Đồng USD trước viễn cảnh làn sóng dịch bệnh mới tại Mỹ - Khi nhà vua trở lại
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Nước Mỹ đang đứng trước bờ vực của một làn sóng dịch bệnh mới và đồng USD có thể sẽ là tài sản được hưởng lợi nhiều nhất nếu điều này xảy ra
"Nước Mỹ đang trở lại", lời phát biểu này của Tổng thống Biden nghe như một lời tuyên bố chiến thắng của nước Mỹ trong việc đối phó với đại dịch Covid-19. Các số liệu về số ca nhiễm bệnh, nhập viện và tử vong quả thật đều đang cho thấy tín hiệu rất tích cực. Số ca nhập viện và tử vong hiện đang ở mức thấp nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại Mỹ. Điều này phần nào mang tới cảm giác rằng cuộc khủng hoảng lần này có thể đã đi qua.
Tuy nhiên, bức tranh hiện tại có thể sẽ nhanh chóng thay đổi với sự xuất hiện và lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta. Được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ, biến chủng này đã gây ra làn sóng dịch bệnh khổng lồ tại quốc gia đông dân thứ 2 thế giới này.
Sau Ấn Độ, biến thể Delta đã dần lan rộng ra các quốc gia Châu Á khác như Thái Lan, Malaysia hay Indonesia. Nhật Bản cũng đã buộc phải thông báo Thế vận hội Tokyo sẽ diễn ra mà không có khán giả.
Số ca nhiễm mới tại một số quốc gia Châu Á
Không chỉ vậy, virus cũng đang bắt đầu xuất hiện tại các nước Phương Tây. Các nhà khoa học Anh đã phát hiện ra rằng biến thể này có tốc độ nhân bản ở mức 8 trong cộng đồng những người chưa tiêm vắc-xin. Con số này với virus gốc là 2.5 và với biến thể Alpha là 5.
Ngoài ra, các nghiên cứu tại Anh cũng cho thấy việc tiêm chủng một mũi vắc-xin chỉ có tác dụng bảo vệ hạn chế với biến thể Delta, trái với các biến thể trước đó. Hiện tại, có khoảng 68% người dân Anh đã tiêm 1 mũi vắc-xin và 51% đã được tiêm chủng đầy đủ. Điều này đã giúp giảm số lượng ca nhập viện và tử vong bất chấp xu hướng tăng của số ca dương tính.
So sánh số ca nhập viện và tử vong giữa 2 làn sóng dịch bệnh
Tại Châu Âu, biến chủng Delta phổ biến nhất ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha - 2 quốc gia chậm trễ trong việc hạn chế người nhập cảnh từ Anh. Trong khi đó, Đức và Pháp đã phản ứng nhanh chóng với làn sóng dịch bệnh mới tại Anh.
Tại Catalonia, thành phố phía đông bắc của Tây Ban Nha đang chứng kiến sự bùng phát về số ca nhiễm. Từ mức khoảng 3000 ca/tuần vào giữa tháng 6, con số này hiện đã tăng lên mức 30,000 ca/tuần.
Nước Mỹ có thể sẽ là điểm đến tiếp theo
Những gì đang diễn ra tại Catalonia có thể sẽ là một ví dụ rõ ràng cho nước Mỹ bởi 56% dân số tại thành phố này đã được tiêm vắc-xin 1 mũi, tương tự như con số tại Mỹ là 55%. Nếu chỉ tính người trưởng thành, tỷ lệ trên của Catalonia và Mỹ lần lượt là 66.5% và 68%.
Biến chủng Delta hiện đang là nguyên nhân gây ra 50% số ca nhiễm mới tại Mỹ. Tuy vậy, số ca vẫn đang được kiểm soát chủ yếu tại một số bang như Arkansas, Texas, Missouri và Nevada. Tình hình tại phần còn lại vẫn là khá yên ả nhưng có thể chỉ là sự yên ả trước cơn bão.
Khả năng lây nhiễm cao và mật độ di chuyển tăng cao vào mùa hè có thể sẽ khiến biến chủng Delta lây lan mạnh ra toàn nước Mỹ. Ngoài ra, mặc dù có nguồn cung vắc-xin dồi dào, tốc độ tiêm chủng đang có xu hướng chậm lại.
Số liều tiêm chủng trung bình mỗi ngày tại Mỹ
Từ những nguyên nhân trên, nước Mỹ có thể đang đứng trước bờ vực của một làn sóng dịch bệnh mới và tiếp tục đè nặng lên quá trình phục hồi của nền kinh tế. Các gói kích thích tài khóa và tiền tệ có thể sẽ hạn chế phần nào tác động tiêu cực. Tuy nhiên nếu số người Mỹ có thể lao động giảm xuống do lo ngại về dịch bệnh hay các lệnh phong tỏa, tăng trưởng kinh tế trong Quý 3 có thể sẽ bị giáng một đòn mạnh.
Trong những giai đoạn khủng hoảng, đồng USD vẫn luôn được coi là vị vua. Và nếu làn sóng dịch bệnh mới tại Mỹ thật sự xảy ra, đồng bạc xanh vẫn sẽ là bên được hưởng lợi chính.
Tình trạng này có thể kéo dài bao lâu? Tốc độ lây nhiễm nhanh chóng của chủng Delta có thể sẽ kích hoạt tốc độ tiêm chủng ở mức cao hơn và các biện pháp khác nhằm làm phẳng đường cong lây nhiễm. Hệ thống miễn dịch tạo ra từ các làn sóng trước cũng có thể sẽ giúp rút ngắn thời gian của làn sóng lần này. Một khi mọi chuyện dần hạ nhiệt, dòng tiền cũng sẽ chảy ra khỏi đồng USD.
Fxstreet