Dữ liệu lạm phát tháng 4: Bất ngờ nhưng có lẽ chỉ là nhất thời
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Dữ liệu bất ngờ của lạm phát trong tháng 4 có thể là chưa đủ để lay chuyển quan điểm điều hành của Fed
Tỷ lệ lạm phát của Mỹ trong tháng 4 đạt mức 0.8% so với tháng trước, cao hơn nhiều so với mức kỳ vọng trước đó là 0.2%. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng lên mức 4.2%. Trong đó các hàng hóa liên quan tới vận tải như oto và xe tải đã tăng giá tới 10% và chiếm tới 1/3 trong tổng mức tăng của giá tiêu dùng nói chung. Sự thiếu hụt chất bán dẫn đã ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng sản xuất oto mới và gián tiếp đẩy giá các phương tiện cũ tăng cao. Đối với ngành dịch vụ, giá vé máy bay, phí thuê xe oto và bảo hiểm phương tiện cũng tăng vọt khi các hoạt động di chuyển bình thường hóa trở lại. Qua đó, tỷ lệ lạm phát cơ bản so với tháng trước đã tăng vượt kỳ vọng lên mức 0.9%, và đạt mức 3.0% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tập trung và một số nhóm hàng đặc thù
Không đơn giản chỉ là hiệu ứng cơ sở (Base effect)
Mặc dù chịu ảnh hưởng rõ rệt bởi hiệu ứng cơ sở từ xu hướng giảm giá mạnh cùng kỳ năm trước, đây không phải lý do duy nhất đằng sau đà tăng của lạm phát trong tháng 4. Một phương pháp hữu ích nhằm lọc bớt tác động của hiệu ứng cơ sở đó là so sánh dữ liệu trong giai đoạn 3, 6 hoặc 12 tháng với cùng kỳ năm trước như ở biểu đồ dưới đây
Có thể thấy lạm phát so với cùng kỳ năm trước đều tăng mạnh với cả các giai đoạn dài từ 3-12 tháng. Điều này ám chỉ có những động lực mạnh mẽ khác đằng sau đà tăng của lạm phát thay vì chỉ từ hiệu ứng cơ sở. Các yếu tố này xuất hiện từ quá trình mở cửa trở lại của nền kinh tế và sự thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng. Cả 2 yếu tố này đều được Fed đánh giá chỉ có tính chất nhất thời và sẽ dần hạ nhiệt trong năm nay.
Sự lạc quan về quá trình mở cửa nền kinh tế
Báo cáo lạm phát tháng 4 cũng cho thấy quá trình mở cửa của nền kinh tế Mỹ đang bước vào giai đoạn vững chắc hơn. Sự gia tăng của giá cả nhà hàng (0.3%), phòng nghỉ dưỡng (7.6%) cũng như vé máy bay (10.2%) đã cho thấy việc nới lỏng các biện pháp hạn chế đã giúp cải thiện nhu cầu đối với hoạt động dịch vụ.
Sự thiếu hụt nhân lực lao động đối với các công việc tiếp xúc trực tiếp với khách hàng có thể sẽ khiến mặt bằng giá cả ở các ngành này duy trì ở mức cao chơ tới ít nhất mùa hè. Áp lực có thể sẽ hạ nhiệt vào tháng 9 khi các khoản trợ cấp thất nghiệp hết hạn và nhiều trường học mở cửa trở lại giúp tăng cường lực lượng lao động.
Mặc dù vậy, tình trạng ảm đạm của thị trường lao động và tình trạng giảm phát kéo dài tại một số khu vực kinh tế từ trước đại dịch như dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chăm sóc cá nhân và chi phí thuê nhà có thể sẽ kìm hãm đà tăng của mặt giá cả chung khi tác động từ các yếu tố ngắn hạn dần phai nhạt.
Liệu Fed có thay đổi quan điểm?
Trong những phát biểu trước đó, Fed đã phát đi quan điểm rằng áp lực lạm phát chỉ mang tính nhất thời và sẽ tiếp tục quan sát kỹ biến số này. Việc lạm phát tăng mạnh trong tháng 4 dự kiến sẽ không tác động nhiều tới quan điểm trên của nhà điều hành khi giá cả chủ yếu tăng cục bộ ở một số nhóm hàng hóa liên quan tới quá trình mở cửa nền kinh tế. Yếu tố khó lường nhất lúc này đối với Fed sẽ là khả năng về kỳ vọng lạm phát của thị trường một lần nữa nóng trở lại, điều sẽ được làm sáng tỏ hơn bởi khảo sát tâm lý đại học Michigan công bố vào Thứ 6. Trong bối cảnh thị trường lao động tiếp tục ảm đạm, sẽ cần phải có một tín hiệu rõ ràng và mạnh mẽ từ phía thị trường trước khi Fed có thể phải xem xét lại quan điểm của mình.
Bảng dự báo các biến số vĩ mô của Bloomberg
Tổng hợp từ Bloomberg