sẽ không còn tiếp tục thể hiện trong các tháng sắp tới, đặc biệt là so với các đồng tiền trong nhóm G10.
Ở thời điểm này, các thị trường ngoại hối dường như chỉ đơn giản là “dự báo hiện tại”, hoặc sử dụng những lời giải thích cho sự sụt giá của đồng Dollar Mỹ để dự đoán tại sao đồng tiền này sẽ tiếp tục giảm giá. Hầu hết các chuyên gia phân tích và giới đầu tư đều tập trung vào các yếu tố mang tính chu kỳ, đổ lỗi cho những kỳ vọng giảm dần về tăng trưởng kinh tế Mỹ, lãi suất giảm thấp hơn và tốc độ mở rộng nhanh chóng bảng cân đối tài sản của Cục Dự trữ Liên bang.
Vì vậy, những câu hỏi đặt ra như việc các động lực này mạnh đến tới mức nào và khả năng chúng có thể kéo dài tới đâu rất quan trọng.
Một trong những luận điểm mang tính chu kỳ phổ biến nhất cho sự sụt giá của đồng Dollar đó là tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ chậm hơn, hoặc không thể phục hồi nhanh chóng, do “làn sóng thứ hai” dịch bệnh COVID-19 đã lan rộng khắp cả nước. Điều này ám chỉ kéo dài thêm thời gian phong tỏa trên diện rộng. Nhìn ở bề nổi nó có vẻ là một giả thiết hợp lý, nhưng nó chưa chắc có thể dự báo việc đồng USD giảm giá trong tương lai.
Hiện chưa có có dấu hiệu cho thấy các dữ liệu kinh tế giảm xuống mức báo động. Các con số tăng trưởng trong quý II của khu vực đồng Euro thậm chí còn chậm hơn nhiều so với nước Mỹ, trong khi đó chỉ số PMI tại Hoa Kỳ cũng phục hồi mạnh mẽ. Tất nhiên, mọi thứ có thể thay đổi nhưng có rất ít bằng chứng chứng minh nền kinh tế Mỹ đang vận hành ở mức nguy hiểm ở thời điểm này.
Nhận định này cũng bỏ qua sự biến động trong số lượng ca nhiễm COVID-19 mới trên khắp thế giới. Hiện nay, một số khu vực ở châu Á và châu Âu đang chứng kiến sự quay trở lại của virus Corona vào thời điểm mà tốc độ lây lan của virus này ở Mỹ đang chậm lại. Số ca nhiễm gia tăng có thể gây khó khăn đặc biệt lên khu vự châu Âu trong mùa hè du lịch và có thể làm thay đổi kỳ vọng của thị trường về tốc độ phục hồi từ sự suy thoái mạnh trong quý II.
Sự bất ổn trên diện rộng thể hiện trong các dự báo kinh tế mới đây. Phạm vi dự báo tăng trưởng cho nước Mỹ và khu vực đồng Euro vào năm 2020 và 2021 đang dao động mạnh hơn bao giờ hết. Trong khi những người tham gia trên thị trường luôn tranh luận với nhau về những thứ mơ hồ trong dự đoán và quyết định phân bổ tài sản của họ, thì độ chính xác ở thời điểm bây giờ đặc biệt thấp. Do đó, việc đặt niềm tin chắc chắn vào đồng Dollar Mỹ dựa trên những dự đoán tăng trưởng kinh tế này có vẻ mang tính mạo hiểm trong tình huống khả quan nhất và chắc chắn thất bại trong tình huống tệ nhất.
Lợi suất Kho bạc Mỹ giảm so sánh với khu vực đồng tiền chung châu Âu, thể hiện động thái của Fed khi cắt giảm lãi suất xuống gần ngưỡng 0 khi đối mặt với cuộc khủng hoảng COVID-19, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu có ít khả năng điều chỉnh hơn, do lãi suất điều hành của họ đã giảm xuống mức âm - và giới đầu tư đặt cược về triển vọng kinh tế Châu Âu sáng sủa hơn.
Nhưng ngay cả việc lợi suất giảm khiến đồng bạc xanh giảm giá (do sức hấp dẫn của việc nắm các tài sản định giá bằng USD giảm xuống) thì việc dự đoán đồng bạc xanh giảm giá xuống mức thấp hơn nữa từ đây sẽ cần lợi suất giảm nhiều hơn, vì giá vẫn đẩy cao hơn.
Có vẻ như không có nhiều người dám đặt cược vào một viễn cảnh như vậy trừ phi việc Fed hạ lãi suất xuống thêm nữa mới có khả năng xảy ra. Vì vậy, động lực giải thích cho việc đồng USD giảm giá trong thời gian gần đây đang dần mờ nhạt. Chênh lệch lãi suất có thể đang chịu áp lực nhưng sẽ ổn định trong nhiều tháng tới.
Một điểm nhấn đặc biệt khác với đồng Dollar Mỹ là “lợi suất thực” âm - được điều chỉnh theo lạm phát - đã giảm xuống mức thấp kỷ lục. Nhưng không phải lần đầu tiên một đồng tiền như Dollar Mỹ chịu lợi suất thực âm này. Đồng Euro và đồng bảng Anh đã chịu lợi suất thực âm trong nhiều năm qua, thường rất ít được thị trường chú ý, vì vậy không rõ tại sao điều này lại được coi là một vấn đề đối với đồng Dollar Mỹ.
Và để lợi suất thực giảm hơn nữa, lợi suất danh nghĩa sẽ cần phải tiếp tục giảm hoặc lạm phát sẽ phải tăng lên. Để điều sau xảy ra, nền kinh tế Mỹ cần phải có sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Vì vậy, việc ‘short’ đồng USD với lý do lợi suất thực tế thấp hơn có nghĩa là bạn bán một đồng tiền với kỳ vọng kinh tế nước đó phục hồi mạnh mẽ hơn. Điều này chỉ đơn thuần là mâu thuẫn.
Vậy còn có những lý do nào khác lý giả cho sự suy giảm của đồng USD? Một số quan điểm cho rằng các động lực mang tính nội tại như việc thâm hụt cả ngân sách liên bang và cán cân vãng lai hoặc đồng USD đang dần đánh mất đi vị thế dự trữ toàn cầu. Nhưng những yếu tố này đã xuất hiện trong những thập kỷ gần đây, do đó thật khó để xác định những động thái mới nhất mà chúng mang lại.
Đồng bạc xanh có thể đã giảm giá trong vài tháng qua, nhưng vẫn còn rất nhiều sức sống của một chiến binh lão làng. Những nhà đầu tư đang kỳ vọng đồng tiền này giảm giá trị xuống mức thấp hơn nữa mà chỉ dựa hoàn toàn trên yếu tố ngoại suy của các xu hướng gần đây, sẽ có ngày phải chấm dứt theo đuổi ảo ảnh của chính họ.